Hàng hóa phong phú tại siêu thị Co.opmart Huế. Ảnh: MC |
Không để xảy ra tình trạng thiếu hàng
Hiện, một số chợ trên địa bàn TP. Huế như Đông Ba, An Cựu, Tây Lộc…, lượng hàng hóa phục vụ Tết rất lớn, đa dạng và phong phú. Nhiều nhất là các mặt hàng mứt, bánh kẹo, hạt dưa, thực phẩm, nước uống đóng chai... Giá các mặt hàng tươi sống và hàng thiết yếu phục vụ Tết vẫn ổn định, không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ đối với một vài mặt hàng.
Phó Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba Lê Thị Kim Chi cho hay, hiện chợ đang gấp rút trang trí cổng chợ, chỉnh trang cơ sở vật chất để tạo không khí mua sắm tươi vui cho du khách. Các tiểu thương đã chuẩn bị đa dạng, dồi dào các mặt hàng Tết như thực phẩm khô, nhu yếu phẩm, áo quần thời trang, bánh kẹo...
Hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh cũng đa dạng, phong phú. Nhiều siêu thị đưa ra các chương trình khuyến mại để kích cầu như giảm giá, giao hàng miễn phí, tặng phiếu nhận quà, đồng hành với khách hàng…
Bà Dương Thị Tuất - Giám đốc siêu thị Co.opmart Huế cho hay, hiện sức mua vẫn chưa cao nhưng dự đoán lượng khách mua sắm sẽ tăng mạnh vào những ngày cận Tết. Trong dịp Tết 2024, siêu thị đã dự trữ nguồn hàng hóa tăng từ 30% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhằm không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 21/KH-SCT ngày 17/1/2024 về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường trong dịp này.
Theo kế hoạch dự trữ, dự kiến hàng hóa tại siêu thị Go!Huế 120 tỷ đồng; siêu thị Co.opMart dự trữ: 50 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại Thái Đông Anh 41 tỷ đồng; hàng hóa cung ứng tại chợ Đông Ba khoảng 18 tỷ đồng. Riêng tại chợ đầu mối Phú Hậu, kế hoạch dự trữ hàng hóa khoảng 3,2 tỷ đồng/ngày, bao gồm mặt hàng rau, củ, quả hàng ngày nhập vào chợ để phân phối trên địa bàn thành phố và các huyện lân cận phục vụ nhu cầu Nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán 2024 với nguồn cung chủ yếu từ các tỉnh: Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Trị, Vinh, Đà Lạt, Gia Lai...
Hàng hóa tại các siêu thị phong phú, đa dạng |
Theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường
Tìm hiểu tại các chợ và siêu thị, tình hình thị trường trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024 trên địa bàn tương đối ổn định, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm đảm bảo đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tuy giá cả một số mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu có tăng nhẹ do sự biến động giá trên thị trường dịp tết như các loại thịt gia súc, gia cầm, cá, trứng gia cầm, rau các loại... song không có hiện tượng sốt giá, đầu cơ, găm hàng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, nhằm tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá cả thị trường dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai 6 nhóm nội dung trọng tâm, gồm: Tổ chức theo dõi diễn biến tình hình thị trường, giá cả hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại; đẩy mạnh các hoạt động thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; cung ứng điện, đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ; thông tin đầy đủ, kịp thời về thị trường và các chính sách bình ổn, kiểm soát các thông tin thất thiệt có thể gây bất ổn thị trường…
Theo Sở Công thương, hiện Sở đã phối hợp UBND các địa phương nắm bắt, theo dõi tình hình hàng hóa, giá cả hàng ngày và làm tốt công tác dự báo thị trường; chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, BQL các chợ trên địa bàn tăng cường dự trữ, bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu, hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết Nguyên đán; yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh cam kết bình ổn giá cả hàng hóa thiết yếu như: gạo, thực phẩm tươi sống, nông sản, bánh, mứt, kẹo, thịt lợn, xăng dầu...
“Qua theo dõi và kiểm tra thực tế, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết chuẩn bị hàng hóa khá tốt. Các mặt hàng phong phú, đa dạng chủng loại, kiểu dáng, mẫu mã, số lượng..., bảo đảm đáp ứng nhu cầu của Nhân dân”, đại diện Sở Công thương cho biết thêm.