Chăm sóc lợn nái trong mùa mưa rét |
Trước các đợt rét vừa qua, anh Nguyễn Ngẫu ở xã Phong Hải (Phong Điền) đều tranh thủ bứt cỏ tươi, mua thêm 5 tạ cám gạo, đường… để dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn, đảm bảo sức khoẻ cho đàn bò. Anh Ngẫu đầu tư hơn 5 triệu đồng mua vật liệu che chắn, sửa chữa chuồng trại, đảm bảo chống mưa thấm dột, gió lùa và dự phòng chăn, củi đốt phòng khi nhiệt độ xuống thấp, rét đậm, rét hại kéo dài.
Không phải ai cũng như anh Ngẫu, vẫn còn một bộ phận người dân, nhất là ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số còn chủ quan trong bảo vệ đàn GSGC mùa mưa rét. Tình trạng chăn thả rông trâu, bò, dê trên núi rừng, các đồng cỏ trong những ngày mưa rét tại một số địa phương vẫn diễn ra.
Ông Nguyễn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hải thông tin, sau khi theo dõi thông tin dự báo rét tràn về, chính quyền địa phương khẩn trương tổ chức truyền thông đến với người dân các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc. Trước mắt, yêu cầu người dân lùa bò về nhốt chuồng và dự trữ đầy đủ thức ăn; kết hợp chuẩn bị đầy đủ vật liệu như chăn ấm, củi đốt để phòng rét đậm, rét hại kéo dài.
Tăng cường chăm sóc đàn gia cầm |
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh thông tin, ngành chăn nuôi - thú y phối hợp với các địa phương chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ đàn GSGC trong mùa mưa rét đến tận các hộ chăn nuôi. Đồng thời, yêu cầu người dân không chủ quan, lơ là trong những ngày tết, mà cần phải chú tâm, tích cực bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Những ngày này, các địa phương tổ chức cử cán bộ về tận cơ sở, nhất là tại các huyện A Lưới và Nam Đông, để trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét cho vật nuôi. Những hộ chăn thả gia súc trong rừng thực hiện việc di chuyển đàn vật nuôi về nhốt tại chuồng, hoặc đến những nơi kín gió, có đủ điều kiện đảm bảo cho đàn gia súc tránh rét.
Ông Phạm Tài, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật nông lâm - Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho rằng, hiện nay đang trong mùa mưa rét. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn GSGC; nguy cơ trâu, bò bị đổ ngã và phát sinh dịch bệnh rất cao. Để chăn nuôi đảm bảo an toàn, hạn chế đổ ngã và tăng tỷ lệ sống đối với GSGC, các hộ nuôi cần áp dụng một số biện pháp kỹ thuật theo quy định của cơ quan chức năng.
Chuồng trại phải được che chắn kín chống mưa tạt, gió lùa, mái chuồng đảm bảo không bị dột nước, nền chuồng luôn khô ráo và cần độn lót như trấu, mùn cưa, rơm rạ… để giữ ấm cho vật nuôi. Đối với gia súc ăn cỏ, cần bổ sung thêm thức ăn tinh, thức ăn xanh và rơm khô tại chuồng, đặc biệt là gia súc gầy yếu, đang nuôi con và gia súc non.
Đối với gia cầm con, nên nuôi úm trong chuồng cho đến 4 tuần tuổi mới thả. Gia súc sơ sinh nuôi tại chuồng ít nhất 1 tháng mới cho theo đàn. Lợn con cần sưởi ấm trong 2 tuần đầu sau khi sinh, không dùng nước dội chuồng trong thời gian này.
Những ngày nhiệt độ dưới 15oC không nên chăn thả gia súc mà phải giữ tại chuồng và cung cấp thức ăn, nước uống đầy đủ. Người dân cần dùng củi, trấu để đốt tạo nguồn nhiệt sưởi ấm, khi thời tiết ấm lên mới chăn thả gia súc “đi muộn về sớm” để đề phòng đổ ngã.
Chuồng trại chăn nuôi GSGC cần vệ sinh sạch sẽ hằng ngày, định kỳ phun thuốc sát trùng, hoặc rải vôi sát trùng nền chuồng và khu vực xung quanh, tháo nước đọng quanh chuồng nuôi và vườn chăn thả để diệt các mầm bệnh; áp dụng quy trình phòng bệnh bằng tiêm vắc - xin và thuốc cho GSGC theo hướng dẫn của cán bộ thú y.