Đường vào trung tâm Nam Đông hôm nay |
Bước qua thời điểm sau năm 2000, tôi thường lên công tác ở huyện Nam Đông nhưng hệ thống đường sá ở đây vẫn chưa thay đổi nhiều. Hồi đó, từ Huế lên Nam Đông chỉ theo con đường độc đạo từ ngã ba La Sơn (Phú Lộc) quanh co rồi vượt đèo La Hy với nhiều đoạn gồ ghề như “sống lưng trâu” và qua nhiều đoạn quanh co hiểm trở (hiện nay là Tỉnh lộ 14B) dài tầm 20km. Không nói quá, từ ngã ba La Sơn lên trung tâm huyện Nam Đông đi bằng xe máy thời điểm ấy mất không dưới 3 giờ đồng hồ. Còn lên huyện A Lưới vẫn tuyến QL49A bây giờ nhưng chỉ như một lối mòn qua nhiều ngầm, nhiều đoạn chênh vênh như lên trời, mất hơn nửa ngày. Đó là chỉ nói những tuyến huyết mạch, còn từ trung tâm các huyện đi vào các xã thì phải qua bao dốc, đồi đường đất, đường mòn, gập ghềnh và lóc xóc...
Điểm vài ký ức để thấy rằng, nỗi khó khăn về đường sá đi lại ở các huyện Nam Đông và A Lưới hồi ấy. Do đó hễ mỗi khi làm việc, trò chuyện với lãnh đạo sở tại, họ luôn khao khát có những con đường đi lại êm thuận, không cách trở mỗi khi trời mưa gió, bão lũ. Vì đường sá không thuận lợi kéo theo những cái khó, nhất chuyện trao đổi hàng hóa từ thượng nguồn về xuôi và ngược lại cũng hạn chế nhiều. Cuộc sống của bà con thiểu số ở các xã vùng biên phải tự cung, tự cấp, nhất là vấn đề lương thực… Bên cạnh đường sá là muôn vàn khó khăn khác về hạ tầng, trường, trạm đều tạm bợ, liên lạc vô tuyến chỉ vài máy điện thoại cố định ở huyện...
Hôm nay mọi chuyện nghèo, chuyện khó ở miền núi Nam Đông, A Lưới ngày đó giờ đã đổi thay. Những vấn đề thiết yếu, sinh hoạt ở miền xuôi có thì miền núi cũng có. Hệ thống đường sá ở đây cũng được đầu tư nâng cấp kết nối rộng rãi, sạch đẹp, hàng hóa được trao đổi thông thương khắp nơi. Từ trung tâm tỉnh lên vùng xa nhất ở miền núi Nam Đông, A Lưới chỉ cần trong ngày, rút ngắn khoảng cách khá nhiều.
Hôm rồi nghe báo cáo tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND huyện Nam Đông khóa XII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 mà mừng. Cụ thể trong năm 2023, Nam Đông có 13/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra; tổng giá trị đầu tư toàn xã hội là 601 tỷ đồng, đạt 101,2% kế hoạch, tăng 11,3% so với cùng kỳ; các Chương trình mục tiêu Quốc gia thực hiện theo kế hoạch đề ra… Mừng hơn, hiện nay có 100% xã, thôn ở địa phương này đã có ô tô vào tận nơi; số hộ nghèo giảm đáng kể. Tại huyện A Lưới trong năm 2023, có 13/14 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 24,4%, so với năm 2022, giảm được 13,8%... Dĩ nhiên so sánh các số liệu đó với những địa phương đồng bằng thì miền núi sao “tiến kịp miền xuôi”, nhưng sự đổi thay đang theo hướng tích cực.
Tuy đi lên nhưng đời sống có bao giờ ngừng khao khát. Mỗi nấc thang là sự thay đổi tiêu chuẩn nhu cầu. Như từ bếp củi, đèn dầu lên đèn điện, bước đi của ánh sáng đẩy lùi bóng tối là sự tiếp nối liên tục, bền bỉ. Sau những chuyến công tác gần đây được thấy, được nghe những gì miền núi hôm nay vẫn gặp những khó nhọc đang giăng mắc gập ghềnh, như sắp xếp chỗ ở, là sinh kế lâu dài, là chính sách cơ chế giải quyết lao động - việc làm nâng cao thu nhập… cho đồng bào dân tộc dù đã được Trung ương, địa phương quan tâm nhiều nhưng chưa tạo bước đột phá mạnh mẽ…
Khát khao từ phía thượng nguồn luôn là dòng chảy với ước mong đời sống đồng bào ấm no hơn, văn minh hơn là điều chúng tôi cảm nhận được hôm nay. Rất nhiều người, nhiều gia đình ở đây họ chia sẻ thực lòng: “Chỉ cần nhiều cần câu cá, họ sẽ câu được nhiều cá”.