Các địa phương khi bắt tay xây dựng làng văn hóa, đều chọn lọc các yếu tố tích cực trong hương ước, tục làng |
Khởi đầu từ làng văn hóa Tây Thành, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền vào năm 1997, đến nay các địa phương trên toàn tỉnh lần lượt triển khai đăng ký xây dựng làng văn hóa. Hiện, trên toàn tỉnh có 1.070 (trong tổng số 1.101) khu dân cư (làng, thôn, bản, tổ dân phố) đã được công nhận đạt chuẩn văn hóa. Đó là tín hiệu vui được Sở Văn hóa và Thể thao đưa ra khi bàn về vấn đề “Giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân gian, văn hóa làng, các lễ hội truyền thống; phát huy vai trò văn hóa cơ sở trong xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị”.
Thời gian qua, các địa phương khi bắt tay xây dựng làng văn hóa, đều biết chọn lọc các yếu tố tích cực trong hương ước, tục làng để xây dựng một bản quy ước quy định cụ thể các mặt sinh hoạt đời sống cộng đồng. Bao gồm các lĩnh vực, từ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe, phát triển giáo dục, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đến duy trì, phát triển thuần phong mỹ tục, ứng xử trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, bài trừ các tệ nạn xã hội...
Đổi thay trước hết là trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày, không còn những lời lẽ thô tục, nói năng tùy tiện, to tiếng với nhau. Hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày có ý tứ, nền nếp, ngăn nắp, khoa học hơn. Đường làng, ngõ xóm được cứng hóa, bê tông, rải nhựa, có cổng chào đầu làng, có pa nô bố trí những nơi công cộng nêu cao khẩu hiệu quyết tâm xây dựng làng văn hóa, thực hiện sinh đẻ có kế hoạch, giữ gìn bảo vệ môi trường...
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, đi sâu hơn vào trong mỗi làng văn hóa, người dân chấp hành và thực hiện nghiêm túc quy ước xây dựng làng văn hóa. Đời sống tinh thần được chú trọng. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tổ chức định kỳ, vai trò của các bậc cao niên - trưởng lão, già làng - trưởng bản được phát huy, nêu cao tính gương mẫu cho thế hệ trẻ sống có đạo lý, biết vượt khó vươn lên, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương. Nhiều tập tục, hủ tục lạc hậu được xóa bỏ.
Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27 của Trung ương, các làng văn hóa đã đưa nội dung này vào quy ước xây dựng làng văn hóa và thực hiện nghiêm túc. Từ mẫu hình cưới văn hóa đã tạo điều kiện cho nhiều hộ gia đình bớt đi các thủ tục rườm rà, tiết kiệm chi phí, hạn chế việc say sưa, ồn ào trong việc tổ chức tiệc cưới, gây được nguồn “quỹ hạnh phúc” xây dựng làng xóm. Việc tang ma được Nhân dân tổ chức theo nếp sống mới, người chết không để quá 3 ngày, những hủ tục như bắt tà trừ ma, lăn đường khóc mướn đều được xóa bỏ.
Phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh đã được triển khai xây dựng với 5 tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có môi trường cảnh quan sạch, đẹp; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng. UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đánh giá cao nỗ lực tích cực của các cấp, các ngành và tầng lớp nhân dân toàn tỉnh. Với một số hạn chế, cần phải đổi mới phương pháp, cách thức để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình phát triển phong trào.
Ông Bình đề nghị các địa phương, các ngành liên quan cần để đưa ra những giải pháp thiết thực hơn trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở gắn với xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh đô thị. Trong đó, chú trọng các biện pháp xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng, bảo tồn phong tục tập quán tốt đẹp phù hợp với truyền thống bản sắc dân tộc, xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình nông thôn và đô thị, tiếp thu những tinh hoa văn hóa để xây dựng nông thôn mới, lối sống, nếp sống văn minh đô thị…