Điểm đầu đường Vành đai 3 sẽ kết nối nút giao tại Quốc lộ 1A với đường Nguyễn Văn Linh - Lý Thái Tổ

Vui khi dự án khởi động

Những cuộc họp công khai thông tin DA, những buổi nắn tuyến, cắm mốc lộ giới và mới đây Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế đươc giao nhiệm vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) cho DA xây dựng đường Vành đai 3 làm người dân địa phương phấn khởi, vui mừng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế thông tin, bước đầu khảo sát, thẩm định, đo đếm khi DA triển khai phải thu hồi hơn 43ha đất các loại; trong đó đất nông nghiệp chiếm 22ha, đất giao thông gần 2ha; còn lại đất ở và thủy lợi. Trong quỹ đất thu hồi nói trên có 545 hộ dân thuộc hai phường Thủy Xuân và Phường Đúc ảnh hưởng; trong đó hơn 265 hộ phải tái định cư (TĐC) nơi ở mới. Hiện nay tại khu vực Bàu Vá, phường Thủy Xuân và dọc QL1A - Tự Đức, phường An Tây… đã có đất để bố trí cho các hộ nằm trong diện TĐC. Đây là những quỹ đất đáp ứng nhu cầu mà người dân mong muốn…

Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND phường Thủy Xuân chia sẻ, đường Vành đai 3 đi qua phường Thủy Xuân dài hơn 3,6km, hứa hẹn tháo các “nút thắt” là ước mơ bấy lâu của người dân địa phương. Trước hết, với tiềm năng địa phương vùng đồi phía tây TP. Huế có nhiều cơ hội để chuyển mình, nhất là phát triển kinh tế du lịch. Kỳ vọng hơn là tạo động lực góp phần thúc đẩy hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tiềm năng đất đai và người dân trong khu vực đầu tư mở mang quán sá, nhà hàng, hoạt động kinh doanh, trao đổi bán hàng hóa sầm uất hơn.

Với cơ hội trên, khi công trình mở ra lãnh đạo phường Thủy Xuân cam kết sẵn sàng phối hợp với ban, ngành chức năng TP. Huế tiến hành kiểm kê đo đạc đất đai và tài sản trên đất mà tuyến đường đi qua để đẩy nhanh công tác bồi thường, TĐC, GPMB sạch bàn giao cho chủ đầu tư theo kế hoạch đề ra.

Chị Lê Ái H., TDP 4, phường Thủy Xuân - một người dân có đất và nhà dính vào lộ giới khi tuyến Vành đai 3 đi qua nhưng những ngày qua không mấy lo lắng. Chị H. nói, đường mở ra không riêng chị mà bà con ở đây ai cũng vui, hưởng ứng. Tuy vậy, chuyện GPMB giao đất cho DA thì mong ban, ngành chức năng có phương án giải quyết sớm để người dân ổn định cuộc sống”.

Kết nối giao thông liên vùng

Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án Xây dựng công trình giao thông tỉnh (chủ đầu tư DA) thông tin, sau thời gian một chuẩn bị, DA xây dựng đường Vành đai 3 đi qua địa bàn TP. Huế đã khởi động. Rút kinh nghiệm từ các công trình, DA khác ở địa phương, đường Vành đai 3 sẽ chính thức khởi công sau khi công tác GPMB hoàn tất.

DA đường Vành đai 3 đi qua địa bàn phường An Hòa, Hương Long, Kim Long, Phường Đúc, Thủy Xuân thuộc TP. Huế dài khoảng 6,5km được phân thành 3 đoạn. Đoạn 1 dài khoảng 0,65km (điểm đầu giao QL1A tại Km 819+226,5, giao với đường Nguyễn Văn Linh và điểm cuối tại nút giao quy hoạch giữa đường Vành đai 3 phía bắc và đường Nguyễn Văn Linh nối dài); đoạn 2 dài 2,25km (với điểm đầu nối với cuối đoạn tuyến 1 và điểm cuối là giao với Lý Nam Đế tại nút giao cầu An Ninh Hạ); đoạn 3 dài khoảng 3,6km (điểm đầu giao với đường Bùi Thị Xuân với điểm đảo xuyến của DA cầu vượt sông Hương và điểm cuối là tại nút giao ngã ba đường Võ Văn Kiệt - Minh Mạng, phường Thủy Xuân). Chiều rộng mặt đường Vành đai 3 từ 36-42m; trong đó, có dải phân cách 9-12m và lề hai bên 12-17m; với kết cấu áo đường loại cấp cao A1 bê tông nhựa rải nóng Eyc> 155MPa…

Trên công trình tuyến đi qua có xây dựng 1 cầu Khe Lim dài hơn 44m với kết cấu bê tông chịu ứng lực, có khổ cầu bằng mặt đường ở giai đoạn hoàn thiện; cùng hệ thống cống thoát nước, cây xanh, hệ thống an toàn giao thông… DA đường Vành đai 3 xây dựng theo quy mô đường bộ cấp II, kinh phí đầu tư hơn 750 tỷ đồng; trong đó giai đoạn 1 thực hiện với kinh phí hơn 500 tỷ đồng, bao gồm vốn Trung ương và địa phương.

Lãnh đạo TP. Huế cũng nhận định, đường Vành đai 3 mở ra là một trong những công trình giao thông trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2021-2025. Khi công trình hoàn thành sẽ giúp người dân đi lại, giao thương hàng hóa thuận lợi; giải quyết tình trạng ùn tắc trên QL1A qua địa bàn TP. Huế; đồng thời giải quyết xung đột giao thông trên các tuyến nội đô và rút ngắn thời gian từ TP. Huế đến các huyện, thị.

Đây là công trình tạo kết nối phát triển KT-XH liên vùng, đánh thức tiềm năng công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Hơn nữa còn tạo điều kiện để hình thành, phát triển các đô thị vệ tinh, khu đô thị mới; khai thác hiệu quả các quỹ đất được quy hoạch hai bên tuyến để tăng cơ hội nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

Hiện nay, DA xây dựng đường Vành đai 3 đang triển khai GPMB và nỗ lực phấn đấu hoàn thành cuối năm 2024. Theo quyết định phê duyệt, nguồn kinh phí GPMB cho DA này hơn 279 tỷ đồng.
Bài, ảnh: MINH VĂN