Bờ xanh của nhà vườn Huế. Ảnh: Phan Trung |
Tháng 9 vừa qua, trong chuyến công tác ở Đồng Nai, tôi có dịp tìm thăm nhà người dì ở ấp Tân Lập, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa sau hơn 70 năm dì theo chồng định cư ở đây. Miền Đông Nam Bộ vốn nổi tiếng là đất đỏ nhưng xứ bán sơn địa nơi gia đình dì sinh sống lại là đất đen, chỉ hạp với cây mít, vú sữa và các loại cây rau màu như ớt, khổ qua, dưa leo… Điều thú vị là trước sân nhà dì có một hàng chè tàu xanh được cắt tỉa thẳng tắp. Đứa em con út dì hiện kế thừa khu vườn và ngôi nhà dì dượng để lại cho biết: Những cây chè tàu này được má đưa từ Huế vào trong một lần ra thăm quê sau ngày giải phóng. Giờ má không còn nữa nhưng tụi em vẫn chăm sóc để lưu nhớ quê ngoại…
Hàng chè tàu đã gắn bó máu thịt với những người con xứ Huế, theo người dân đi lập nghiệp không chỉ ở Đồng Nai mà có nhiều ở những khu vườn của bà con ở Bình Phước, Bình Dương và các tỉnh Tây Nguyên. Bởi nên, nhiều người bảo, đi xa, muốn tìm những gia đình người Huế thì dễ lắm, nhìn nhà nào có hàng chè tàu là biết.
Tại Huế, hàng chè tàu hiện diện khắp nơi, từ phủ đệ, di tích đến vườn nhà dân. Chè tàu không chỉ làm hàng rào tạo cảnh quan cho ngôi nhà mà có công dụng cầm máu rất hay. Ký ức tuổi thơ vùng nông thôn, mỗi khi hoang chơi bị đứt da chảy máu, thường nhai lá chè tàu đắp vào sẽ khỏi; và nghe đâu còn có tác dụng làm thuốc tẩy giun, long đờm, gây nôn, lợi tiểu…
Song, cây chè tàu làm hàng rào xanh vẫn là giá trị hơn cả. Thấp thoáng trong hàng rào xanh đó là những cây hoa mộc, hải đường, nhãn, vải, măng cụt, thanh trà - các loài cây vốn nổi tiếng của xứ Huế, tạo thành bức tranh vừa gần gũi, vừa thanh tao. Không chỉ chăm chút những cây trong vườn, người Huế còn có ý thức gìn giữ những cây cối trong cộng đồng dân cư. Đó là khu rừng lộc vừng hơn 300 tuổi ở thôn Siêu Quần, xã Phong Bình (Phong Điền) được dân làng lập hương ước để bảo vệ. Đó là những cây cổ thụ nằm rải rác ở đình, chùa, ven sông, trên các cánh đồng; trong số đó nhiều cây được chứng nhận là cây di sản…
Điều thú vị là có cây thân chỉ bình thường mà trở nên nổi tiếng. Như cây vông đồng ở đồng làng Hà Cảng, xã Quảng Phú (Quảng Điền). Từ khi được đạo diễn Victor Vũ chọn làm đoạn cảnh cho “Mắt biếc” - bộ phim được chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, cây này bỗng trở nên nổi tiếng; được đổi sang gọi là cây “cô đơn”, cây “mắt biếc”, đã thu hút rất đông du khách, nhất là bạn trẻ đến check-in, chụp hình lưu niệm.
Điều khá vui khi nhiều người ở xa tìm đến cây “cô đơn” thường nhầm qua cây vông đồng nằm ở đồng Vòn thuộc làng Phú Lễ, cách đó chừng cây số, cũng đơn độc và xanh tươi không kém. Chỉ khác là con đường dẫn vào cây “cô đơn” của phim trường “Mắt biếc” là thẳng tắp thì con đường dẫn vào cây vông đồng ở đồng Vòn hình cánh cung. Đối diện bên đồng Vòn có một độn đất. Tương truyền xưa kia có một nhóm người từ đâu “nhảy dù” đến độn đất dựng nhà, làm nghề trộm cắp, phá phách, quan binh không trị được. Có một thầy địa lý cho đắp con đập hình cánh cung này, mũi tên hướng vào độn đất. Và chỉ sau vài năm, những gia đình trên độn đất ở không được, tự rời đi… Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng độn đất đó vẫn còn dấu vết của người sinh sống, con đập hình cánh cung vẫn còn và cây vông đồng vẫn xanh tươi che bóng mát cho người dân đi làm đồng mỗi khi nghỉ ngơi…
Ý thức xanh khi được tập hợp, phát động trở thành phong trào và hình thành nên những công trình xanh nổi tiếng. Cách đây hơn 30 năm, từ cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chính quyền xã Điền Hòa, Phong Điền đã lồng ghép, huy động sức dân, để thực hiện công tác bê tông hóa giao thông nông thôn. Trong đó, nổi tiếng nhất là “con đường Hạnh phúc”. Mỗi cặp vợ chồng khi cưới nhau đều tự nguyện đóng góp xây dựng một đoạn đường chính của trung tâm xã. Đến nay, “con đường Hạnh phúc” vẫn tiếp tục dài thêm, bằng sự đóng góp của hàng ngàn cặp vợ chồng tại địa phương; trở thành biểu tượng, là niềm tự hào của con dân Điền Hòa, với nền bê tông rộng rãi, ghế đá dọc hàng dừa xanh mát rượi…
Tại nhiều địa phương khác cũng xuất hiện nhiều mô hình hay trong làm đường, trồng cây xanh. Nhất là từ khi có phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, với sự hưởng ứng tham gia tích cực của chính quyền, hội cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn thanh niên… đã hình thành nhiều tuyến đường xanh, đường hoa sạch sáng; bộ mặt từ thành thị đến nông thôn đang được khoác lên màu áo mới, đổi thay từng ngày. Qua đó, đã nâng cao ý thức tự giác trong bảo vệ và xây dựng môi trường sống của người dân; góp phần quan trọng vào thành quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hôm nay. Nó được khơi gợi từ ký ức thành ý thức và hành động, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác. Điều này cũng được Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ nhận định trong một lần nói chuyện với những người làm báo trên địa bàn tại hội nghị chuyên đề: “Vai trò của báo chí trong tiến trình phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế theo tinh thần của nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị”, đầu tháng 11 vừa rồi: Tên gọi “Ngày Chủ nhật xanh” sau này có thể thay đổi nhưng ý thức xanh - sạch - sáng trong con người Huế sẽ còn mãi mãi…