Đồi Vọng Cảnh. Ảnh: Đức Quang |
Thành phố di sản có những ngôi làng nhỏ. Những ngôi nhà nép dưới chân đồi Hà Khê, Vọng Cảnh, Thiên An, Ngọc Linh đẹp như tranh vẽ. Mùa xuân, ngọn đồi thấp nở đầy hoa dại. Những đám cỏ xanh trải thảm bên suối nhỏ róc rách. Tôi nhắm mắt nghe tiếng còi tàu từ xa, tiếng tà vẹt rung lên lẫn mùi khói tỏa, tất cả, tất cả khiến tôi có cảm giác như mình đã về tới ngôi làng nhỏ ở bên kia đồi. Về trong ngôi nhà của mạ. Phố và quê gần nhau thế mà mỗi lần nghĩ đến đã thấy da diết chơi vơi.
Mười sáu tuổi xa quê lên phố. Tôi váy áo, giày gót cao, bước chân lóng ngóng trên bờ ruộng thấp. Hơn nửa đời người làm kẻ nửa phố nửa quê, tới một ngày mới thấy ra bao nhiêu năm mình vẫn không thôi nhớ về nơi ấy.
- Con nhớ nghe, hãy nhìn về hướng tây, phía những ngọn đồi, dù đang ở bất kỳ nơi đâu con luôn được chở che. Hãy nhớ đường về nhà, ngôi nhà chúng ta không bao giờ đóng cửa!
Về nhà!
Âm thanh đó vang lên cùng tiếng còi tàu trong làn sương chiều xanh nhạt. Chớp mắt tôi đã thấy mình đứng trước khoảnh sân nhỏ và khu vườn xanh mướt của mạ.
- Thưa ba mạ con mới về!
Chưa kịp đặt túi xách, một tay nó choàng lấy mạ. Bếp nhà đang đỏ lửa. Mạ vẫn ngồi đó như bao năm. Mưa bụi lất phất trên vạt cải bông vàng. Bầy gà con mới nở lông tơ mượt chui đầu dưới cánh gà mẹ kêu chiêm chiếp. Ba gầy hơn mùa hè năm ngoái. Bàn tay đỡ tách trà run run.
Mạ nấu món chi mà thơm ơi là thơm. Mạ làm bánh bột lọc nhân thịt gà vằm ném - món con thích nhất trên đời. Tay lột bánh miệng xuýt xoa. Hít hà mùi khói và bồ hóng thơm thơm, mở to mắt ngó nghiêng nào mẹt ngò gai, tần ô, gừng củ ở góc này; mứt bánh đầy thẩu, dưa món, hành kiệu ngăn nắp trên kệ kia. Chợt ngồi thừ, nó nhớ bộ kiềng ám khói và những chiếc nồi úp ngửa sau trận bão năm xưa. Miền Trung xứ mình năm mô cũng lụt. Những trận lụt là dấu ấn đậm sâu trong ký ức của con. Năm đó, mạ nghiêng hũ vét 3 bơ gạo cho con đi học trường xa. Bóng mạ cúi đầu lau nước mắt trước ngọn đèn dầu tù mù làm con thắt ruột.
Những cơn mưa tháng Chạp hồi này không còn lạnh như năm nào. Hoa nở khắp những con dốc nhỏ, mùi hương trầm tỏa trong gió, vị mứt gừng cay nồng. Bữa cơm cuối năm nhà phải trải thêm đôi chiếu hoa vì năm nay con cháu của ba mạ có tới ba chục người lớn nhỏ về đón tết. Đứa học hành đủ loại bằng cấp, đứa làm ăn khấm khá, đứa công chức lương đủ qua ngày, nhưng ai cũng háo hức kể, rộn ràng khoe. Ba ngồi vấn thuốc ngó ra khoảnh sân đầy mưa bụi. Mạ rưng rưng nhắc đến ngoại và hò một đoạn trong bài ru em thuở xưa các con từng nghe. Chị kể làm chi chuyện nắm cơm độn toàn khoai sắn trong mo cau, chuyện mùi vị nồi cháo bột mì rắc rau thơm như mùi cháo gà làm ai cũng sụt sùi. Em nhắc những trận đòn một đứa bị đánh, ba đứa ngồi run vì vụ hái trộm thanh trà nhà mụ Lý... Củi nổ lách tách, tiếng nồi bánh chưng sôi sùng sục, ngôi nhà ấm thơm mùi tết, mùi sum họp.
Tôi bước ra vườn. Đêm không một ánh sao. Khu vườn, kho tàng tuổi thơ xinh đẹp và buồn bã của tôi đây.
Tôi nhớ tôi vừa đi vừa chạy qua những con dốc nhỏ. Tôi nhớ những đám mây nhỏ bé phớt hồng trên đỉnh núi xa, màu hồng thật êm, chỉ có khi bầu trời vừa rạng. Tôi thở hương nước mát giữa lớp cây lá thơm tho, trong màu xanh thẫm của ngọc lục bảo, màu những ngọn đồi.
Tay chạm vào vạt lá chuối còn ướt sương mưa. Thật lạ, lá sống hắc nhựa, đâu có được mùi thơm như mùi lá chuối ngoại gói vắt xôi và miếng thịt heo năm nào khi người đi chạp làng bên. Ông ngoại đọc những bài tập làm văn của tôi và nhất định sẽ thưởng một vài quả táo hiếm hoi từ thang thuốc ông chưa kịp sắc. Thế mà, tôi chỉ về thăm ông được mấy tiếng, rồi phải vội vàng rời đi khi ông đang ốm nặng. Hôm ấy, từ nhà ra bến tàu trời sấm chớp liên hồi, rồi đổ mưa như trút. Chưa kịp vào phòng mua vé để về phố, đã thấy cậu tôi hớt hải chạy đến: “Ông đi rồi!”. Chân khụy xuống giữa sân ga, tôi nhìn lên những ngọn non cao, khóc nghẹn.
Bao năm xa quê, đón tết giữa phố phường, nhưng khi giao thừa pháo hoa rực lên bầu trời thành phố, tôi phải tránh các con để lau những giọt nước mắt. Tôi đứng trên ban công nhìn về bầu trời mù mịt phía tây. Tôi nhớ lời ngoại, ngoại đang ở rất gần, trong mùi hương trầm, trong ngọn gió vừa rung cành mai nhỏ...
Ký ức đã vẽ nên một con đường tận thẳm sâu chúng ta luôn cất giữ. Con đường trở lại tuổi thơ - con đường về nhà! Cánh cửa thơm mùi hương cỏ non cao sẽ dẫn lối những đứa con xa.
Ngôi nhà tuổi thơ chưa bao giờ đóng cửa...