Cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc) đang bị bồi lắng, cần nạo vét nhằm tạo điều kiện sản xuất cho ngư dân |
Chưa đáp ứng nhu cầu
Toàn tỉnh có 32 âu thuyền lớn nhỏ, nằm rải rác ở các địa phương vùng ven biển, đầm phá. Số âu thuyền này chỉ đáp ứng được khoảng hơn 50% số lượng phương tiện tránh trú bão. Do vậy, việc đầu tư xây dựng, nâng cao năng lực hạ tầng nghề cá kết hợp neo đậu, tránh, trú bão nhằm nâng cao năng lực ngành thủy sản, góp phần thúc đẩy công cuộc phát triển kinh tế của tỉnh.
Ông Nguyễn Quang Dân, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (Phú Vang) cho biết, sau lũ lịch sử năm 1999 do khu neo đậu tàu thuyền ở Eo Bầu - Hòa Duân bị cuốn trôi nên năm 2000, UBND tỉnh đã cho đầu tư khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận tại thôn An Dương. Công trình sau khi đưa vào sử dụng là nơi neo đậu, của của dịch vụ nghề cá và tránh, trú bão cho hơn 100 phương tiện tàu thuyền tại địa phương.
Tuy nhiên, ảnh hưởng mưa lũ hàng năm, nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp còn hạn chế, dù địa phương luôn quan tâm nhưng khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận ngày càng xuống cấp. Hiện tại, tuyến đê bị sạt lở nghiêm trọng, mặt đê nhiều đoạn bị nứt gãy, hệ thống bích neo trên đê chắn sóng bị hư hỏng, khu neo đậu và tuyến luồng chạy tàu bị bồi lấp làm ảnh hưởng đến việc ra vào khu vực neo đậu của tàu thuyền, nhất là trong mùa mưa bão.
Việc sửa chữa, nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu, bốc dỡ, trao đổi hàng hóa và tránh, trú bão cho tàu cá xa bờ (công suất đến 600CV), hạn chế thiệt hại về người và phương tiện đánh bắt trong mùa mưa bão.
Tương tự, ngoài công trình Cảng cá Tư Hiền kết hợp khu neo đậu, tránh, trú bão (Phú Lộc), đang triển khai thi công thì hiện trạng khu neo đậu, tránh, trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai dù được đầu tư trước đó (60 tỷ đồng) đến nay cũng đã bồi lắng, xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu của ngư dân.
Công trình này đã được đầu tư xây dựng với quy mô thiết kế cho khoảng 420 tàu có công suất từ 35CV đến 200CV, hiện nay có tính đến lâu dài theo quy hoạch với quy mô 300 chiếc/300CV. Công trình đã hoàn thanh đưa vào sử dụng mang lại hiệu quả, đảm bảo là nơi trú ẩn an toàn cho ghe thuyền của ngư dân khu vực đầm Cầu Hai.
Tuy nhiên, hiện trạng chỉ có các ghe thuyền và tàu nhỏ dưới 50CV vào neo đậu, tránh trú. Nguyên nhân do tuyến luồng vào khu neo đậu chưa có nên những tàu có tải trọng lớn hơn không thể vào được. Vì vậy, để phát huy hiệu quả của công trình cần nạo vét tuyến luồng cho tàu vào ra, tạo thuận lợi trong việc tiếp ứng cung cấp hậu cần trước khi ra khơi.
“Bức thiết” đầu tư
Mới đây, UBND tỉnh đã có báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương về việc bổ sung kinh phí thực hiện DA Xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá với kinh phí khoảng 350 tỷ đồng từ nguồn kết dư khoản tiền bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Theo đó, sẽ đầu tư DA nâng cao năng lực khai thác giao thông đường thủy khu vực cửa Tư Hiền, huyện Phú Lộc; DA nâng cấp khu neo đậu tránh bão xã Phú Thuận, huyện Phú Vang; DA nạo vét tuyến luồng, tuyến thủy đạo phục vụ tàu thuyền vào khu neo đậu và ngăn lũ bảo vệ vùng nuôi trồng thủy sản ven phá khu vực huyện Phú Vang.
