Mưa trên phố Huế |
Và đã có nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đón mưa, đón đoàn bằng những bức ảnh ghi lại cuộc mưu sinh nhọc nhằn ấy. Dưới ống kính của các nghệ sĩ, cuộc mưu sinh trần ai có chút lãng mạn. Đôi khi tôi thầm lặng cám ơn những góc nhìn nhân văn của các nghệ sĩ nhiếp ảnh, cái đẹp đã giúp làm giảm đi sự nhọc nhằn của nghề đạp xích lô ở xứ Huế mưa, giảm sự xót xa những cảnh đời nghèo khó. Hoàn toàn không phải là thương hại, mà là thấu hiểu để trân trọng, bởi nghề đạp xích lô đã quá mệt mỏi rồi.
Huế là mảnh đất của những “ngọa hổ tàng long”, đất của những tài hoa ẩn mình, những “hạt ngọc” chọn cho mình một vẻ ngoài lầm lụi và tài hoa cứ thế phát tiết ra ngoài chẳng cần để ý đến con mắt của thế gian. Một trong những tài hoa của thơ Huế ẩn mình trong lầm lụi ấy, là một người đạp xích lô, nhà thơ Nguyễn Văn Phương - “Phương xích lô”, như lời anh tự nhận khi lần đầu tiên đem bản thảo thơ đến gửi ở tạp chí Sông Hương.
Thơ của Phương xích lô có cả ngàn bài, sau khi anh mất năm 2002, bạn bè đã tập hợp, lựa chọn hơn 50 bài thơ để làm sách cho anh. Và dĩ nhiên, nhà thơ Phương xích lô viết về nhiều đề tài nhưng Huế đang mưa mà, nên tôi chọn đề tài “Mưa Huế trong thơ Phương xích lô” để nói lên cảm xúc của mình, dù rằng anh có nhiều bài tuyệt vời, sâu sắc, triết lý rượu - thơ - xích lô - cuộc đời. Thơ về mưa Huế của Phương xích lô rất ít và những cơn mưa chỉ là cái cớ để trải lòng những niềm tâm sự khác.
Phương xích lô nhìn mưa Huế bằng một góc nhìn rất lạ: góc nhìn của trẻ thơ với câu hỏi ngây ngô “Ai rót mưa từ trời” và góc nhìn của một người đàn ông nhiều từng trải “Dòng mưa chảy từ trời/ Dòng rượu chảy từ môi”, nhưng cuối cùng trong anh vẫn là một bản thể trẻ con, anh thấy mình “bồng bềnh trôi”:
“Đêm nay trời vắng lạnh/ Ai rót mưa đầy đường.../ Dòng mưa chảy từ trời/ Dòng rượu chảy từ môi/ Dòng thơ chảy từ đời/ Tôi đang bềnh bồng trôi/ Tôi đang bồng bềnh trôi” (Đêm mưa uống rượu)
Không viết nhiều về mưa nhưng Phương xích lô có trọn một bài về mưa Huế, lung linh đến bảy sắc màu, mỗi sắc màu là một không gian của Huế.
Bài thơ gồm bốn khổ. Nhân vật trữ tình là “anh” và “em”. Khổ thơ đầu tiên mở ra một không gian mùa hạ và Phương xích lô nhìn thấy “mưa đỏ” trong bóng phượng soi: “Anh đưa em về cơn mưa đầu hạ/ Mưa đỏ bên đường hay bóng phượng soi/ Tóc em ướt mềm như từng ngọn lá/ Chiếc nón bài thơ em để mô rồi?”.
Khổ thơ thứ hai, Phương xích lô nhắc đến những sắc màu “mưa đen”, “mưa tím” và “mưa hồng”. Chúng ta từng nghe “mưa trắng”, “mưa hồng” nhưng đến “mưa đen” thì rất lạ, góc nhìn lạ ấy cũng là một góc nhìn rất thực, vì màu mưa mang bóng của màu mây. “Anh đưa em về ngang qua cầu Mới/ Mưa đen trên trời mưa tím dưới sông/ Áo em chừ như tranh lập thể/ Ai đã tô lên những mảng mưa hồng?”.
Ở khổ thứ ba là mưa xanh. Ai đã từng đi ngang qua Đại Nội những ngày mưa, sẽ thấy cỏ cây ướt dầm một màu xanh. Mà cái màu xanh của cây cỏ ở Đại Nội nó lạ lắm, cứ như là xanh hơn ở nơi khác vậy, có lẽ bên tường thành rêu phong, cũ kỹ thì màu xanh cây lá nổi bật hơn chăng! Mưa xanh là mưa trên lá, trên cây, trên cỏ. Tôi hình dung không biết anh đã đi qua con đường này bao nhiêu lần của những mùa mưa Huế, dầm mình trong mưa với những vòng xe chậm chạp, sao anh vẫn nhìn thấy một màu mưa xanh. Thì ra, nghề đạp xích lô với anh không phải là cứu cánh để mưu sinh mà nói như nhà thơ Lương Ngọc An “Phương không dùng chiếc xích lô như một phương tiện mưu sinh, mà như một phương tiện giao lưu”. Và anh đã thấy mưa Huế có màu xanh, đó cũng chính là màu xanh trong tâm hồn anh: “Anh đưa em về ngang qua Đại Nội/ Con đường tình yêu chạy dọc hoàng thành/ Những đám rêu xưa giật mình tỉnh giấc/ Tâm hồn mình trong những giọt mưa xanh”.
Ở khổ thơ cuối, Phương xích lô đem đến hai màu “mưa vàng” và “mưa trắng”. Mưa vàng là màu mưa của hoa và mưa trắng là màu mưa của anh: “Anh đưa em về nhà xưa vườn cổ/ Những đóa mưa vàng lấp lánh trên hoa/ Chia tay trước nhà em vào với mạ/ Riêng anh lang thang mưa trắng nhạt nhòa”.
Bốn cuộc “đưa em về” với những màu mưa khác nhau, thơ mộng, lãng mạn đúng như tình yêu tuổi mới lớn. Tôi đã yêu thích bài này ngay khi được đọc lần đầu tiên. Đọc nhiều lần vẫn yêu thích. Hôm nay đọc lại, xin được thêm một lần nữa bày tỏ cảm phục về tài thơ của Phương xích lô và tôi thấm hơn lời dạy của thầy tôi, rằng “Thiên sứ ở quanh ta, nhiều khi là dưới hình hài bụi bặm nhất”.
“Bốn mùa chuyển nhịp cùng năm tháng/ Đời quay tròn theo ba bánh xe lăn” - đó là Phương xích lô xứ Huế.