Người dân đang chấp hành tháo dỡ ngư lưới vi phạm

Về xã Vinh Hưng một ngày trong năm 2023, chúng tôi chứng kiến trên khu vực đầm phá, không ít hộ dân đã tự ý lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá bằng hình thức vây ví chắn lưới làm rọ để nuôi trồng thủy sản. Người này thấy người kia làm cũng “áp dụng” theo, gây ảnh hưởng đến dòng chảy và môi trường sinh thái, làm suy kiệt nguồn lợi thủy sản vùng đầm phá.

Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có chiều dài hơn 68km, diện tích mặt nước rộng hơn 22.000ha trải dài qua địa bàn các địa phương thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là khu đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á, giữ vai trò quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của địa phương, đồng thời duy trì, bảo tồn đa dạng sinh học các loài trên đầm phá. Tận dụng tiềm năng và nguồn lợi của đầm phá Tam Giang - Cầu Hai nên người dân vùng ven đầm phá đã sử dụng nhiều biện pháp để nuôi trồng, khai thác nguồn lợi thủy sản nhằm phát triển kinh tế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện huyện Phú Vang có diện tích nuôi trồng thủy sản trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai lớn nhất, chiếm hơn 57%; huyện Phú Lộc chiếm hơn 21%; còn lại thị xã Hương Trà, huyện Phong Điền, Quảng Điền có tỷ lệ nuôi trồng thủy sản chiếm diện tích đầm phá không nhiều. Điều đáng trăn trở, những năm qua có hàng trăm người dân ở các địa phương ven phá đã sử dụng các loại cọc tre, cọc gỗ, lưới vây để khoanh vùng chiếm dụng mặt nước đầm phá nuôi trồng thủy sản.

Cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023, các lực lượng chức năng của huyện Phú Vang đã ra quân tuyên truyền, vận động người dân tháo dỡ lưới vây, cọc tre, nhằm lập lại trật tự nuôi trồng, đánh bắt thủy sản trên vùng đầm phá. Qua nhiều đợt vận động, nhiều người dân đồng tình hưởng ứng chủ trương tháo dỡ, giải tỏa lưới vây, trộ sáo tự phát. Trong đó, tại xã Vinh Hà, lực lượng công an xã cùng với chính quyền địa phương đã vận động hơn 180 hộ dân ký cam kết tự nguyện tháo dỡ lưới vây, cọc tre để từng bước giải phóng diện tích mặt nước đầm phá bị chiếm dụng.

Cùng với những nỗ lực của huyện Phú Vang, chính quyền địa phương và các ban ngành của huyện Phú Lộc cũng quyết liệt các giải pháp để xử lý và ngăn chặn tình trạng này. Ông Nguyễn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Vinh Hưng cho biết, sau nhiều lần tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ dân tự ý vây lưới chắn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá để nuôi trồng thủy sản, các hộ đã cam kết chấp hành việc tự tháo dỡ vây chắn lưới, trả lại diện tích đã lấn chiếm theo hiện trạng như ban đầu mặt nước đầm phá cho Nhà nước quản lý trước ngày 7/1/2024.

Đến gần cuối năm 2023, qua kiểm tra đầm phá đã có 33/51 hộ dân đã chấp hành việc tự tháo dỡ hoàn toàn các loại ngư lưới vụ vi phạm; 18 hộ dân còn lại mới tháo dỡ từ 20 - 60% ngư lưới cụ vi phạm. Hiện nay, người dân đang tiếp tục tháo dỡ và sẽ giải quyết dứt điểm trong thời gian tới. “UBND xã cũng có thông báo, yêu cầu các hộ dân nghiêm túc chấp hành việc tự tháo dỡ hoàn toàn ngư lưới cụ vi phạm. Nếu các hộ dân không chấp hành, quá trình kiểm tra, UBND xã sẽ lập các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật”, lãnh đạo UBND xã Vinh Hưng cho biết.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Lộc, thời gian qua, các lực lượng chức năng có thẩm quyền thường xuyên kiểm tra, lập biên bản, xử phạt hành chính, yêu cầu khắc phục hậu quả, thậm chí ra quyết định cưỡng chế. Huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn lấn chiếm đất có mặt nước chuyên dùng trên đầm phá.

Giải quyết dứt điểm tình trạng trên là việc phải làm. Song, điều cũng cần quan tâm làm sao sau khi xử lý, không để tình trạng trên tái diễn. Thực tế, đã từng có trường hợp sau khi xử phạt vẫn tiếp tục vi phạm. Đơn cử như gia đình ông Văn Viết L., ở xã Lộc Điền, huyện Phú Lộc từng chiếm dụng hơn 21.539m2 mặt nước trên đầm phá Cầu Hai tại tổ dân phố Mũi Né, thị trấn Phú Lộc để nuôi trồng thủy sản, bị phạt 400 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả nhưng sau khi nộp phạt, lại tiếp tục lấn chiếm mặt nước để nuôi trồng thủy sản, buộc các cơ quan chức năng phải “mạnh tay” và quyết liệt hơn.

Ông Huy cho rằng, liên tục kiểm tra, phát hiện và xử lý triệt để là việc cần làm. Bên cạnh đó, gắn với vai trò của chi hội nghề cá để kiểm soát một cách chặt chẽ, xử lý đến nơi đến chốn để bảo vệ môi trường đầm phá và nguồn lợi thủy sản.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC