Vợ chồng bà Hồ Thị Thiên chia sẻ về niềm vui an cư |
Theo chân Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Hồng Vân; Thiếu tá QNCN Mai Quốc Trung, cán bộ vận động quần chúng; anh Hồ Văn Nghiệp, cán bộ tư pháp xã Hồng Vân (A Lưới), chúng tôi đến thăm nhà bà Hồ Thị Thiên ở thôn A Năm (xã Hồng Vân). Bà Thiên là một trong số những cư dân Lào ở huyện A Lưới được nhập quốc tịch Việt Nam từ đề án “Thỏa thuận giữa Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào về việc giải quyết vấn đề người di cư tự do, kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước” tại Thừa Thiên Huế.
Cái nắng ban trưa của mùa xuân nơi rừng núi, ấm áp nhẹ nhàng. Bà Thiên lúi húi bên bếp than hồng, ghế nồi cơm vừa chín tới tỏa mùi thơm ngòn ngọt. Trước hiên nhà, ông Bằng, chồng bà Thiên vẫn cần mẫn đan gùi mây, dụng cụ người đồng bào mang đi nương, đi rẫy. Đón những người lính biên phòng bằng cái nắm tay thật chặt, vợ chồng bà Thiên nói theo cách mộc mạc của người đồng bào: “Dù đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, nhưng khi chưa được công nhận là vợ chồng hợp pháp, trong cái tâm có nỗi chông chênh. Hai người cùng một nhà, ăn chung mâm, ngủ chung chiếu, nhưng một người không có bất kỳ giấy tờ tùy thân, rối nhiều lắm. Nhờ BĐBP luôn sâu sát, nắm tình hình, giải thích, vận động hướng dẫn chấp hành pháp luật, phát triển kinh tế, nên cũng yên tâm. Mấy chục mùa rẫy qua, BĐBP luôn có mặt trong cuộc sống của bố mẹ”.
25 năm trước, bà Thiên (quê ở bản A Đẻng - A Túc, huyện Xá Muội, tỉnh Salavan, Lào), là người phụ nữ gần 40 tuổi, trong một lần sang A Lưới thăm thân, gặp ông Bằng. Ông bà nảy sinh tình cảm, để rồi sau đó người phụ nữ Lào “bám rễ” mảnh đất biên giới A Lưới, kết duyên với người đàn ông đã mất vợ. Giọng bà Thiên trầm xuống khi nhớ lại có những lần về Lào thăm người thân, không có giấy tờ tùy thân, không thể đăng ký các thủ tục xuất, nhập cảnh hợp pháp qua cửa khẩu, mà “lén lút” đi theo đường tiểu ngạch. BĐBP đã giải thích, vận động bà và nhiều người khác cùng hoàn cảnh, không nên vượt biên; như vậy là vi phạm pháp luật. Đồng thời, các anh thường xuyên lui tới nhà, động viên, giúp đỡ những điều tuy “nhỏ nhặt”, nhưng khiến lòng người tin mến. Vậy là tự nguyện nghe theo vận động, “lùi lại” nỗi nhớ quê nhà.
Năm 2018, sau khi bà Thiên được trở thành công dân Việt Nam, cầm tờ chứng nhận kết hôn trong tay, đôi vợ chồng già rưng rưng hạnh phúc. Rồi lúc được cấp căn cước công dân, niềm vui “danh chính ngôn thuận” càng sâu sắc. Vợ chồng bà Thiên xúc động kể về những lần cùng nhau đường đường chính chính thực hiện thủ tục xuất, nhập cảnh tại Trạm Kiểm soát biên phòng cửa khẩu Hồng Vân, sang Lào thăm bên ngoại. Không biết có phải chén rượu ủ bằng loại nếp than tự tay trồng trên rẫy mang ra mời khách quý, hay men say từ nỗi yên vui trong tâm hồn, khiến những gương mặt hằn in nếp thời gian của đôi vợ chồng già trở nên rạng rỡ.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Thái, Thiếu tá Mai Quốc Trung, Thiếu tá QNCN Nguyễn Tiến Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy tăng cường xã Trung Sơn (người từng nhiều năm gắn bó, sát cánh, giúp đỡ đồng bào trên các xã biên giới) cũng bày tỏ xúc động, khi những cư dân Lào di cư tự do sang làm ăn và sinh sống bao năm qua ở mảnh đất biên giới A Lưới, được mở ra một trang mới của cuộc đời, trở thành công dân Việt Nam. Hơn ai hết, trong vai trò nòng cốt giữ gìn bình yên biên cương, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, những người lính biên phòng, bao năm qua sát cánh với bà con, hiểu niềm an cư của họ, là quý giá biết nhường nào.
