Đua trải - một trong những lễ hội của Hương Thủy thu hút đông đảo người tham gia

Bảo tồn & phát huy giá -trị di sản

Bên cạnh bài chòi Thủy Thanh - một phần của Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hiện, trên địa bàn TX. Hương Thủy có 15 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng (5 di tích cấp quốc gia, 10 di tích cấp tỉnh); hơn 150 địa điểm có giá trị về văn hóa, nghệ thuật và danh lam thắng cảnh cùng khoảng 100 hiện vật có niên đại trên 100 năm tuổi. Đây là những di sản chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và có giá trị to lớn về mặt tinh thần, thể hiện sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chính vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích được Hương Thủy đặc biệt quan tâm.

Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương, của tỉnh, giai đoạn 2020 - 2023, Hương Thủy đã phân bổ kinh phí hơn 25 tỷ đồng để trùng tu, sửa chữa các di tích xuống cấp, như: đình Hòa Phong; cụm di tích đình, chùa Thủy Dương; di tích lịch sử lưu niệm sự kiện Lùm Chánh Đông; khuôn viên di tích cầu ngói Thanh Toàn…

Song song với công tác bảo tồn, Hương Thủy xác định khai thác di sản văn hóa thông qua hoạt động du lịch, trải nghiệm là giải pháp căn cơ, thiết thực, vừa giúp phát huy giá trị di sản, vừa bồi đắp tình cảm, tự hào và khơi dậy ý thức gìn giữ, bảo vệ di sản. Minh chứng là những năm qua, các cấp, ngành, các địa phương đã linh hoạt, chủ động trong việc tạo ra nhiều hoạt động du lịch, trải nghiệm tại các di sản. Các trường học trên địa bàn thị xã thường tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tạo điều kiện cho học sinh tham quan, tìm hiểu những di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn, như: Chiến khu Dương Hòa, cầu ngói Thanh Toàn, Đền thờ 27 liệt sĩ Ấp Tư - Mỹ Thủy...

Ngoài tạo sân chơi bổ ích, giúp học sinh hiểu rõ hơn, tự hào hơn cùng ý thức gìn giữ những giá trị quý báu của cha ông để lại, thông qua hoạt động trải nghiệm là những câu chuyện sau mỗi chuyến đi mà các em kể với bạn bè, người thân - “kênh quảng bá” hiệu quả, giúp những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp ngày càng lan tỏa.

Văn hóa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Thời gian qua, Hương Thủy không ngừng nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn. Nhận thức về vai trò của văn hóa và trách nhiệm xây dựng văn hóa ở các cấp, các ngành và người dân được nâng lên. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thực hiện nếp sống văn minh đô thị ngày càng đi vào thực chất. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao được đẩy mạnh. Các giá trị văn hóa mới hình thành và phát triển làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Ngoài việc được biết đến khi có hơn 40 lễ hội, trong đó tiêu biểu như: Chợ quê ngày hội, hội bài chòi, lễ hội đua trải…, thu hút hàng ngàn lượt người tham gia, Hương Thủy còn là địa phương có nhiều giá trị văn hóa được nhân rộng trên toàn tỉnh, như: đám tang không để quá 3 ngày ở P. Thủy Dương; mô hình không dùng túi ni lông ở xã Thủy Tân; góp gạo cho gia đình có tang ở tổ 5 P. Thủy Châu… cùng các làng nghề thủ công truyền thống như rèn cầu Vực (Thủy Châu), nón lá Vân Thê (Thủy Thanh)...

Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật được địa phương triển khai ngày càng đa dạng, phong phú, phát huy vai trò trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách con người, nhất là trong giới trẻ. Các thiết chế văn hóa không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Hiện nay, bên cạnh các thiết chế văn hóa - thể thao do Trung Tâm VH, TT&TT TX. Hương Thủy quản lý còn có hơn 120 thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của các tầng lớp nhân dân.

Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa theo hướng bền vững, hướng đến kết hợp hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội đang được Hương Thủy xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Bài, ảnh: NGÔ THỊ ÁI HƯƠNG