Thí sinh của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập tại điểm thi Quốc Học. Ảnh: Võ Nhân |
Mơ vào top đầu
Một nét mới trong tuyển sinh lớp 10 ở Huế năm nay là các trường THPT: Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân, Gia Hội không thi mà chỉ xét tuyển. Lý do là số học sinh đăng ký không vượt quá 20%. Trường Gia Hội số đăng ký so với chỉ tiêu dư tới 25 hồ sơ (512/537 HSĐK). Trường THPT Đặng Trần Côn phải xét 2 đợt vì đợt 1, với tiêu chí rất thấp nhưng cũng chỉ xét được 156 em, trong khi nhu cầu là trên 300 em. Không thi tuyển ở các trường này là một quyết định đúng đắn, giảm thiểu những tốn kém không cần thiết, những kỳ thi mà cuối cùng chỉ là thực hiện thao tác sắp xếp, phân bổ học sinh.
Huế là đơn vị hoàn thành phổ cập các cấp sớm; cách đây không lâu, định hướng phổ cập THPT cũng đã được tiến hành. Theo lãnh đạo ngành GD&ĐT, hiện nay, công tác phân bổ cán bộ, giáo viên và đầu tư trang thiết bị ở các trường phổ thông được thực hiện bình đẳng. Ngoài Trường THPT chuyên Quốc Học, ngay cả các trường mới chuyển đổi như Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trường Tộ, đội ngũ cán bộ, giáo viên đều khá tương đồng với các trường Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ. Thậm chí có nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ trong các trường “trẻ” như Đặng Trần Côn, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Trường Tộ… còn năng động và giỏi hơn. Vậy nhưng, phụ huynh vẫn cho con cạnh tranh để có một chỗ học vào các trường như Nguyễn Huệ, Hai Bà Trưng.
Đi tìm nguyên nhân, chúng ta dễ nhận ra một trong những điều có tính “cốt tử” là bệnh sĩ của người lớn. Niềm tự hào được “khoe con” quá lớn trong các bậc phụ huynh. Con đậu vào các trường Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ thì cảm thấy như con mình đã được “mặc định” là học tốt. Thế nhưng, có vẻ như là nghịch lý khi số đông phụ huynh có con học những trường này đều phải cho con đi học thêm.
Giảm khoảng cách
Với “đầu vào” của các trường có sự phân hóa lớn, gần đây, Sở GD&ĐT đã có nhiều sự thay đổi để giảm thiểu khoảng cách chất lượng của hệ thống này. Đó là việc cho học sinh được chọn nhiều nguyện vọng (NV). Năm nay, dù chỉ có 4 trường thi, nhưng sự thay đổi này đã tạo cơ hội cho các trường top dưới có cơ hội có học sinh tốt. Thậm chí, với cách “làm” nguyện vọng hai, Trường THPT Đặng Trần Côn cũng đón được hàng trăm học sinh có điểm cao hơn điểm vào Nguyễn Trường Tộ ở nguyện vọng 1 (130 em có điểm NV 2 từ 37 đến 41,5 điểm), cũng như Trường THPT Cao Thắng có hàng trăm em có điểm trên 42 vào trường. Như vậy, nhiều trường top cuối đã có học sinh khá hơn hẳn (so với điểm đầu vào ở NV 1). Tuy nhiên, cũng có những trường hợp gặp áp lực tâm lý khi có học sinh vào các trường thuộc top sau. Học sinh vào trường với tâm trạng nặng nề và đây là khó khăn cơ bản mà các trường top dưới đang phải dần khắc phục. Một giảng viên trường đại học K. tâm sự, năm đó, cả nhà quá sốc khi em không những rớt Quốc Học mà rớt luôn Hai Bà Trưng. Chỉ còn con đường cuối là vào Đặng Trần Côn. Trở thành học trò Đặng Trần Côn với “nỗi lòng đau đớn”, em đã định bỏ học. May nhờ giáo viên chủ nhiệm đã động viên… Đây là trường hợp may mắn, vì sau đó học sinh này học tốt, đạt giải HSG, thi đậu đại học điểm cao và trở thành giảng viên đại học.
Vẫn còn nhiều lối
Nhìn lại công tác tuyển sinh vào bậc THPT, chúng tôi thấy ngành GD&ĐT nên tạo sự bình đẳng về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Dù nhiều, dù ít, các trường như Quốc Học, Hai Bà Trưng, Nguyễn Huệ CSVC vẫn tốt hơn hầu hết các trường khác. Hai là về con người, phải làm sao khẳng định được với dư luận, cụ thể là với phụ huynh và học sinh là chất lượng giáo viên các trường như nhau. Cần “lượng hóa” cụ thể và công khai chất lượng giáo viên… như vậy sẽ giảm thiểu được tình trạng chọn trường một cách cảm tính. Nếu đã định hướng phổ cập THPT, ngành GD&ĐT (trừ Trường chuyên Quốc Học cần phải tổ chức thi tuyển một cách công khai, minh bạch và mở rộng phạm vi tuyển sinh…) nên mạnh dạn phân luồng tuyển sinh ở các trường còn lại. Có nhiều tiện ích, đầu tiên là về tâm lý xã hội, các bậc phụ huynh sẽ ổn định tâm lý, không quá thúc con em học thêm; không phải lo sợ khi con em đi lại hàng ngày quá xa… Nếu đã học ở ngôi trường đứng chân trên vùng đất mình đang sống các em còn có trách nhiệm “màu cờ sắc áo” một cách sâu sắc hơn. Trên hết, giá trị thi đua của các đơn vị giáo dục cùng bậc học sẽ cao hơn. Những trường như Gia Hội, không thể vin vào lý do địa lý không thuận lợi, Đặng Trần Côn không thể vin lý do đầu vào quá kém để biện minh cho chất lượng đào tạo không “bằng anh, bằng em”.
Hương Giang