Bởi vì trước đó, các anh từng thấu hiểu bà con thật sự rất vất vả, khi là “người lậu”. Những cư dân Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú, dù sinh sống lâu năm trên địa bàn A Lưới, nhưng chưa nhập quốc tịch Việt Nam, về mặt pháp lý, họ và con cái họ chưa được xác định tư cách công dân một cách đầy đủ, chưa được Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương áp dụng để được hưởng đầy đủ, các chế độ, chính sách của cư dân biên giới. Điều này không chỉ khiến cho cuộc sống của họ gặp nhiều khó khăn mà còn làm phát sinh nhiều vấn đề phức tạp trong việc quản lý cư dân tại địa phương và an ninh biên giới giữa hai nước. Vậy nên, cùng với quan tâm, giúp đỡ về cả vật chất và tinh thần, BĐBP còn luôn nắm chắc tình hình, tuyên truyền, vận động bà con chấp hành pháp luật, đồng hành, gần gũi suốt chặng đường dài.
Trong ký ức của những người quân y biên phòng, khó có thể quên những trường hợp không có hộ khẩu, không có bảo hiểm y tế…, rất khó khăn lúc đau ốm. Các anh vội vã đến tận nhà khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con. Cán bộ, chiến sĩ các đồn biên phòng đóng quân trên địa bàn A Lưới, cũng không quản ngại giúp bà con sửa chữa lại căn nhà đã hư hỏng. “Đồng đội của chúng tôi trên biên giới, luôn sát cánh, đồng hành, hỗ trợ, để bà con hiểu được trách nhiệm và yêu thương của BĐBP, từ đó nghe theo tuyên truyền, vận động, chấp hành pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn khu vực biên giới” - Thượng tá Lê Hồng Tuyên, Chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh nói.
Từ sau khi có chủ trương của Nhà nước cho cư dân Lào đang định cư tại Việt Nam được nhập quốc tịch, trên dải đất bên giới A Lưới, BĐBP tiếp tục đồng hành, phối hợp chính quyền địa phương, từ rà soát đến thực hiện các thủ tục hành chính, sớm đưa những cuộc đời “lênh đênh” đến bến bờ an cư. Quá trình thực hiện, các anh tiếp tục kết hợp công tác vận động bà con chấp hành pháp luật Việt Nam, cố gắng phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Trách nhiệm và yêu thương như những mạch nước mát lành ươm mầm niềm tin, nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, tình quân - dân thắm thiết. Tình cảm đó “có mặt” trong sự đổi thay vươn lên, mà “minh chứng” là những ngôi nhà chắc chắn, khang trang hơn, những vườn keo tràm rộng hơn. Điển hình là gia đình bà Lê Thị Thẻ (tỉnh Salavan, Lào) nay định cư tại xã Hồng Vân; gia đình bà Hồ Thị Mế (tỉnh Salavan, Lào) nay định cư ở xã Đông Sơn (thuộc địa bàn Đồn BPCK A Đớt quản lý); gia đình ông Kăn Pỉnh (tỉnh Sê Kông, Lào) nay định cư ở xã Nhâm (địa bàn Đồn Biên phòng Nhâm quản lý)… Đặc biệt, bà con ngày càng nâng cao ý thức tự giác chấp hành các quy định pháp luật, kết quả mà BĐBP đã bền bỉ xây dựng bao năm.
Khi ông A Viết Ngốt (tỉnh Sê Kông, Lào, nay định cư tại xã A Roàng) dẫn Thượng tá Tạ Khắc Đồng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Nguyên; các đồng đội của anh đến “khoe” rừng keo đang vươn lên phủ xanh triền đồi trong một sớm xuân ngan ngát hương hoa cỏ dại, cảm giác sao bình yên và hân hoan đến thế.