Các hoạt động của đời sống nông nghiệp, nông thôn được người dân A Lưới đưa vào làm du lịch |
Tiềm năng lớn, nhưng chưa khai thác sâu
Khá thú vị ở mỗi địa phương tại Thừa Thiên Huế là người dân lại biết cách khai thác yếu tố tự nhiên, văn hóa để đưa vào làm du lịch. Nếu như tại xã Thủy Thanh (thị xã Hương Thủy), chính quyền địa phương dựa vào truyền thống văn hóa, lịch sử gắn với cầu ngói và khai thác các yếu tố trong đời sống của người dân: Chợ quê, nghề làm nón, đánh bắt cá trên sông Như Ý, giã gạo, các điệu hò… để đưa vào làm du lịch, thì tại làng Phò Trạch (xã Phong Bình, huyện Phong Điền), nghề truyền thống làm đệm bàng không chỉ hướng đến bán sản phẩm mà còn tạo ra các trải nghiệm thú vị cho du khách.
Thừa Thiên Huế đã triển khai nhiều kế hoạch về phát triển du lịch nông nghiệp và đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp độc đáo, chất lượng đã được khai thác có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau.
Giữa năm 2023, khi gặp anh Nguyễn Hải An, một du khách từ Gia Lai đi trải nghiệm xuyên Việt và đang dừng chân ở A Lưới, anh bảo: “Tiềm năng và tài nguyên du lịch của Huế nhiều quá, nhất là các vùng nông thôn của Huế có rất nhiều thứ để khám phá. Chỉ riêng ở A Lưới thì đời sống bản địa, cách làm nông nghiệp đặc trưng, cách chế biến ẩm thực đã là những sản phẩm du lịch đánh trúng tâm lý người đam mê xê dịch”.
Du lịch nông nghiệp, nông thôn góp phần tạo ra việc làm, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng suất lao động ở khu vực nông thôn, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Phát triển du lịch khu vực nông thôn cũng góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa các giá trị văn hóa, thiên nhiên đặc sắc và bảo vệ môi trường tại các vùng quê có phát triển du lịch.
Trên thực tế thì du lịch nông nghiệp, nông thôn Thừa Thiên Huế dẫu có tiềm năng vẫn chưa thật sự được khai thác một cách đầy đủ hay nói cách khác là có chiều sâu. Ngoài khó khăn là rào cản về chính sách, thủ tục về đất nông nghiệp phục vụ phát triển du lịch còn khó khăn thì phần lớn sản phẩm mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm ở mức đơn giản. Liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch còn yếu, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch chưa được quan tâm đúng mức.
Có lần trò chuyện, bà Cái Thị Duyên, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Hương Thủy trăn trở rằng, có nhiều mô hình du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp ở địa phương với tiềm năng lớn, nhưng tự lực người địa phương làm rất khó. Chỉ doanh nghiệp mới có nhiều các ý tưởng sáng tạo và chuyên nghiệp để khai thác thành các sản phẩm độc đáo. Đáng tiếc là việc liên kết với các doanh nghiệp lữ hành và điểm đến cũng còn nhiều khó khăn.
Kết nối & tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn
Trong một chia sẻ, ông Phạm Thanh Tùng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Du lịch nông nghiệp đánh giá, nhu cầu của khách du lịch hiện nay là du lịch sâu, có hoạt động trải nghiệm, học tập. Vì những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng tiêu cực, đại dịch và những bất ổn đã khiến nhiều du khách muốn rời đô thị để tìm về thiên nhiên và xem trọng hệ sinh thái. Với các tour du lịch nông nghiệp cần chỉn chu hoàn thiện sản phẩm rồi mới xúc tiến, truyền thông tránh gây thất vọng cho du khách.
Rõ ràng, vai trò của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu thị trường và xây dựng sản phẩm rất quan trọng. Và khi doanh nghiệp tham gia phát triển du lịch nông thôn sẽ huy động và quản lý nguồn vốn để đầu tư vào lĩnh vực này. Từ đây sẽ góp phần khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch nông thôn bằng cách phát triển các gói tour, trải nghiệm và dịch vụ hấp dẫn, tìm kiếm cơ hội đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch nông thôn. Để có được điều đó, cần đẩy mạnh kết nối giữa doanh nghiệp lữ hành và các điểm đến cung cấp hoạt động du lịch; quan tâm hơn công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người dân làm du lịch…
Cần quan tâm thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong không gian điểm du lịch; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ tại các điểm du lịch (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác...). Đồng thời, các điểm du lịch nông thôn cần được hỗ trợ xây dựng và phát triển các hạ tầng dịch vụ (điểm dừng chân, điểm trưng bày sản phẩm đặc sản địa phương, ăn uống…) dọc theo tuyến đường giao thông gắn với điểm du lịch; xây dựng các điểm, nhà trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề truyền thống, đồ lưu niệm tại các tuyến đường chính, trạm dừng chân, các địa điểm thu hút khách du lịch…
Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Văn Phúc cho biết, ngành du lịch tỉnh cũng đã tổ chức các chương trình đưa các doanh nghiệp, chủ cơ sở homestay, hợp tác xã dịch vụ du lịch, hộ kinh doanh du lịch… đi khảo sát, tham quan mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch OCOP ở tỉnh bạn để vận dụng kinh nghiệm từ các mô hình hiệu quả nhằm phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch OCOP tại tỉnh nhà. Đồng thời, sắp tới ngành du lịch tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối các điểm du lịch nông thôn tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn.