Bên căn nhà làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh |
Khi cách cửa khẩu Xa Mát chừng năm cây số, theo bảng chỉ dẫn, xe chúng tôi rẽ vào khu di tích quốc gia đặc biệt này.
Sau hàng chục năm ngưng tiếng súng, khu rừng Rùm Đuôn (Tân Lập - Tân Biên) đã hồi sinh tán lá, thảm cỏ tạo nên không gian dịu mát. Cái cảm giác “Tây Ninh nóng nung người” tan biến lúc nào không hay.
Vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Cục miền Nam đã chọn khu rừng nguyên sinh này để đặt căn cứ.
Tại nhà khách Ban quản lý di tích, theo yêu cầu, chúng tôi được anh Lê Minh Cường dẫn đến viếng căn nhà của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở và làm việc từ năm 1965-1967, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt.
Viếng thăm căn nhà làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở mật khu này làm tôi liên tưởng đến những căn nhà đã từng trú ở chiến trường Trị Thiên trong những năm chiến tranh. Do đặc điểm địa hình nên nơi chúng tôi ở, nhà được dựng nửa chìm nửa nổi bên sườn núi, mái lợp cỏ tranh và được nối với với một căn hầm chữ A; còn trong cánh rừng ở miền Đông Đông Nam bộ này, như những căn nhà làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt hay Trần Nam Trung..., căn nhà làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh được lợp bằng lá trung quân - một loại lá được xem là lâu mục, khó bị cháy và dựng trên căn hầm chữ A, cửa hầm được kết nối với giao thông hào.
Trên cương vị Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã dày công nghiên cứu, đúc kết thực tế chiến đấu của các đơn vị, các địa phương và đã tìm ra cách đánh sáng tạo phù hợp với thực tiễn chiến trường, trong đó nổi bật là phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, tức là đánh cận chiến nhằm triệt tiêu sức mạnh hỏa lực của đội quân hùng mạnh nhất thế giới và buộc đối phương bị động, ứng phó theo cách đánh của quân ta.
*
Dấu ấn lớn nhất của cách đánh này là vào mùa khô của năm 1967, quân và dân miền Đông Nam bộ đã bẻ gãy chiến dịch Junction city, khi đối phương huy động tới 45.000 quân cùng nhiều máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ đổ quân vào Bắc Tây Ninh nhằm tìm và diệt cơ quan đầu não của kháng chiến.
Nhờ đánh giá sát tình hình, phân tích điểm mạnh, yếu của hai bên, với quyết tâm đánh bại chiến dịch này của đối phương, dưới sự chỉ đạo Đại tướng, Bí thư Trung ương cục, Chính ủy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam Nguyễn Chí Thanh, quân và dân miền Đông Nam bộ đã phát huy cao độ thế trận chiến tranh nhân dân, xây dựng thế trận phản công đã bẻ gãy và đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân có quy mô lớn nhất của đối phương, qua đó củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của dân tộc ta.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhận xét: "Cuộc hành quân Gian-xơn Xi-ti là một cuộc hành quân lớn nhất của quân Mỹ vào vùng căn cứ Bắc Tây Ninh lại là cuộc hành quân thua đau nhất, là cái mốc đánh dấu đỉnh cao sự thất bại của chúng trong cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong âm mưu tìm diệt của chúng".
“Nắm thắt lưng địch mà đánh” là phương châm hành động mà Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cổ vũ cán bộ, chiến sĩ khi ở chiến trường thời chống Mỹ, nó được đúc kết qua các trận đánh Mỹ và thắng Mỹ ở Núi Thành, Bình Giã, Đồng Xoài…; còn “mất đất chưa phải là mất nước, chết cũng không rời cơ sở” là phương châm hành động của nhà chính trị Nguyễn Chí Thanh trong những đầu chống Pháp khi ông giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.
Được viếng căn nhà làm việc của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở căn cứ Trung ương cục miền Nam và xem hiện vật trưng bày ở khu bảo tàng của căn cứ này, tôi càng mến phục cái tâm, cái tài của nhà chính trị, quân sự lỗi lạc của Đảng ta, của dân tộc ta: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – người con của quê hương Thừa Thiên Huế.