Theo Sở NN&PTNT, cửa biển Tư Hiền và tuyến luồng phía trong là cửa ngõ quan trọng thứ 2 nối vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với Biển Đông. Tuy nhiên, hiện nay cửa biển và tuyến luồng bị bồi lấp không thể cho các tàu có công suất lớn vào ra, các tàu lớn trên 200CV sau khi đánh bắt đều phải chạy vào Đà Nẵng để bán sản phẩm, neo đậu, tránh, trú khi có mưa bão.
Hiện trạng cửa Tư Hiền đang ngày càng bị suy thoái, tình trạng bồi lấp cửa đang diễn ra nghiêm trọng gây nhiều khó khăn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân, môi trường sinh thái của vùng đầm phá. Trong những năm gần đây, Nhà nước đã đầu tư nhiều cảng cá, âu thuyền trên khu vực đầm Cầu Hai phục vụ giao thương nhưng hiện nay vẫn chưa phát huy hết nhiệm vụ, do tuyến luồng vào bị cạn dẫn đến không có tàu vào neo đậu.
Cửa biển Tư Hiền hiện đã có dự án đảm bảo khơi thông, có đê ngăn cát, hạn chế chống bồi lấp đảm bảo cho tàu thuyền vào ra thông suốt. Tuy nhiên, để tàu thuyền có thể cập được khu neo đậu Cầu Hai cần phải nạo vét khơi thông tuyến luồng từ cửa biển Tư Hiền lên đến bến neo đậu. Vì vậy, việc thực hiện nạo vét tuyến luồng và nâng cấp, hoàn thiện hệ thống công trình chỉnh trị cửa Tư Hiền là hết sức cần thiết giúp khu neo đậu phát huy hiệu quả của nhiệm vụ đặt ra, giảm chi phí đi lại cho bà ngư dân xã Lộc Trì và khu vực phụ cận trong việc chuẩn bị trước lúc ra khơi và sau khi về bến.
Cũng theo Sở NN&PTNT, khu vực đầm phá Tam Giang - Cầu Hai trải dài từ hạ lưu đập Cửa Lác, huyện Phong Điền đến cửa Tư Hiền, huyện Phú Lộc với diện tích lên đến 22.000ha là nơi cung cấp nguồn lợi thủy sản nước lợ rộng lớn, tạo nguồn thu nhập cho hơn 56.000 cư dân sinh sống bằng khai thác, đánh bắt tự nhiên và là nguồn thu nhập chính cho hơn 20.000 dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản ven phá.
Ngoài ra, vùng đầm phá còn là tuyến đường thủy quan trọng phục vụ giao thương nội địa và ra Biển Đông. Hiện nay, nguồn lợi thủy sản tự nhiên trên đầm phá đang cạn kiệt dần do việc đánh bắt thường xuyên, do biến đổi khí hậu ngày càng tăng ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài thủy, hải sản.
Trong khi đó, việc nuôi trồng thủy sản rất dễ bị ảnh hưởng bởi mùa mưa lũ do khu vực đầm phá là kho dự trữ nước lũ của toàn hệ thống lưu vực sông Hương, sông Bồ, sông Truồi đổ về, nguồn nước phá bị ngọt hóa dài ngày làm chết tôm cá trong các hồ đầm đang nuôi nếu không có giải pháp giảm thiểu, nhất là vào mùa mưa lũ tiểu mãn.
Năm 2020, UBND tỉnh đã đầu tư, nâng cấp khu neo đậu, tránh, trú bão xã Phú Hải, huyện Phú Vang làm nơi neo đậu, tránh, trú bão cho khoảng 500 tàu thuyền có công suất tối đa 300CV. Tuy nhiên, qua quá trình vận hành cho thấy, tàu thuyền từ cửa Thuận An về khu neo đậu vẫn rất hạn chế, chỉ có các tàu dưới 200CV mới vào được, do tuyến luồng đoạn còn lại 6km từ sau cầu Thuận An về đến khu neo đậu nhiều đoạn bị bồi lắng, một số đoạn nò sáo của người dân lấn chiếm tuyến luồng nên không đảm bảo chạy tàu. Cần khơi thông tuyến luồng để đảm bảo phát huy hiệu quả DA.