Nhiều khách hàng chen chân mua giày dép, túi xách treo bảng "made in Việt Nam" trên đường Điện Biên Phủ

Thật - giả lẫn lộn

Shop giày - túi xách tại một cửa hiệu trên đường Đ., TP Huế những ngày này khá đông đúc và nhộn nhịp khi cửa hàng treo biển “Siêu giảm giá”đối với tất cả sản phẩm kinh doanh tại đây. Vào bên trong, hàng trăm đôi giày, túi xách và ví da được chủ quán giới thiệu và treo bảng là hàng xuất xứ Việt Nam, hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi nên giảm giá bán… Những đôi giày láng bóng, kiểu dáng sành điệu hay những chiếc ví da mẫu mới nhưng có giá từ 40-60 ngàn đồng. “Mẫu mã cũng khá đẹp, nhưng giá lại rẻ nên mình mua khá nhiều, còn chất lượng thì đợi dùng thử mới biết”, chị Nguyễn Ái Mỹ, trú tại đường Phan Bội Châu nói.

Qua tìm hiểu, đa số các sản phẩm ở đây đều không có nhãn mác rõ ràng, chỉ in hàng chữ Zara Basic, Zara… hoặc những chữ tiếng nước ngoài mờ nhạt, song đều có giá khá thấp, dao động từ 40 - 150 ngàn đồng/sản phẩm. Trao đổi với chủ shop thì được biết, do không có thời gian và chi phí đi lấy hàng nên mọi giao dịch, nhập hàng chị đều giao cho một người quen ở Cửa khẩu Móng Cái. Sau khi thu gom đủ số lượng hàng, người này gửi hàng theo xe khách và tập kết xuống các địa điểm ở TP để bán. “Đây là hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi, nhiều mẫu mã đẹp nhưng giá lại rẻ nên khách hàng rất chuộng. Hiện, mỗi ngày tôi bán vài chục đôi giày và cả chục chiếc túi xách da”, bà Gái chia sẻ.

8h tối, các khu phố đêm ở đường Bà Triệu (đoạn sau lưng Siêu thị Big C Huế) và các tuyến đường Phan Đình Phùng, Đinh Tiên Hoàng tấp nập khách. Tại đây, đầy đủ các chủng loại hàng từ áo quần, giày dép, túi xách, mũ, vali, đồng hồ, mắt kính, hàng phụ kiện… nằm la liệt trên các tấm ni lon hay treo trên giá. Những chiếc áo thun, quần Jean không hề có đính nhãn mác và tên nhà sản xuất chỉ có giá từ 40 - 90 ngàn đồng; những đôi giày được các chủ hàng treo bảng giới thiệu là hàng Việt Nam xuất khẩu bị lỗi nhưng giá chỉ từ 60.000 - 120.000đ, bằng phân nửa sản phẩm “made in Việt Nam” thật được bày bán tại các shop. Vì giá rẻ, mẫu mã đẹp nên số lượng khách tìm mua tương đối nhiều.

Lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng nội, nhiều mặt hàng sản xuất từ Trung Quốc đã được đưa vào thị trường nội địa, dán mác Việt Nam để bán. Trước đây hàng giả thường là hàng nội giả hàng ngoại, thì giờ xuất hiện cả hàng ngoại giả hàng ngoại, hàng ngoại giả hàng nội được sản xuất ở nước nhập lậu vào để trục lợi. Không chỉ có những mặt hàng thông dụng như giày dép, túi xách, áo quần mà lâu nay, nhiều mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc như vợt muỗi, máy sấy tóc, nồi cơm điện, đồng hồ, chén bát, đồ thủy tinh… đều được các chủ kinh doanh “biến” để trở thành hàng Việt.

Trao đổi với Phó Giám đốc Sở Công thương, Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh- ông Nguyễn Thanh cho biết: “Theo quy định của Nhà nước, nếu kiểm tra phát hiện sản phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng sẽ bị tịch thu và xử lý. Tuy nhiên, qua kiểm tra đa số các mặt hàng lậu, hàng nhái thường xuất hiện vào ban đêm, trong khi lực lượng QLTT phụ trách địa bàn TP Huế khá mỏng, chỉ 16 người nên không thể kiểm tra cả ban đêm lẫn ban ngày. Còn nếu tăng cường kiểm tra ban đêm thì chi cục không có kinh phí để thanh toán theo chế độ, đây là khó khăn lớn nhất khiến các đối tượng kinh doanh vẫn tìm cơ hội “tuồng” hàng nhái vào thị trường.”.

Giải pháp bảo vệ hàng Việt

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2015, Chi cục đã xử lý hơn 200 vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng nhập lậu và hàng cấm, trong đó có 80 vụ hàng lậu, 121 vụ hàng cấm. Các mặt hàng giả nhãn hiệu hàng sản xuất trong nước nhiều nhất vẫn là dầu gội đầu; áo, mũ, ba lô hiệu North Face; đồng hồ Casio; áo ấm hiệu Adidas, áo ấm hiệu Chanel trị giá hàng hóa hơn 2 tỷ đồng. Đây là con số báo động và là mối lo cho các sản phẩm sản xuất trong nước, đồng thời dấy lên nỗi lo cho sức khỏe người tiêu dùng.

Qua tìm hiểu, hàng Việt Nam xuất khẩu bao gồm các sản phẩm từ các đơn hàng không thể hoàn thành hợp đồng kịp thời hạn, bị đối tác nước ngoài huỷ hợp đồng. Vì vậy, các nhà máy buộc phải bán sản phẩm ra thị trường nội địa để thu lại chi phí. Thông thường, sản phẩm từ các đơn hàng này đã đạt đến tiêu chuẩn xuất khẩu đi nên thường có giá cao hơn sản phẩm khác từ 20- 40% chứ không có chuyện “đại hạ giá” như các cửa hàng treo bảng.

Nói về giải pháp bảo vệ hàng Việt trong thời gian tới, Giám đốc Sở Công thương - ông Võ Phi Hùng khẳng định: “Ngoài việc phối kết hợp với các DN thương mại trên địa bàn tăng cường đưa hàng Việt về nông thôn và tổ chức thường xuyên các phiên chợ hàng Việt nhằm tạo sự sôi động cho thị trường nông thôn, Sở sẽ chỉ đạo Chi cục QLTT tăng cường hơn nữa công tác trinh sát, nắm tình hình để kịp thời xử lý các trường hợp buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, bình ổn thị trường và hạn chế tối đa các mặt hàng lậu, hàng nhái đến tay người tiêu dùng.”

Với mục tiêu vừa kích cầu tiêu dùng hàng Việt và đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công thương cũng sẽ có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các DN, cơ sở đầu tư đổi mới trang thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hóa chất lượng, cải tiến mẫu mã từ các nguồn vốn của chương trình khuyến công, khôi phục nghề truyền thống để đa dạng hóa sản phẩm, hạ giá thành thu hút khách. Mặt khác, vận động các DN nghiên cứu và học hỏi kinh nghiệm để sản xuất sản phẩm mới có giá cả hợp lý để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng nhằm đẩy lùi tình trạng dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng do giá rẻ nên người dân vẫn mua và sử dụng.

Bài, ảnh: Khánh Thư