Bãi biển đảo Tahiti. Ảnh: luhanhvietnam.com.vn |
Khi bước xuống tàu từ San Francisco, tôi cũng đã ấp ủ một hình ảnh như thế. Nhưng chín ngày sau, khi cập cảng, trước mắt tôi là một Tahiti khác hẳn. Ngày nay, thành phố Papeete, thủ đô của Tahiti là một đô thị Âu hóa hoàn toàn.
Muốn thấy hình ảnh của cuộc sống bản địa như trong sách báo? À, dễ thôi, người hướng dẫn dường như hiểu ý, nên đã nhanh chóng đưa chúng tôi đến thăm ngôi nhà Norman Hall. Đây vốn là tư thất của một nhà văn Mỹ nổi tiếng đầu thế kỷ 20, người đã chọn Tahiti làm quê hương thứ hai trong suốt ba mươi năm, và đã sống với người vợ Tahiti ở đây cho đến cuối đời. Ngôi nhà của ông được giữ lại làm nhà lưu niệm, trưng bày tất cả những tác phẩm, kỷ vật, đồng thời một sảnh lớn phía trước được sử dụng như một bảo tàng lịch sử nho nhỏ về Tahiti.
Ở đây, ta có thể thấy những bức tranh xưa, tái hiện những hình ảnh lịch sử về buổi đầu người dân bản địa tiếp xúc với những con tàu từ châu Âu đến. Theo như trong tranh, thì đó có vẻ là những cuộc gặp gỡ hòa bình và thậm chí là thân thiện! Các ghi chép của những nhà đi biển người Âu thời đó kể lại rằng, những người thổ dân thơ ngây thấy người Âu châu trên chiếc tàu lớn, với tiếng súng chỉ thiên nổ vang, đã tưởng rằng đấy là thần linh trên trời xuống! Họ liền chèo thuyền đến bên tàu lớn của người Âu, đem theo vật phẩm dâng tặng, và đưa đến cả những trinh nữ - những người con gái được xem là xinh đẹp và đức hạnh nhất trong bộ lạc, để được “phối giống” từ thần linh.
Tác giả (phải) tại một gian hàng trên đảo. Ảnh: Mai Thùy |
Tuy nhiên trên thực tế, lịch sử không êm đềm như vậy. Một thời gian ngắn sau đó, “thần linh” đã đem đến cho người Tahiti nhiều căn bệnh mà họ chưa hề có khả năng miễn dịch. Đồng thời, sức mạnh súng đạn của người phương Tây đã kích phát một cuộc chiến tương tàn giữa các vương quốc nhỏ của vùng đa đảo. Với sự ủng hộ của người Anh, vua Pomaire I chiến thắng hết các đối thủ để lên làm vua Tahiti. Các cuộc chiến, cùng với bệnh tật, đã làm Tahiti tiêu mòn hết hai phần ba dân số.
Triều đại Pomaire được người phương Tây đánh giá là “… đã mang lại một thời kỳ hòa bình và thịnh vượng về văn hóa và kinh tế cho quần đảo, dưới triều đại của năm vị vua Tahiti”. Tuy nhiên, nhìn từ một mặt khác, thời kỳ của 5 vị vua này cũng là thời kỳ Tahiti mất dần chủ quyền và mất dần bản sắc văn hóa. Từ thời vua Pomaire II, ảnh hưởng của các nhà truyền giáo người Anh càng ngày càng mạnh mẽ.
Trước đây người Maohi, cả nam lẫn nữ, chỉ quấn một chiếc Pareo ngang hông, vì khí hậu trên đảo rất mát mẻ ôn hòa khiến họ chưa bao giờ cảm thấy cần thứ gì khác. Nhưng với các nhà truyền giáo thì ăn mặc như vậy quả là tội lỗi. Trong thế kỷ 19, quốc phục của Tahiti là một chiếc áo chùng kín mít từ cổ đến chân. Cùng với việc thay đổi áo xống, tập tục nhảy múa “ori” bị cấm, vì đó là “ việc làm của kẻ ác”. Bị cấm đoán trong hơn 60 năm, mãi đến sau khi người Pháp giành lấy Tahiti từ tay người Anh, các điệu nhảy mới được khôi phục. Lần đầu tiên người Tahiti lại được tự do nhảy múa tưng bừng trong vũ hội “Heiva”, trớ trêu thay, chính là dịp… lễ quốc khánh nước Pháp, tức là ngày 14 tháng 7 năm 1881.
