Châu Âu thừa nhận rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới trong những thập kỷ tới. Ảnh minh họa: PV/Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam 

Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra, Liên minh châu Âu (EU) đang tiến hành tái đánh giá một cách cơ bản các mối quan hệ toàn cầu của mình. Trong đó, một khu vực với nhiều thị trường mới nổi khác nhau là châu Á - Thái Bình Dương sẽ là tâm điểm quan trọng của chính sách ngoại giao của EU vào năm 2024. Điều này bao gồm các hoạt động giao lưu, có thể kể đến như Diễn đàn EU - châu Á - Thái Bình Dương và Cuộc họp cấp bộ trưởng EU - ASEAN.

Các hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ tiếp tục đặt ra khuôn khổ hợp tác chính trị và kinh tế giữa hai khu vực, dựa trên sự tôn trọng và bình đẳng lẫn nhau. Các cuộc thảo luận sẽ tập trung vào những thách thức chung liên quan đến an ninh, thương mại, chuỗi giá trị toàn cầu, số hóa, chuyển đổi xanh và an ninh năng lượng.

Được biết, hiện nay ngày càng nhiều quốc gia châu Âu, bao gồm Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Italy… thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và ASEAN nói riêng.

Có thể nói rằng, có nhiều ý do đằng sau sự chú ý đổ dồn vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương của châu Âu.

Cụ thể, vào năm 2021, chứng kiến sự công bố chính thức về chiến lược mới của EU đối với khu vực, đây được xem là một cột mốc quan trọng. Mục đích là nhằm tăng cường ổn định, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững. Động thái được thực hiện vào thời điểm tồn tại thách thức và căng thẳng gia tăng, với mục tiêu duy trì dân chủ, nhân quyền, pháp quyền và tôn trọng luật pháp quốc tế.

Thêm vào đó, châu Âu ngày càng thừa nhận rằng châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục là một trong những khu vực năng động nhất trên thế giới trong những thập kỷ tới. Nếu được định nghĩa rộng hơn, châu Á - Thái Bình Dương là nơi sinh sống của khoảng 3/5 dân số thế giới. Khu vực chiếm khoảng 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, khoảng 2/3 tăng trưởng toàn cầu, khoảng 40% tổng nhập khẩu của EU và cùng với EU, khu vực cũng thúc đẩy khoảng 70% thương mại toàn cầu.

Là nhu cầu cấp thiết của châu Âu trong việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau xung đột giữa Nga và Ukraine, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được nhận định là một phần quan trọng, một thị trường trọng điểm trong mục tiêu này.

Đối với khu vực châu Âu, cách tiếp cận là thúc đẩy một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm một môi trường cởi mở và công bằng cho thương mại và đầu tư, đôi bên cùng có lợi, tăng cường khả năng phục hồi, chung tay giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và hỗ trợ kết nối với châu Âu.

Tất cả những điều này được kỳ vọng sẽ mang lại một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm sự rõ ràng về mặt chiến lược. Mặc dù vẫn còn nhiều khác biệt giữa châu Âu và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng theo thời gian, có thể nhiều nước châu Âu sẽ hướng tới một lăng kính chiến lược toàn diện hơn để xem xét mối quan hệ của mình với khu vực, qua đó thúc đẩy quan hệ giữa châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương ngày càng tốt hơn trong tương lai sắp tới, các chuyên gia nhấn mạnh.

Hạnh Nhi (Lược dịch từ The Business Times)