Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ trao kinh phí xây dựng “Nhà Đại đoàn kết” cho gia đình nghèo TX. Hương Thủy |
Vỡ òa hạnh phúc
Chúng tôi không quên được niềm vui, xúc động trong ngày ông Trần Văn A Hun, trú tại thôn Bá Tang, xã Hương Hữu (Nam Đông) được bàn giao “Nhà tình nghĩa”.
“Cả đời tôi không dám mơ ước có được ngôi nhà đẹp như thế này. Thế mà nay giấc mơ đó đã trở thành hiện thực. Mùa xuân năm nay, không chỉ tôi, mà nhiều gia đình khác trên địa bàn xã Hương Hữu cùng có chung niềm vui nhà mới”, ông A Hun chia sẻ.
Khó có thể nói hết bằng lời của những hộ dân nghèo từ miền xuôi đến miền ngược trên địa bàn toàn tỉnh khi mà ước mơ cả đời được sống trong những ngôi nhà chan chứa tình người lại được toại nguyện, vỡ òa niềm hạnh phúc như hiện nay.
Ông Lê Đổng, trú tại xã Giang Hải (Phú Lộc) xúc động: “Như vậy, sau bao năm mong chờ, năm nay, gia đình tôi mới được toại nguyện. Được xây dựng “Nhà tình nghĩa” càng thôi thúc gia đình phải nỗ lực cố gắng vươn lên hơn nữa trong cuộc sống”.
Thật sự, chưa bao giờ có “một cuộc cách mạng” lớn đến như vậy của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức thấp nhất bằng nhiều cách; trong đó, có việc xóa nhà tạm cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở.
Trong câu chuyện, không ít người cho rằng, Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là “cánh cửa, cơ hội lớn” cho các hộ nghèo vươn lên chạm đích ước nguyện.
Đoàn kết - sức mạnh vươn lên
Còn nhớ lời già làng Hồ Văn Hạnh, trú thôn A Niêng Lê Triêng, xã Trung Sơn (A Lưới) tại lễ phát động phong trào “Dòng họ, bản, làng không có hộ nghèo”: “Mỗi bản, làng phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng, hạ quyết tâm không nghèo đói mãi; không trông chờ, ỷ lại Đảng, Nhà nước, mà tự thân mỗi người cần phải chủ động vươn lên, hăng say lao động để cải thiện cuộc sống, mau chóng thoát nghèo”.
Nghe và tin vào già làng Hồ Văn Hạnh, cùng với người Kinh, các dân tộc anh em vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở A Lưới như Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy cùng đồng tâm, hiệp lực vươn lên thoát nghèo bằng những hành động cụ thể, thiết thực.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông, ông Hồ A Lua, Chủ tịch UBND xã A Roàng (A Lưới) phấn khởi: “Trước đây, đời sống của người dân nơi đây nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm từng năm. A Roàng hiện còn có 371 hộ nghèo và 73 hộ cận nghèo”.
Mục tiêu, đưa A Lưới thoát ra khỏi 74 huyện nghèo của cả nước đã dần trở thành hiện thực khi mà tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương này giảm sâu. Nếu năm 2022 toàn huyện A Lưới có 1.623 hộ thoát nghèo thì, kết thúc năm 2023 đã có thêm 1.914 hộ thoát nghèo (vượt 206 hộ so với kế hoạch đề ra).
“Sau nhiều nỗ lực cố gắng bằng các giải pháp cụ thể từ thực tế cơ sở và sự đóng góp quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, nên toàn huyện đã có 3.537 hộ thoát được nghèo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 24,4%, đủ điều kiện để A Lưới thoát ra khỏi huyện nghèo của quốc gia; góp phần cùng cả tỉnh sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị”, Bí thư Huyện ủy A Lưới – Huỳnh Công Quảng không giấu được niềm vui.
Cùng với A Lưới, các địa phương trong toàn tỉnh cũng luôn hướng đến mục tiêu giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. “Dòng họ Lê Khắc, làng Ưu Điềm, xã Phong Hòa (Phong Điền) đã triệu tập con cháu trong dòng họ vận động các gia đình chung tay giúp hộ nghèo; đảm nhận việc chăm lo nuôi dưỡng các hộ nghèo neo đơn trong dòng họ. Ngoài giúp đỡ các hộ nghèo, dòng họ Lê Khắc đã vận động 2 hộ trong dòng họ đưa các cụ già neo đơn, già yếu, không có khả năng lao động về nuôi dưỡng tại nhà; huy động xây dựng quỹ giảm nghèo của dòng họ trên 100 triệu đồng…”, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phong Điền - Đoàn Kỳ Côi chia sẻ.
Các dòng họ ở huyện Phú Lộc đã kêu gọi sự chung tay hỗ trợ của các nhà hảo tâm, con cháu trong các dòng họ hỗ trợ 36 nhà ở; xây mới 20 nhà, sửa chữa 16 nhà với tổng trị giá 1,43 tỷ đồng. Họ Huỳnh xã Vinh Mỹ ưu tiên hỗ trợ sửa chữa nhà ở; họ Lê hỗ trợ các hộ gia đình về cây, con giống; họ Lương, họ Vương, họ Phan đến cuối năm 2023 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo trong dòng họ...
Nhìn lại năm 2023, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương thẳng thắn chỉ rõ, tuy gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, nhưng nếu chúng ta không đoàn kết, đồng lòng thì khó đạt được những kết quả như hiện nay.
Đánh giá về quá trình thực hiện Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ khẳng định: “Đoàn kết chính là sức mạnh để vượt qua gian khó, thể hiện khát vọng vươn lên không cam chịu nghèo đói mãi của người dân. Điều quan trọng làm thay đổi tư duy, nhận thức, hành động; phát huy tính chủ động, tinh thần tự lực, khát vọng phấn đấu vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo”.