Bốc xếp hàng hóa ở cảng Chân Mây |
Cơ hội mới cho doanh nghiệp
Mới đây, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế phối hợp với Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương tổ chức hội thảo “Hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận các thị trường trong khu vực Đông Nam Á, tận dụng ưu đãi từ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)”.
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa 10 nước ASEAN, trong đó, có Việt Nam và 5 đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định được đánh giá chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. Hiệp định được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên. Tại Việt Nam, hiệp định chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022.
Ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công thương đánh giá, hiện nay, hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại là xu hướng tất yếu của tất cả các nền kinh tế. Các hiệp định thương mại tự do được xem là động cơ mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh thế giới hội nhập ngày càng sâu rộng hơn. Đặc biệt, các hiệp định thương mại tự do mang đến nhiều cơ hội cho các địa phương, các doanh nghiệp nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Những phân tích của Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế mới đây cho thấy rằng, Thừa Thiên Huế là địa phương nằm trên hành lang kinh tế Đông – Tây, có đầy đủ các điều kiện phát triển công nghiệp và thương mại, như cảng hàng không, cảng biển nước sâu, hệ thống giao thông thuận lợi... Tỉnh cũng có các khu công nghiệp lớn, như Phú Bài, Chân Mây – Lăng Cô, Phong Điền, với nhiều doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả.
Đến cuối năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Thừa Thiên Huế ước đạt khoảng 1.200 triệu USD, tăng 6,85% so với cùng kỳ; sản phẩm đã xuất khẩu đến 44 quốc gia; trong đó, các thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, ASEAN, một số nước châu Âu... Nếu so sánh với tiềm năng và vị trí đang có, con số kim ngạch xuất khẩu trên vẫn chưa tương xứng với Thừa Thiên Huế. Chính vì thế, việc tận dụng Hiệp định thương mại RCEP, thúc đẩy xuất khẩu sang 5 nước trong hiệp định là rất khả thi cho doanh nghiệp trong tỉnh, vì có 2/5 thị trường là Australia và New Zealand các doanh nghiệp Thừa Thiên Huế chưa có sự tiếp cận mạnh mẽ, sâu rộng.
Công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Phong Điền |
Hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt cơ hội
Với xu hướng hội nhập toàn cầu, Hiệp định RCEP được đánh giá sẽ giúp tạo thành một khu vực thị trường thương mại tự do. Tạo thuận lợi để các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN cùng hợp tác trong chuỗi sản xuất sản phẩm xuất khẩu sang thị trường RCEP ngoài ASEAN.
Cơ hội được chỉ ra, song như phân tích của PGS.TS. Bùi Đức Tính, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế, nhiều thách thức cần được nhìn nhận và tìm giải pháp thích ứng kịp thời. Trong đó, thị trường nhập khẩu chắc chắn yêu cầu chất lượng cao hơn, thêm nhiều hàng rào kỹ thuật khắt khe; cạnh tranh thị trường xuất, nhập khẩu ngày càng khắc nghiệt hơn, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (hơn 95% tổng số doanh nghiệp). Sự cạnh tranh trong RCEP hết sức phức tạp nên doanh nghiệp vừa phải vươn lên ở thị trường xuất khẩu, nhưng cũng phải củng cố ở thị trường nội địa. Nếu không sẽ “thua trên sân nhà” trước sức cạnh tranh mạnh mẽ từ các phía. Bởi các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng sẽ phải cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ 14 thành viên còn lại, cả trong hoạt động xuất khẩu và tại thị trường nội địa.
Không ít doanh nghiệp tại Thừa Thiên Huế cho rằng, thời gian qua đã tiếp cận được những thông tin về Hiệp định RCEP, nhưng đối với các doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chưa có sự sẵn sàng cho những cơ hội mới tại thị trường mới. Cũng có một số doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm những thị trường “ngách” về các mặt hàng, như thủ công mỹ nghệ, may mặc ở các thị trường trong khu vực. Tuy nhiên, doanh nghiệp đang gặp khó trong kết nối thị trường và đáp ứng được các yêu cầu liên quan về pháp lý.
Ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng, không chỉ riêng RCEP mà nhiều hiệp định thương mại khác, doanh nghiệp trong tỉnh đều khó tận dụng nhanh chóng và đạt hiệu quả tối đa. Vấn đề này mang tính khách quan nhiều hơn vì đặc điểm doanh nghiệp trong tỉnh vừa và nhỏ. Đối với nhiều doanh nghiệp, việc mở rộng tìm kiếm thị trường mới chưa phải cấp thiết bằng tập trung nâng chất lượng sản phẩm và đáp ứng thị trường truyền thống hiện có.
Các chuyên gia lưu ý với các doanh nghiệp trong tỉnh rằng, thách thức của RCEP là không hướng vào vấn đề cắt giảm thuế quan đơn thuần, mà hướng vào giải quyết các yếu tố, thủ tục trong xuất khẩu hàng hóa. Bởi Việt Nam và các nước đang nằm trong RCEP có cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm tương đồng nên sẽ có sự cạnh tranh trực tiếp.
PGS.TS. Bùi Đức Tính góp ý, Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng cần xác định chiến lược và định hướng chính sách về thị trường mới trong tương lai. Để đón đầu, tỉnh Thừa Thiên Huế cần xác định đúng những cơ hội và thách thức của việc tham gia RCEP. Giúp các doanh nghiệp nắm bắt tốt cơ hội, vượt qua thách thức để thâm nhập thị trường trong khu vực. Từ đó, đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu, đặc biệt là các hàng hóa trong tỉnh có nhiều lợi thế. Có thể tổ chức nhiều hoạt động, diễn đàn để tư vấn, định hướng và gỡ khó cho doanh nghiệp một cách kịp thời.