Chúng tôi bước vào một cửa tiệm lớn trên phố, bảng hiệu ghi Tahiti Pearl Market. Một cô gái niềm nở nói bonjour và xưng tên là Bernadette - nếu không có những đường nét của người Maohi trên khuôn mặt thì đây hoàn toàn là một người Pháp. Bernadette, tất nhiên không quấn xà rông như các thiếu nữ Tahiti nguyên thủy, cũng không mặc loại y phục “truyền thống” của thế kỷ 19 che từ cổ đến chân. Cô mặc áo đầm tân thời, đủ để khoe vẻ đẹp của người phụ nữ Tahiti, vẫn huyền bí và hoang dã, như đã từng hiện ra trong những bức họa danh tiếng của họa sĩ Gauguin.
Trong cửa tiệm của Bernadette chỉ có một mặt hàng: đồ trang sức bằng ngọc trai đen, đủ loại, đủ kiểu. Thiên nhiên Tahiti rất đặc biệt, không phải “biển xanh cát trắng” như nhiều nơi, mà đâu cũng thấy những bãi cát đen muồi hòa lẫn dung nham của núi lửa. Những con trai nằm trong cát, ngậm cát, đã cho ra thứ ngọc trai đen nổi tiếng nhất thế giới. (Tuy một vài nơi cũng sản sinh ra ngọc trai đen, như Hawaii và một vài nơi khác, nhưng ngọc của Tahiti được mệnh danh là “South Sea black pearl” - ngọc trai đen của biển Nam, có giá trị cao hơn hẳn). Tiến vào thủ đô Papeete, du khách sẽ gặp nhan nhản những “chợ ngọc trai”, từ bình dân đến cao cấp. Ngọc trai biển Nam từ những chợ này đã lan tỏa đi khắp thế giới.
Chúng tôi trở về tàu lúc năm giờ chiều. Dù còn muốn lang thang trên những nẻo đường Papete nhưng vẫn phải về thôi, vì nhà tàu đã mời được một ban vũ nhạc dân gian đến trình diễn, ngay trước khi tàu nhổ neo rời bến. Con tàu chờ chúng tôi trong hải cảng, trên đỉnh treo cờ Tahiti phất phới (theo lệ hàng hải, khi tàu cập bến ở nước nào thì treo cờ nước ấy). Hình ảnh bến cảng buổi chiều dưới ánh hoàng hôn chợt làm tôi hình dung đến cái ngày những người Việt đầu tiên đặt chân đến Tahiti: năm 1885, quan phụ chính Nguyễn Văn Tường bị lưu đày, và năm 1911, nhà yêu nước Nguyễn Văn Cẩm được chuyển từ đảo Marquises về đây. Nguyễn Văn Cẩm, một người thông minh xuất chúng, từ năm lên tám đã được vua Tự Đức ban cho hai chữ “Kỳ Đồng” làm danh hiệu. Ông đã nhiều lần vận động xin hồi hương nhưng rồi phải sống đến hết đời nơi đất khách. Đến khi mất, ông còn giữ một cái nón lông cốc chóp bạc, là vật ông đem theo từ lúc rời nước Việt...
Cũng cùng là nạn nhân của chủ nghĩa thực dân như Việt Nam, Algeria, Marocco… người Tahiti cũng đã nhiều lần đấu tranh đòi tự chủ. Nhưng, dù được trao quyền tự trị vào năm 1977, cho đến nay Tahiti vẫn chưa hề độc lập. Tahiti vẫn được xem là lãnh thổ hải ngoại của Pháp, là “gót chân xa xôi của nước Pháp ở Nam bán cầu”, với hầu hết công dân mang tên Pháp và quốc tịch Pháp. Điều ấy chứng thực rằng ý tưởng “Không cần chiến đấu thì khi đến thời, các thuộc địa cũng sẽ tự nhiên được độc lập” là một ý tưởng rất… phi lịch sử.
Màn đêm buông xuống trên đại dương mênh mông. Sau buổi trình diễn, đoàn nghệ nhân lên xuồng nhỏ ra về, và con tàu lớn lại thầm lặng nhổ neo ra khơi. Chào tạm biệt, viên ngọc đen trên biển Nam, tạm biệt vùng đất được mệnh danh là “thiên đường hạ giới”. Với 20 phần trăm cư dân thuộc tầng lớp siêu giàu, với chủ nhân những chiếc du thuyền tư nhân sang trọng đậu gần hết nửa vịnh, Tahiti đúng là một vùng đất thần tiên. Nhưng với 80 phần trăm người dân Tahiti được xếp vào mức nghèo trên đảo, rất có thể đấy là một thiên đàng đã mất.