Nhà ông Dũng (trái), bên phải là ngôi nhà 3 tầng hộ ông Phong

Sự việc như sau: Gia đình ông Phạm Công Dũng được bố trí lô đất G24, diện tích 100m2, chiều rộng 5m, chiều sâu 20m tại khu TĐC Lịch Đợi, Phường Đúc, TP Huế. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng nhà ở, ngày 2/4/2015, gia đình ông Dũng tiến hành đặt đá trên diện tích đất được cấp. Tuy nhiên, trong quá trình làm, chủ sở hữu lô đất sát cạnh (lô G25) cho rằng, hộ ông Dũng xây dựng lấn sang phần đất của họ. Đo đạc lại diện tích, mốc giới được giao, đối chiếu với thực tế mới phát hiện đất của gia đình ông Dũng chiều rộng không đủ kích thước 5m. Lý do, lô đất G23 liền kề có diện tích và kích thước cạnh tương tự được ông Bùi Phong xây dựng nhà ở 3 tầng xây lấn qua lô đất ông Dũng với chiều rộng 8cm, chiều sâu thửa đất 20m. Trước sự việc nêu trên, hộ ông Dũng phải ngừng xây dựng, gửi đơn đến UBND Phường Đúc đề nghị giải quyết.

UBND phường tổ chức buổi hòa giải lần thứ nhất. Hộ ông Phong thống nhất tháo dỡ phần xây dựng vi phạm để trả lại mặt bằng nguyên trạng theo giấy chứng nhận đã được cấp của hộ ông Dũng, nhưng kết quả hộ ông Dũng chưa đồng ý về hiện trạng mặt bằng được bàn giao. UBND phường tiếp tục tổ chức buổi hòa giải lần hai nhưng không đạt kết quả. 
Hộ ông Dũng tiếp tục khiếu nại lên UBND TP Huế. Đội Quản lý Đô thị TP Huế đã phối hợp với UBND Phường Đúc kiểm tra tại hiện trường. Theo thông tin từ đơn vị này, trước đó, ông Phong xây dựng nhà không có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền. Ngày 23/7/2014 Đội Quản lý Đô thị lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công công trình xây dựng. Vậy nhưng, đến nay hộ ông Phong đã xây dựng xong, đưa vào sử dụng.
 Trở lại việc kiểm tra hiện trường để giải quyết khiếu nại, do khó xác định phần diện tích vi phạm, cột mốc tại các lô thửa liền kề có hiện tượng xê dịch không chính xác, Đội đề nghị UBND TP Huế giao trách nhiệm cho Trung tâm Phát triển quỹ đất, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất đo đạc, cắm mốc và xác định lại ranh giới tại các lô thửa nói trên để có cơ sở trả lời và hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa án giải quyết theo thẩm quyền. Vậy nên, hộ ông Dũng phải “ôm đơn” “kêu” tòa án. Ông Dũng cho biết, TAND TP Huế đã thụ lý đơn của gia đình ông, khởi kiện yêu cầu hộ ông Phong trả lại diện tích đất đã lấn chiếm.
Từ lô đất bị thiếu chưa đầy nửa gang tay theo bề ngang, đã xảy ra cuộc tranh chấp kéo dài từ UBND các cấp đến tòa án. Bây giờ TAND TP Huế chỉ mới thụ lý đơn khởi kiện, còn phải qua nhiều thủ tục tố tụng mới “ra” được phiên tòa sơ thẩm. Nếu các đương sự chưa đồng ý, vụ án có thể còn “kéo” lên cấp phúc thẩm…, sẽ tốn không biết bao nhiêu thời gian tiền bạc của các đương sự, các cơ quan tố tụng.
Giá như, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý xây dựng, không để xảy ra hành vi xây dựng không phép hoặc khi phát hiện phải kiên quyết ngăn chặn thì không “phát sinh” vụ việc này. Câu chuyện này đồng thời cũng là lời “nhắc nhở” cho người dân tự bảo vệ đất đai, tài sản cho mình (nên xây hàng rào bảo vệ khu đất...). Đừng quá chủ quan để khiến những việc rất nhỏ lại dẫn đến các cuộc tranh chấp tốn kém và mệt mỏi.     
Bài, ảnh: Duy Trí