Công nhân làm việc trong một dây chuyền sản xuất xe ô tô tại Indonesia. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Bài viết cho hay, khi năm 2023 đã đi qua, nhiều thách thức tác động đến thị trường toàn cầu hồi năm ngoái có thể sẽ là trọng tâm trong ít nhất nửa đầu năm mới, trước khi các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy thoái kéo dài hơn.

Yếu tố đầu tiên có thể vẫn ít thay đổi khi năm mới bắt đầu là môi trường lãi suất toàn cầu cao trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức ổn định, mặc dù lạm phát đang giảm do các biện pháp được các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới áp dụng. Tuy nhiên, quá trình chuyển sang mức lạm phát bình thường hơn đã mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến; và do đó, các biện pháp chính sách nhằm duy trì áp lực giảm lạm phát có thể sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024.

“Vì vậy, chúng tôi không dự kiến các biện pháp chính sách sẽ sớm thay đổi. Điều này sẽ đặt ra một thách thức trong thời gian tới, khi chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến lãi suất cao, nhưng tốc độ tăng trưởng bắt đầu chậm lại với tốc độ nhanh hơn. Nhiều nền kinh tế đã bất ngờ tăng trưởng trong năm 2023, ghi nhận mức tăng trưởng cao hơn. Tuy nhiên, dư âm của lãi suất cao kết hợp với những thách thức đang diễn ra trên mặt trận địa chính trị có thể sẽ khiến tăng trưởng trì trệ và suy giảm trong năm nay”, ông Nick Johnston nhận định.

Đối với khu vực Đông Nam Á, tác động của nền kinh tế Mỹ chậm lại chắc chắn sẽ được cảm nhận. Tuy nhiên, khu vực này sẽ tiếp tục được bảo vệ, nhờ sự thay đổi đang diễn ra trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. “Chúng tôi tiếp tục nhìn thấy các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Indonesia và Malaysia xây dựng các trung tâm sản xuất”, ông Nick Johnston nói thêm.

Bên cạnh đó, các công ty toàn cầu tiếp tục áp dụng chiến lược “Trung Quốc cộng một”, trong đó họ không chỉ dựa vào năng lực sản xuất của Trung Quốc mà còn đa dạng hóa các chuỗi cung ứng để bao gồm Trung Quốc và một quốc gia sản xuất khác, những quốc gia này phần lớn nằm trên khắp khu vực Đông Nam Á, qua đó nâng cao tầm quan trọng của khu vực này, đồng thời cung cấp một vùng đệm cho bất kỳ sự suy thoái toàn cầu nào.

Cũng theo ông Nick Johnston, sự tăng trưởng về năng lượng tái tạo và tầm quan trọng ngày càng tăng của các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trong khu vực cũng cho thấy một tín hiệu tốt đối với sự thành công về kinh tế của khu vực Đông Nam Á. Hơn một nửa số khoản vay hợp vốn gần đây của đơn vị này ở châu Á có liên quan đến ESG hoặc những tham vọng xanh. Tương tự, nhu cầu về tài trợ thương mại ngày càng tăng để hỗ trợ việc xây dựng các khoản đầu tư vào năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên khắp khu vực châu Á.

“Nếu Đông Nam Á tiếp tục tiến lên phía trước với những tham vọng riêng, và tiếp tục là sự hỗ trợ quan trọng cho chuỗi cung ứng toàn cầu, thì khu vực này sẽ đứng ở vị trí tốt để xử lý bất kỳ cú sốc nào mà chúng ta có thể gặp phải trong năm 2024”, bài viết kết luận.

LÊ THẢO (Lược dịch từ The Business Times)