Đã có nhiều giải pháp diệt bèo lục bình ở Thừa Thiên Huế nhưng hiện vẫn chưa triệt để 

 Đi khắp các nhánh sông, hói nước, kênh rạch ở TP. Huế và các huyện, thị chúng ta dễ dàng nhận thấy sự hiện diện của bèo lục bình. Có nhiều đoạn ở sông đi qua địa bàn TP. Huế, TX Hương Thủy, Hương Trà; huyện Phú Lộc, Phú Vang… bèo lục bình phủ ôm kín cả mặt sông. Khi bèo choán mặt nước, khó khăn tưới tiêu trong nông nghiệp là điều dễ hiểu, nhưng với nông dân, bèo lục bình còn là “thủ phạm” gây ra những nguy hại khác. Với những đoạn bèo dày đặc là nơi trú ngụ của chuột phá hoại mùa màng. Vào mùa, người nông dân phải canh chừng, tiêu diệt chuột phá hoại trên cánh đồng. Tại khu vực đầm phá, những con sông vắt qua các địa phương, bèo lục bình gây cản trở quá trình đi lại trên con nước, ảnh hưởng đến khai thác nguồn lợi thủy sản.

Nói đến bèo lục bình, chị Phan Thị Bưởi, một người dân (thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang) chia sẻ, trên sông Đại Giang qua địa bàn Phú Vang mấy tháng cuối xuân đầu hạ, bèo lục bình thường dày đặc. Có thời điểm bèo trên sông vơi, vợ chồng chị dong thuyền giăng lưới bắt tôm cá, kiếm nguồn thu trang trải cuộc sống gia đình. Còn khi thời điểm bèo giăng đầy mặt sông, vợ chồng chị thất nghiệp.

 Trước thực trạng bèo lục bình “bủa vây” nhiều nơi và hầu hết thời gian trong năm, lãnh đạo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh từng nói: “Tắc nghẽn dòng chảy, ô nhiễm môi trường là hai điều dễ nhận thấy từ sự sinh sôi của bèo lục bình. Dù chưa có sự đánh giá chính xác sự tác động của bèo lục bình đến sản xuất nông nghiệp, nhưng hầu hết các địa phương trên địa bàn đều bị ảnh hưởng.

Diệt bèo lục bình là câu chuyện chúng tôi đã thấy tỉnh và các huyện, thị quan tâm trong nhiều năm qua. Một giải pháp rõ nhất, để “diệt” loại bèo này, các địa phương đã trục vớt, phơi khô bên các vệ đường với tinh thần tham gia cả cộng đồng gắn với "Ngày Chủ nhật xanh”. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ một phần kinh phí cho các địa phương để thuê phương tiện trục vớt…

Và chuyện xử lý bèo lục bình đến nay dường như vẫn chưa dừng lại. Chính quyền các địa phương nhiều lần ra quân tiêu diệt bèo, nhưng cứ vớt bèo lại mọc, rồi lại vớt, trong khi đó sức người có hạn… 

Mới đây vào ngày 22/1, tại hội nghị triển khai về đảm bảo trật tự đô thị, môi trường, an toàn giao thông năm 2024 do UBND tỉnh tổ chức, ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở Tài nguyện và Môi trường cho rằng, chuyện xử lý bèo lục bình hiện nay ở địa phương đang là bài toán nan giải. Tỉnh đã quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương để xử lý tình trạng bèo lục bình trên các sông, hói; các ban, ngành, đơn vị liên quan đã có nhiều giải pháp, hỗ trợ xây dựng, ứng dụng đề tài sử dụng bèo lục bình làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp sạch… Nhiều địa phương đã ứng dụng hiệu quả, nhưng xem ra việc xử lý “diệt” bèo lục bình hiện nay vẫn chưa triệt để.

 Nhiều ý kiến tại hội nghị cho rằng, việc “diệt” bèo lục bình hiện nay còn mang tính hô hào chung và có sự đùn đẩy giữa địa phương này với địa phương kia vì bèo hay dạt trên sông, hói theo dòng chảy. Nên chăng tỉnh và các huyện, thị xã, TP. Huế phải giao trách nhiệm cho từng địa phương trên cơ sở báo cáo và đánh giá kết quả thực hiện… Việc của mỗi địa phương nên làm gì, giao, thuê đơn vị chuyên trách với phương thức “tiền trao cháo múc” phải rõ ràng, may ra việc diệt bèo lục bình mới triệt để hơn.

Bài, ảnh: SONG MINH