Đường phố Huế rợp bóng cây xanh. Ảnh: Bảo Phước |
Thời cơ để Huế phát triển thành đô thị di sản
Ngày cuối cùng của năm 2023, Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án “Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Như vậy, theo đúng lộ trình Huế sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản và văn hóa Huế, cảnh quan và môi trường thiên nhiên. Với định hướng phát triển kinh tế - xã hội rõ ràng dựa trên lợi thế về lịch sử và tài nguyên thiên nhiên vốn có, Huế đủ tiềm lực để trở thành một trung tâm về văn hóa lịch sử, phát triển mạnh về du lịch và kinh tế công nghiệp xanh. Ở một khía cạnh khác về hình thành đô thị di sản, phát triển trên nền tảng bảo tồn và phát huy trọn vẹn di sản, văn hóa và tài nguyên thiên nhiên, cùng với những thành tựu đạt được xuyên suốt quá trình phát triển, TP. Huế đang trở thành thành phố đáng sống theo các tiêu chí thế giới hiện đại.
Là một người con xứ Huế, đã từng ra đi tìm cơ hội làm giàu và quay trở về, chúng tôi thường nghe những câu chuyện như: Huế ít thay đổi, phát triển chậm, khi nào cũng buồn, thu nhập thấp là nguyên nhân vì sao nhân tài Huế ra đi tìm sự thành công nơi khác. Ở chiều ngược lại, những người giỏi, ưu tú vẫn gắn bó với Huế, hoặc những người quay trở về vì họ thực sự cảm thấy yêu và thoải mái với cuộc sống đất Cố đô. Họ chọn thu nhập không cao nhưng vẫn có cuộc sống đầy đủ về vật chất, được ở trong ngôi nhà có vườn, có không gian xanh, được thưởng thức những món ăn dân dã nhưng sạch sẽ và bổ dưỡng, có thời gian chăm sóc con cái, ba mẹ, ông bà, thăm hỏi bà con láng giềng; được hít thở không khí trong lành, yên tĩnh ở mọi ngóc ngách của thành phố. Điều đó càng có giá trị hơn trong bối cảnh thế giới những năm qua chìm trong rối ren của dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh khiến lòng người mệt mỏi với cuộc sống.
Đồi Vọng Cảnh luôn thu hút du khách đến vui chơi. Ảnh: Ngọc Hòa |
Huế có tiềm năng lớn trở thành thành phố đáng sống
Trong thống kê các thành phố đáng sống nhất thế giới, Việt Nam chỉ có Hà Nội xếp vị trí thứ 129. Các tiêu chí chuẩn thế giới gồm có: văn hóa giải trí tốt, cơ sở hạ tầng đáng tin cậy, dịch vụ giáo dục và y tế đạt chuẩn. Trong đó, một khảo sát tại các thành phố đáng sống tại Úc, người dân quan tâm nhất là yếu tố ổn định, văn hóa, môi trường và yếu tố then chốt là khả năng chi trả để được sống trong thành phố đó.
Nhìn qua, nếu Huế được đưa vào khảo sát thì các tiêu chí đang rất phù hợp với lợi thế của Huế. Về tính ổn định chính trị và an ninh, tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội ở Huế rất thấp, sự quan tâm, giáo dục và gần gũi của gia đình xây dựng được văn hóa lành mạnh cho xã hội. Yếu tố văn hóa gắn với ẩm thực, vui chơi, giải trí, tự do tôn giáo thì ẩm thực Huế được xếp hạng cao trên thế giới với món ăn cung đình và sự tỉ mỉ trong chế biến món ăn; các hoạt động vui chơi, giải trí thiên về truyền thống và phù hợp với hoạt động văn hóa giáo dục, trải nghiệm lịch sử, trải nghiệm làm thủ công mỹ nghệ, thể thao và hoạt động gần gũi với thiên nhiên. Các tiện ích của cuộc sống cao cấp, hiện đại, hoạt động về đêm vẫn chưa tạo được thói quen cho người dân Huế, vốn đã sống chậm, ngủ sớm, dậy sớm, không thích xô bồ, ồn ào. Xứ Huế là cái nôi của Phật giáo nhưng vẫn tôn trọng các tôn giáo khác, với hàng ngàn tín đồ về Huế mỗi dịp lễ hội tôn giáo. Về yếu tố môi trường, Huế là một trong những địa phương mà người dân được may mắn hít thở không khí trong lành, sử dụng nước sạch thoải mái, không gian công cộng xanh mát bóng cây. Và cuối cùng, giá cả về sinh hoạt và cư trú tại Huế ở mức mà nhiều người Việt có thể chi trả được, là điều kiện đủ để thu hút du khách trong và ngoài nước tạm trú hoặc lưu trú lâu dài.
Trước bối cảnh thuận lợi được sự hỗ trợ từ Trung ương khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Huế nên tập trung nguồn lực để nâng cao hơn nữa các tiêu chí tốt đẹp của thành phố đáng sống. Thứ nhất, Huế cần ổn định an ninh để du khách đến đây được an toàn về tình trạng chặt chém giá cả, trộm cắp vặt. Thay vào đó là sự niềm nở, vui vẻ, giúp đỡ, hòa đồng giúp du khách sớm hòa mình vào cuộc sống nơi miền đất mới. Thứ hai, các giá trị văn hóa về văn hóa lịch sử địa phương, giải trí, vui chơi được thấm nhuần sự tốt đẹp, được công nhận của toàn xã hội là có tính giáo dục, hướng thiện, yêu thiên nhiên, bảo tồn di sản, tôn trọng lịch sử. Thứ ba, môi trường của Huế cần được tiếp tục duy trì và bảo vệ trong cộng đồng dân cư Huế, môi trường cần được làm tốt hơn ở khía cạnh lối sống xanh gồm thu gom và tái chế rác, phát triển kinh tế thân thiện với môi trường. Với sự kỳ vọng, Huế sẽ trở thành thành phố đáng sống, không chỉ người dân Huế được thụ hưởng mà Huế còn là nơi an trú hạnh phúc cho du khách và người dân Việt Nam.