Chương trình nghệ thuật tại Lễ kỷ niệm 30 năm ngày Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Văn hóa thế giới. Ảnh minh họa: Đỗ Trưởng/TTXVN |
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu 6 nhiệm vụ trọng tâm cả hệ thống chính trị cần thực hiện cũng có nhiệm vụ phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, môi trường văn hóa, đời sống văn hóa.
Từng bước đi vào thực chất
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, môi trường văn hóa lành mạnh là nhiệm vụ quan trọng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm, đặt ra mục tiêu “làm cho các giá trị văn hóa thấm sâu vào mọi mặt đời sống”, đồng thời, đề ra nhiệm vụ, giải pháp “đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đến nay đã từng bước đi vào thực chất, góp phần xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Thông qua đó, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm.
Năm 2024, toàn ngành tiếp tục nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa có chiều sâu. Các đơn vị, địa phương không chỉ dừng lại ở kết quả bước đầu, phải đi vào thực chất theo hướng xây dựng môi trường văn hóa thật sự dân chủ, hiện đại, văn minh gắn với từng địa bàn dân cư, tổ dân phố, bản, làng, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vận động để người dân thực hành, bồi đắp, hun đúc những giá trị chuẩn mực mới phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới. Toàn ngành chú trọng tổng kết, đúc rút các hệ giá trị chuẩn mực về văn hóa và con người Việt Nam thời kỳ mới; làm tốt việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là phong trào đến nay đã tạo sự lan tỏa, tác động tích cực vào các mặt của đời sống xã hội và xây dựng đời sống văn hóa trong chiến lược xây dựng con người Việt Nam. Từ phong trào này đã tạo ra nhiều đợt thi đua rộng khắp, từ gia đình, làng, xã đến các cấp, ngành. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; hương ước, quy ước của làng, xã được thực hiện nghiêm túc; xuất hiện nhiều trưởng họ, trưởng tộc, già làng, trưởng bản, trưởng thôn gương mẫu đứng ra phát động xây dựng gia đình, dòng họ văn hóa.
Phong trào được thực tiễn kiểm nghiệm có sức sống trong đời sống xã hội, từ đó tổng kết, đúc rút kinh nghiệm, phát huy sức mạnh, sáng kiến của cộng đồng để khuyến khích lan tỏa, phát triển theo chiều sâu. Các mô hình ở địa phương đều có đặc trưng riêng, phù hợp với thực tiễn, quan trọng hơn cả là đã tạo điều kiện để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa.
Đáng chú ý, phong trào tiếp tục được đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, gắn kết với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh. Qua đó, bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy, tác động tích cực đến phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương và cả nước.
Sức sống văn hóa ở cơ sở
Cục Văn hóa Cơ sở thông tin, hiện nước ta đang có 140 mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai ở các cấp. Nhiều địa phương phát triển chiều sâu các mô hình câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình... để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng môi trường văn hóa.
Một số mô hình không chỉ dừng ở bảo tồn giá trị văn hóa, còn góp phần phát triển kinh tế, thu hút xã hội hóa, nhiều mô hình xây dựng thành điểm đến văn hóa du lịch. Có thể kể đến các mô hình: Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghề tranh dân gian Đông Hồ ở Bắc Ninh; chương trình Cồng chiêng cuối tuần - Thưởng thức và trải nghiệm của Gia Lai gắn kết với phát triển du lịch; Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi ở thành phố Hội An, Quảng Nam; Xây dựng môi trường văn hóa gắn với phát triển du lịch tại Đà Nẵng. Một số địa phương đã phối hợp hiệu quả với các cơ quan liên quan xây dựng, triển khai các mô hình như: Vận động đồng bào có đạo và nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội Ninh Bình; “Gia đình hạnh phúc”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa”, “Câu lạc bộ khiêu vũ thể thao, câu lạc bộ dân vũ thể thao” của Yên Bái…
Nhiều nơi tích cực ứng dụng công nghệ số vào đổi mới phương thức tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, văn nghệ quần chúng như “Nhóm đam mê đờn ca tài tử - Bạn cùng tôi”, “Hành trình văn hóa” của Bến Tre; Liên hoan các câu lạc bộ Nghệ thuật truyền thống không chuyên ở Ninh Bình; Hệ thống thuyết minh tự động qua ứng dụng quét mã QR và hệ thống thuyết minh tự động cầm tay tại Khu di tích Xẻo Quít tỉnh Đồng Tháp… Cùng đó, xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; vận động tuyên truyền thay đổi, xóa bỏ những tập tục không phù hợp, tập tục lạc hậu; phát động, duy trì phong trào khuyến học, khuyến tài. Nhiều mô hình mô hình, câu lạc bộ ở cấp xã, thôn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai từ rất sớm...
Các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, nhiều hội thi, hội diễn được tổ chức thường xuyên góp phần nâng cao đời sống văn hóa và tinh thần người dân. Có thể nói, công tác xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay đã đạt được một số kết quả, có tính lan tỏa rộng, tác động mạnh làm thay đổi tư duy, tạo lối sống tích cực cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Cục Văn hóa Cơ sở cũng nêu rõ: Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở đang từng bước được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nội dung thiết thực đáp ứng nhu cầu của đông đảo tầng lớp nhân dân, góp phần phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đặc biệt, các địa phương đã xác định “không gian mạng” là một công cụ, phương thức tuyên truyền hiệu quả, quan trọng, phù hợp với xu thế của thời đại. Do đó, nhiều chương trình nghệ thuật, tuyên truyền lưu động ngoài biểu diễn trực tiếp phục vụ nhân dân tại chỗ đã được Trung tâm văn hóa các tỉnh, thành phố quảng bá bằng hình thức livestream, thu phát trên website, Facebook, YouTube… tạo hiệu ứng, lan tỏa, thu hút được lượng lớn người xem, truy cập...
Có thể nói, những mô hình này đã tác động tích cực đến chất lượng của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, chương trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII “về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết TW9 (khóa XI) “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.