Diện mạo của Pachome 

Được lấy cảm hứng từ một hình tượng vui trong một trò chơi máy tính, kiến trúc của “Pachome” mô phỏng lại hình tượng này với một cấu trúc mái sảnh vươn rộng phía trước công trình. Cấu trúc này được thiết lập như một chiếc phễu lớn, có tác dụng đón hầu hết lượng gió thổi vào mặt chính của ngôi nhà. Bên cạnh đó, phần mái lớn này trở thành yếu tố kiến trúc che nắng, mưa và khoảng không gian ban công ngắm cảnh cho phòng ngủ chính ở tầng 2. Đây là ý tưởng chính hình thành nên cấu trúc đón gió của cấu trúc ngôi nhà phân lô trên vùng đồi núi.

Các không gian chính của ngôi nhà được tổ hợp trong khối tích hai tầng nhà, đáp ứng được đầy đủ, tiện nghi sống và nhu cầu sinh hoạt cho 4 thành viên trong gia đình trẻ.

Khoảng trống tại giếng trời chiếm diện tích vừa phải. Tại đây, được trồng với các loại cây sinh trưởng trong môi trường hạn chế về ánh sáng tự nhiên. Đây cũng là không gian lõi cây xanh - cảnh quan trung tâm của ngôi nhà, không gian hút tầm nhìn của các không gian còn lại như phòng ngủ và sinh hoạt chung. Khoảng rỗng tại giếng trời này có chức năng tiếp cận, kết nối với các không gian chung của cả hai tầng.

Giếng trời và không gian vườn trong nhà như một trái tim xanh tạo vi khí hậu, môi trường không khí trong lành bên trong nhà một cách chủ động.

Gạch thông gió là một vật liệu sử dụng phổ biến trên thị trường được áp dụng vào các tường ngăn, đảm nhận chức năng thông gió xuyên nhà trước và sau. Đây cũng là một giải pháp sử dụng vật liệu phù hợp với địa khí hậu vùng miền của Huế. Cùng với chức năng thông gió theo phương đứng của giếng trời, đây là vật liệu hiệu quả trong việc hỗ trợ tốt trong việc đối lưu thông gió theo phương ngang giữa các tầng nhà.

Mái nhà được tận dụng như một diện tích hữu ích, dùng để làm không gian sân phơi, không gian thư giãn, ngắm cảnh. Nơi đây tổ chức phần lớn cây xanh và trồng rau xanh. Sân thượng là nơi dành cho sinh hoạt bạn bè và các hoạt động gia đình như tập thể dục vào sáng sớm hoặc ngắm hoàng hôn vào buổi chiều.

Với cấu trúc nhà được đặt theo địa hình dốc nên không gian tầng 1 âm vào bên trong nền đất đồi. Để giảm thiểu sự thẩm thấu nước của nền đất xung quanh và ngăn được sự ẩm thấp nền nhà, giải pháp được sử dụng ở đây là cấu trúc vách bê tông toàn khối ngăn ẩm và chống thấm. Kết cấu móng phân vùng theo “cote” cao trình của địa hình giúp tăng khả năng chống trượt và tạo sự ổn định cho toàn bộ công trình.

Thiết kế đặt mục tiêu tăng cường việc lấy sáng và thông gió tự nhiên tối đa bằng hệ thống cửa sổ kính băng ngang rộng. Thông gió chủ động được lưu ý trong tổng thể ngôi nhà, việc đối lưu thông gió xuyên phòng và xuyên công trình được thiết lập theo hai phương ngang và đứng. Các không gian ở đây đều thông gió và thoáng mát bởi giải pháp này.

Với bối cảnh xây dựng hiện nay, xu hướng chia lô ở cho các khu vực quần cư ở vùng đồi ngày càng phổ biến, gia tăng và đa dạng. “Pachome” hiện thân như là một tổ ấm hiện đại, một không gian tái tạo năng lượng cho gia đình trẻ sau một ngày làm việc.

KTS. Trương Hồng Trường