Chăm sóc người cao tuổi tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo đó, một cuộc khảo sát của Công ty tư vấn quản trị Boston Consulting Group (BCG) năm 2022 cho thấy, những lao động chăm sóc cho cả người lớn và trẻ em phụ thuộc có khả năng cao hơn 70% về sức khỏe thể chất và tinh thần kém hơn, so với những lao động khác. Ước tính của BCG lưu ý, nếu những lao động này rời bỏ lực lượng lao động do sự hỗ trợ mờ nhạt, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) có thể thiệt hại lên tới 250 tỷ USD vào năm 2035.
Các chính phủ và doanh nghiệp đều nhận thức được vấn đề này. Có thể thấy, những người sử dụng lao động Nhật Bản sẽ sớm được yêu cầu thông báo cho người lao động về chính sách nghỉ phép chăm sóc điều dưỡng; Hồng Kông (Trung Quốc) có đường dây nóng hỗ trợ dành cho những người chăm sóc; và công đoàn lớn nhất của Singapore cũng đã kêu gọi sắp xếp công việc linh hoạt và nghỉ phép chăm sóc có lương. Tuy được hoan nghênh, những sáng kiến này đòi hỏi sự điều chỉnh xã hội quan trọng, mà sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều.
Thách thức
Nền kinh tế chăm sóc được trả lương bao gồm các dịch vụ cốt lõi như chăm sóc trẻ em và các công nghệ hỗ trợ người cao tuổi, cũng như những dịch vụ lân cận như giáo dục và bảo hiểm. Ở châu Á - Thái Bình Dương, việc hỗ trợ nền kinh tế chăm sóc đặt ra những thách thức khác nhau ở các nền kinh tế đang phát triển và phát triển.
Cụ thể, các nền kinh tế đang phát triển đang đứng trước những vấn đề về trao quyền kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế. Trong khi đó, các nền kinh tế phát triển, hầu hết nằm trong các xã hội già hóa, đang phải đối mặt với nhu cầu cải cách hệ thống phúc lợi công cộng để đảm bảo tính bền vững.
Tuy nhiên, với bất kể bối cảnh kinh tế nào, nhu cầu chăm sóc cũng được dự báo tăng trưởng song song với độ tuổi trung bình và nhiệt độ toàn cầu. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ước tính, đóng góp vào GDP toàn cầu của ngành này sẽ tăng từ 9% trong năm 2018 lên 14,9% vào năm 2030.
Cơ hội
Đó sẽ là tin vui cho những người thất nghiệp. Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho hay, việc đầu tư vào các dịch vụ chăm sóc trẻ em và chăm sóc dài hạn phổ cập có thể tạo ra tổng cộng 299 triệu việc làm vào năm 2035, trong đó 78% sẽ do phụ nữ đảm nhận. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất để giúp phụ nữ chuyển từ công việc chăm sóc không được trả lương sang công việc chăm sóc được trả lương.
Các tổ chức tư nhân đang bước vào để đáp ứng những nhu cầu chăm sóc này. Ở Bangladesh, tổ chức phi lợi nhuận Phulki đang cung cấp các cơ sở chăm sóc ban ngày và giáo dục mầm non với giá cả phải chăng dành cho trẻ em từ các hộ gia đình thành thị có thu nhập thấp và trung bình, để hỗ trợ tốt hơn cho các bà mẹ đang đi làm. Đây là một đơn vị bền vững về mặt tài chính và đã tạo ra doanh thu hơn 900.000 USD hồi năm 2021.
Các công ty mới thành lập khác cũng đang hiện diện trên những lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế chăm sóc. Nhiều công ty đang tìm thấy chỗ đứng tài chính. Theo nghiên cứu toàn cầu của Sáng kiến GenderSmart, 42% doanh nghiệp liên quan đến chăm sóc đã có lãi trong vòng 7 năm.
Bên cạnh đó, các chính phủ cũng đang bắt đầu đưa ra những chính sách và cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn. Tại Indonesia, Bộ Trao quyền cho Phụ nữ và Bảo vệ Trẻ em Indonesia đã làm việc với ILO để xây dựng lộ trình kinh tế chăm sóc, nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trẻ em, dịch vụ y tế và giáo dục của những gia đình có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp chăm sóc có thể gặp rủi ro cao hơn, hoặc cần nhiều thời gian hơn để tạo ra lợi nhuận, tài chính hỗn hợp có thể đóng vai trò hữu ích. Cách tiếp cận này kết hợp vốn công hoặc vốn từ thiện với đầu tư của khu vực tư nhân để giải quyết những thách thức phát triển bền vững.
Theo bà Deborah Foo, đầu tư vào những doanh nghiệp cung cấp sản phẩm và dịch vụ chăm sóc, nhất là những doanh nghiệp tập trung vào giáo dục mầm non, là một lộ trình hấp dẫn. Trong bản cập nhật các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) hồi năm ngoái, Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (UNESCAP) đã kêu gọi đẩy nhanh tiến độ về phát triển thời thơ ấu.
Bằng cách làm việc cùng nhau, các nhà đầu tư, nhà tài trợ, chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức có thể mở ra những hiệu ứng cấp số nhân cho nền kinh tế chăm sóc được trả lương. Trong đó, các nhà hoạch định chính sách có trách nhiệm tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người chăm sóc, trong khi các nhà đầu tư cần cung cấp nguồn vốn để đưa ra những giải pháp dựa trên thị trường.
(Lược dịch từ Nikkei Asia)