Thượng tọa Thích Không Nhiên (trái) giới thiệu đến quan khách về những văn bản được chúa Nguyễn châu phê |
Đó là cuộc triển lãm “Bảo đạc trường minh” diễn ra vào những ngày cuối năm 2023 - đầu năm 2024 ở không gian cơ sở I Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (chùa Hồng Đức, 109 Minh Mạng, TP. Huế) nhân sự kiện hội thảo và tưởng niệm 281 năm Đức Tổ sư Liễu Quán thị tịch (1742 - 2023).
Xem chữ chúa Nguyễn
“Bảo đạc trường minh” được trích từ cặp câu đối trên nghi môn bảo tháp Tổ sư Liễu Quán. Bốn chữ này tạm dịch với ý nghĩa Pháp âm của tổ sư vang mãi/ chuông báu vang mãi. Được bày biện tuyệt đẹp, sang trọng, người xem bước vào đây như đắm chìm một không gian nghệ thuật độc đáo. Lần lượt những tư liệu, hiện vật như dẫn dắt người xem đi từ bất ngờ này đến háo hức khác với những kinh điển, trước tác, Chánh pháp nhãn tạng, Hộ giới điệp, Châu bản triều Nguyễn và các văn bản Hán Nôm giá trị khác có niên đại trải dài từ cuối thế kỷ XVII đến nửa cuối thế kỷ XX.
Độc đáo nhất trong số đó là những văn bản được chúa Nguyễn viết bằng mực son (châu phê) trực tiếp. Xưa nhất, văn bản được châu phê bởi chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1695, liên quan đến bản trình của bà Nguyễn Thị Tốt. Khi đó, người này mua 16 mẫu 5 sào 4 thước ruộng để cúng cho chùa Quốc Ân. Cùng đứng tên trong văn bản này còn có hai vị Nguyên Thiều và Giác Phong (thầy của tổ sư Liễu Quán) trình dâng phủ chúa xin miễn thuế số ruộng này. Văn bản này đã được Quốc chúa phê đồng ý.
Với nhiều người xem, dù đã tham quan không biết bao nhiêu triển lãm về tư liệu Hán Nôm nói chung và Phật giáo Huế nói riêng, nhưng đây là lần đầu tiên họ được diện kiến với nét chữ của các chúa Nguyễn. “Những tư liệu này không chỉ quý mà còn giúp hậu thế hiểu hơn về một giai đoạn lịch sử, qua đó có cái nhìn khách quan, đầy đủ hơn”, anh Nguyễn Thạch, một vị khách thưởng lãm nói.
Bức hoành phi xác chứng hành trạng Tổ sư Liễu Quán
Không thể không nhắc đến bức hoành phi được phỏng chế 5 chữ: “Sắc tứ Viên Thông am” do chúa Nguyễn Phúc Chu ban năm 1697, được treo ở vị trí trang trọng, chính diện trong không gian triển lãm.
Cách đây hơn 4 năm, thượng tọa Thích Không Nhiên (Phó viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế) được nhóm nghiên cứu trẻ dẫn đến ngôi từ đường Tống Phước bên bờ sông An Cựu sau khi phát hiện ra bức hoành. Việc tìm ra bức hoành này theo thầy Không Nhiên, đã “giải thiêng” một giai thoại truyền miệng trong dân gian hơn 300 năm qua.
Theo giai thoại này, Tổ sư Liễu Quán từ Phú Yên ra Huế học đạo đã tìm đến khu vực Hòn Mô (tức núi Ngự Bình) và tịnh tu trong một ngôi miếu nhỏ thờ sơn thần. Chúa Nguyễn Phúc Chu nhiều lần đến đây vãn cảnh nhưng ngài Liễu Quán an nhiên tĩnh tọa trong miếu, không ra cúi chào. Một lần, Quốc chúa quyết đi vào miếu với ý định trách phạt, thế nhưng khi vừa bước vào đến cửa thì toàn thân đơ cứng. Ngài Liễu Quán bảo: “Vương lễ Phật đi thì sẽ hết”. Đúng như thế, thân thể Quốc chúa trở lại bình thường theo chỉ dẫn lễ Phật của ngài Liễu Quán. Vì cảm phục uy đức của bậc chân tu, chúa Nguyễn Phúc Chu cho người sửa sang ngôi miếu thành chùa thờ Phật và ban “Sắc tứ Viên Thông am”.
Vì nhiều lý do, bức hoành này lưu lạc và tìm thấy khi được treo trang trọng trên ngách cửa lớn, hướng mặt vào gian thờ chính của nội điện của từ đường Tống Phước. “Đó là cảm giác của 300 năm nén lại trong một phút giây tri ngộ thật khó diễn tả”, thượng tọa Thích Không Nhiên xúc động khi lần đầu gặp bức hoành.
Theo thầy Không Nhiên, bức sắc tứ này cùng pho tượng Quan Âm “cốt Chăm bì Việt” được phát hiện ở từ đường Tống Phước là pháp bảo vô giá không chỉ riêng với chùa Viên Thông hay Phật giáo Huế mà đó chính là pháp bảo của Phật giáo Việt Nam. “Đây là những kỷ vật chân thực, xác chứng về lai lịch chùa Viên Thông cũng như hành trạng của Tổ sư Liễu Quán trong buổi đầu hành đạo tại đây”, thầy Không Nhiên khẳng định và cho biết thêm, đã và sẽ làm việc với họ tộc để đưa bức hoành và pho tượng “châu về hợp phố” trong thời gian sớm nhất có thể.