Nuôi tôm bằng ao tròn công nghệ cao |
Tính riêng năm vừa qua, ngành nông nghiệp triển khai thành công nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, CĐS. Đáng kể đến là mô hình “Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thâm canh bưởi thanh trà theo hướng bền vững, an toàn” tại xã Hương Thọ (TP. Huế). Người tiêu dùng có thể quét được mã tem trên quả bưởi thanh trà Hương Thọ thông qua việc tải các ứng dụng có chức năng đọc và quét mã tem QR code như zalo, facebook, viber…
Mô hình trồng ổi tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) kết hợp với CĐS trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được tổ chức sản xuất thành công. Mô hình này được thực hiện với diện tích 0,3ha theo hướng an toàn, gắn với hệ thống quản lý và truy xuất nguồn gốc bằng nhật ký điện tử tại địa phương này. Ứng dụng công nghệ này, người tiêu dùng có thể truy xuất thông tin nhằm chọn lựa sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý.
Mới đây, ngành nông nghiệp xây dựng thành công mô hình thử nghiệm ao nuôi tôm thẻ thông minh ứng dụng công nghệ IoT (xu hướng kết nối vạn vật) và trí tuệ nhân tạo trong giám sát và tương tác tự động. Hệ thống quan trắc tự động giúp quan trắc tự động các chỉ số môi trường, từ đó có thể phát hiện sớm sự thay đổi các yếu tố môi trường bất lợi, độc hại để đưa ra các biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Trước đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nhiều nông sản được sản xuất ứng dụng công nghệ cao, theo hướng CĐS trong sản xuất, kinh doanh, gắn tem truy xuất nguồn gốc. Trong đó phải kể đến trà rau má Quảng Thọ, dầu phụng Quảng Phú, thanh trà Thủy Biều, các loại gạo chất lượng cao của một số hợp tác xã... Các sản phẩm đều gắn tem truy xuất nguồn gốc, người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để kiểm tra nguồn gốc, quá trình sản xuất, chất lượng và giá vả sản phẩm.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Long An chia sẻ, ngành nông nghiệp phát triển kinh tế số theo hướng nông nghiệp số gắn liền với nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, nông thôn hiện đại, nông dân chuyên nghiệp, văn minh. Một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, CĐS vào sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã và đang được triển khai mang lại kết quả tích cực.
Đáng kể đến việc ứng dụng công nghệ, thiết bị bay không người lái (Drones) trong việc phun các sản phẩm bảo vệ cây trồng nhằm loại trừ các đối tượng sinh vật gây hại. Các công nghệ theo dõi, giám sát, chăm sóc cây trồng, vật nuôi bằng camera; thiết bị đo mưa tự động; hệ thống quan trắc môi trường nước nuôi trồng thủy sản; lắp đặt hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu quan trắc môi trường không khí trên cánh đồng…
Thời gian qua, các ban ngành phổ biến, phổ cập kỹ năng số, phát triển tri thức số cho người nông dân qua các kênh thông tin và hệ thống hội nông dân các cấp, hệ thống hợp tác xã số… Từ đó, hướng dẫn người dân sử dụng, khai thác các sàn giao dịch điện tử, thanh toán điện tử, nhận biết, phòng ngừa lừa đảo trên mạng; khuyến khích, đẩy mạnh các giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã (HTX), gắn kết phát triển thương mại điện tử với chương trình OCOP.
Hệ thống thông tin sản phẩm nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế được xây dựng và đưa vào hoạt động tại địa chỉ http://nongsan.thuathienhue.gov.vn. Hệ thống được phát triển nhằm cung cấp giải pháp hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp cho tổ chức, doanh nghiệp; đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân, phục vụ công tác quản lý sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.
Ngành nông nghiệp đang tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, tích cực nhằm thúc đẩy tiến trình CĐS trong nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, tổ chức hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tham gia cung cấp dịch vụ số cho người dân, xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số, kinh tế số.
Khuyến khích cơ sở, doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại điện tử được ngành nông nghiệp quan tâm hơn. Từ đó, tạo sự kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới; xây dựng các chính sách hỗ trợ, bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa.