Đường lậu, đến hẹn lại “nóng”

Theo thống kê Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, trong năm 2023 các lực lượng chức năng ở trung ương và các tỉnh, thành phố đã kiểm tra, phát hiện 661 vụ việc vi phạm; 111.994 đối tượng. Qua đó tịch thu 684.492 kg đường cát, tiêu hủy 99.944 kg; xử phạt vi phạm hành chính 523 vụ, 654 đối tượng; xử lý hình sự 3 vụ, 3 bị can. Tổng số tiền phạt gần 1 tỷ đồng.

 Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồ họa: Văn Chung

Tại Hội nghị công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát Năm 2023, diễn ra tại Kiên Giang, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết: “Các đối tượng buôn lậu lợi dụng sự chênh lệch về giá đường cát giữa thị trường các nước tiếp giáp Việt Nam với thị trường trong nước để thực hiện hành vi buôn lậu; trong khi đó, người dân rất khó phân biệt được mặt hàng đường cát ngoại với đường cát sản xuất trong nước”.

Theo ghi nhận thực tế từ thị trường, trong khi đường sản xuất trong nước có giá bán từ 22.000đ – 23.000đ/ kg thì đường cát lậu chỉ ở mức 15.000đ – 16.000đ/ kg; nếu trót lọt, các đối tượng buôn lậu lãi từ 5.000đ – 7.000đ/ kg. Vì vậy, càng về các tháng cuối năm, khi nhu cầu tiêu thụ đường trong nước tăng cao, tình trạng vận chuyển đường nhập lậu càng diễn tiến phức tạp, tinh vi hơn với các điểm “nóng” nổi lên là địa bàn các tỉnh, thành phố Nghệ An, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Thủ đoạn tinh vi và biến hoá khôn lường

Mặc dù các lực lượng chức năng đã rất quyết liệt trong phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đối với mặt hàng đường cát, tuy nhiên các đối tượng móc nối, cấu kết hình thành các đường dây với thủ đoạn ngày càng tinh vi và biến hoá khôn lường.

Chia sẻ trên Đài phát thanh – Truyền hình Quảng Trị, Thượng tá Trần Vĩnh Phong, Phó Trưởng Công an huyện Đakrông, Quảng Trị cho biết: “thủ đoạn của chúng hoạt động chủ yếu là thay đổi biển số đối với các xe có trọng tải lớn nhằm che dấu hoạt động của mình với các cơ quan chức năng; còn đối với các loại xe hạ tải, chúng vận chuyển khối lượng hàng ở trên xe, xong sau đó lợi dụng sơ hở của các lực lượng chống buôn lậu của các cơ quan chức năng để vận chuyển hàng hoá này về địa bàn sâu trong nội địa để tiêu thụ.” 

Không chỉ chia nhỏ vận chuyển như trước, các đối tượng buôn lậu đường thậm chí còn hợp thức hóa khi vận chuyển, kinh doanh để qua mặt cơ quan chức năng dưới nhiều hình thức như: sử dụng vận đơn nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch; sử dụng hóa đơn xuất hàng của các nhà máy đường trong nước, tập kết đường lậu tại khu vực biên giới, sau đó thay nhãn hiệu bao bì đường trong nước để đưa vào nội địa tiêu thụ;… Bằng phương thức thủ đoạn này, các đối tượng thậm chí công khai vận chuyển bằng xe tải lớn để tuồn đường lậu vào thị trường trong nước mỗi chuyến từ vài trăm bao trở lên.

Sau khi “tràn” vào nội địa, đường lậu được tung ra thị trường thông qua các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các chủ doanh nghiệp kinh doanh vừa và nhỏ, các tiệm tạp hóa… Thậm chí, đường lậu còn được rao bán online thông qua website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Chỉ cần nhấc máy gọi điện theo số điện thoại được công khai, không khó để có thể sỉ và lẻ lượng đường từ vài chục kg đến cả trăm kg “giá nào cũng có”, lại còn được chăm sóc rất “nhiệt tình”.

Dưới sự “phù phép” tinh vi của các đối tượng buôn lậu từ bao bì nhãn hiệu đến các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, hoá đơn xuất hàng,… ngay cả các thương lái và người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn trong phân biệt đâu là đường lậu, đâu là đường của các thương hiệu uy tín trong nước.

Đường lậu “tràn” ra Chợ Đông Ba, Thành phố Huế 

Nghiêm trọng hơn, với mức giá cạnh tranh nhờ vào việc không phải chịu đóng bất kỳ khoản thuế nào vì nếu nhập chính ngạch đường từ thái Lan theo quy định phải chịu mức thuế anti-dumping hơn 47%, các nhãn hàng sản xuất tại Thái Lan, Lào ngang nhiên bán công khai, không dán nhãn phụ, với mức giá rất cạnh tranh. Số lượng bao bì ngoại được tìm thấy tại khu vực miền Trung lên đến hơn 10 sản phẩm khác nhau.

 
 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia sức khỏe, đường lậu trong quá trình vận chuyển, sang chiết sẽ không tránh khỏi việc nhiễm những tạp chất có hại. Cụ thể do sang chiết một cách thủ công, lén lút nên đường nhập lậu dễ bị nhiễm khuẩn, dễ bị lẫn các tạp chất vào và không đảm bảo theo tiêu chuẩn Việt Nam áp dụng cho đường cát trắng. Chẳng hạn đối với các chất nhiễm bẩn như Asen không lớn hơn 1 mg/kg, đồng không lớn hơn 2 mg/kg, chì không lớn hơn 0,5 mg/kg…

Với tình trạng hoạt động nhập lậu, gian lận thương mại mặt hàng đường cát diễn tiến phức tạp như hiện tại, không chỉ người tiêu dùng là đối tượng trực tiếp “ăn trái đắng” mà còn gây thất thu ngân sách, đẩy hoạt động sản xuất đường cát trong nước vào tình thế khó khăn, tác động tiêu cực đến đến thị trường, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ông Đặng Văn Dũng, Phó Chánh Văn phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho biết.