Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững. Ảnh minh họa: Baochinhphu.vn |
Định hình ưu tiên
Đối với doanh nghiệp, các mô hình kinh doanh bền vững sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. Hợp tác, vượt qua các ranh giới truyền thống sẽ là chìa khóa thiết yếu. Các ngành công nghiệp, các chính phủ và xã hội dân sự sẽ xây dựng các liên minh để giải quyết những thách thức nhiều mặt về tính bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và lan tỏa những phương pháp hay nhất.
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia IMD đã xác định một loạt xu hướng bền vững hàng đầu sẽ thúc đẩy các ưu tiên và chuyển đổi hoạt động kinh doanh trong năm nay. Trong số đó, nhà nghiên cứu cấp cao Adrian Dellecker tại IMD cho hay, vào năm 2024, hơn 50.000 doanh nghiệp sẽ đối mặt với các yêu cầu công bố thông tin theo quy định mới về tác động của hoạt động doanh nghiệp đối với môi trường. Ngoài ra, Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM) yêu cầu các nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải liên quan đến sản phẩm trước ngày 31/1/2024. Bắt đầu từ ngày 1/1/2026, hệ thống CBAM vĩnh viễn sẽ có hiệu lực. Từ đó, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần giám sát chặt chẽ các sáng kiến này, khi chúng cho thấy sự tập trung ngày càng tăng vào trách nhiệm giải trình về carbon và tính bền vững trên thị trường toàn cầu. Hiểu và chuẩn bị cho những tác động của chúng đối với các chuỗi cung ứng, chi phí sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường sẽ là điều cần thiết để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh pháp lý đang thay đổi…
Trong số những ưu tiên khác, các hội đồng doanh nghiệp sẽ cần nâng cao trình độ để có thể nắm bắt được tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc triển khai các giải pháp bền vững.
Ngoài ra, một lĩnh vực chưa được khai thác về tính bền vững là nghệ thuật, được xem là có tiềm năng to lớn trong việc thúc đẩy các nỗ lực bền vững bằng cách đóng vai trò là phương tiện mạnh mẽ để nâng cao nhận thức, hành động và thúc đẩy mối liên hệ sâu sắc hơn với các vấn đề môi trường và xã hội.
Điều hướng mọi lĩnh vực đều bền vững
Trong bối cảnh thế giới phải vật lộn với vô số thách thức về môi trường và xã hội, tầm quan trọng của sự bền vững toàn cầu chưa bao giờ cấp bách hơn. Năm 2024 dự kiến sẽ là một năm bản lề cho các hoạt động và chính sách bền vững trên toàn thế giới, khi trọng tâm hướng đến mục tiêu giải quyết những thách thức môi trường sẽ tiếp tục tăng lên.
Một xu hướng khác được dự đoán cũng sẽ bùng nổ là các tiêu chuẩn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) ngày càng nổi bật trong thế giới tài chính, thúc đẩy đầu tư vào các doanh nghiệp bền vững. Có thể dự đoán rằng, đầu tư vào ESG trong năm 2024 sẽ còn được chú trọng hơn nữa, khi ngày càng có nhiều công ty điều chỉnh hoạt động theo các phương pháp bền vững để thu hút nhà đầu tư. Trái phiếu xanh và các lựa chọn đầu tư bền vững sẽ trở nên phổ biến hơn, mang đến cơ hội hỗ trợ các sáng kiến có lợi cho hành tinh và xã hội.
Bên cạnh đó, những tiến bộ trong công nghệ cũng đang thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Năm 2024, chúng ta sẽ thấy sự phụ thuộc ngày càng tăng vào AI và phân tích dữ liệu lớn để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm khí thải và nâng cao tính bền vững trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm nông nghiệp, giao thông và năng lượng. Cũng có khả năng các thành phố và cộng đồng thông minh sẽ phát triển hơn nữa để tạo ra một thế giới bền vững và kết nối hơn.
Với dân số toàn cầu ngày càng tăng và nhu cầu cung cấp lương thực bền vững cho mọi người, năm 2024 sẽ mang lại làn sóng đổi mới trong sản xuất lương thực và nông nghiệp, chú trọng khai thác công nghệ để sản xuất thực phẩm với ít tài nguyên hơn và ít tác động đến môi trường hơn.
Trong một lĩnh vực đáng chú ý khác, có thể thấy rõ hai xu hướng quan trọng của ngành du lịch trong năm 2024 là du lịch bền vững và gia tăng các trải nghiệm du lịch dựa trên sự kiện, với khoảng 16 triệu người được Tập đoàn Trip.com khảo sát đã tích cực lựa chọn các điểm đến du lịch và hình thức du lịch ít carbon. Đồng thời, trong lĩnh vực lưu trú bền vững, việc Tập đoàn Trip.com đưa ra sáng kiến về tiêu chuẩn khách sạn ít carbon cũng đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn.
Ngoài ra, giảm thiểu tác động của ngành y tế đối với biến đổi khí hậu là rất quan trọng. Một hệ thống y tế bền vững được chứng minh là có liên quan đến việc cân bằng ba khía cạnh của tính bền vững, bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Các hệ thống y tế bền vững tạo ra và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả để cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng cao với giá cả phải chăng và dễ tiếp cận cho tất cả mọi người.
Việt Nam ưu tiên phát triển bền vững
Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, Việt Nam trong những năm gần đây luôn ưu tiên việc phát triển bền vững - từ khóa quan trọng của năm 2023 và nhiều năm tiếp theo.
Trong một tuyên bố được đưa ra hồi đầu tháng 11/2023, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cho biết, Việt Nam hiện đang dành ưu tiên cao cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), với những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lượng phát thải ròng xuống 0 vào năm 2050 và bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển nhanh chóng và bền vững, Việt Nam luôn dành ưu tiên hàng đầu cho chuyển đổi xanh - chìa khóa then chốt của phát triển bền vững. Và dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững cũng là cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư biết nắm bắt xu hướng này như một lợi thế cạnh tranh.
Tại Thừa Thiên Huế, tăng trưởng xanh - phát triển bền vững là chủ trương xuyên suốt trong quá trình phát triển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định. Thời gian qua, Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh chuyển đổi số và thúc đẩy du lịch xanh - ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với lợi thế đặc biệt về tài nguyên văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường cũng như nguồn nhân lực để phát triển du lịch, Huế đang có một nền tảng vững chắc để phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững - xu hướng tất yếu của ngành du lịch hiện nay.
Rõ ràng, tính bền vững là vấn đề rất được chú trọng không chỉ ở Việt Nam mà còn là xu hướng chung của toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới dự kiến sẽ có nhiều thay đổi nhanh chóng với những diễn biến phức tạp, tính bền vững càng cho thấy vai trò quan trọng và sẽ là yếu tố định hình các ưu tiên của thế giới trong năm 2024.
(Tổng hợp và lược dịch từ IMD, Morganlatif, Travelandtourworld, Fobes, EHMA, Vietnamnews, VOV, Bộ KH&ĐT, Cổng thông tin điện tử TTH)