Sông Hương. Ảnh: Văn Trung 

Mà cái sự lạ, quen ấy nhiều khi như một nét duyên. Như cây cầu Trường Tiền vắt trên dòng Hương thơ mộng. Ai mà chẳng thuộc đến nằm lòng câu ca: Cầu Trường Tiền sáu vài, mười hai nhịp… Mỗi lần tới Huế, nhiều khi một ngày vài bận lại qua trên cây cầu vắt cong một cách duyên dáng trên dòng Hương giang ấy. Vậy mà một sáng tinh sương, đứng trên bao lơn quãng giữa dòng sông, ngắm mặt sông mênh mang như liền một dải với rặng núi xanh xa tít phía tây mới lại thấy thêm vẻ đẹp của dòng Hương vốn đã thân quen. Đẹp đến nỗi không thể ghìm lòng, phải nhờ người chụp cho một tấm hình. Thiếu phụ mềm mại, khỏe khoắn trong bộ đồ thể thao mà tôi gặp và nhờ vả trên bao lơn một đoạn cầu Trường Tiền sáng đó, rất mau mắn khi tìm góc độ cho khách phương xa có một tấm hình thật ưng ý. Mà xem ra chính người chụp còn kỹ càng hơn cả khách. Chị bảo muốn tôi mang về Hà Nội nét đẹp của cả cây cầu, dòng sông cùng núi Ngự Bình xanh mờ phía xa trong một buổi bình minh xứ Huế. Vậy là được biết thêm, người Huế, phụ nữ Huế, bên ngoài như khép kín, cũng rất hồ hởi, nhiệt tình, sẵn lòng chia sẻ với khách phương xa tình yêu với thành phố mộng mơ của mình. Được vậy chắc cũng bởi chị cảm nhận nơi du khách chút tình cảm quyến luyến với thành phố quê hương mình.

Chợ Đông Ba cũng thật là quen, 10 người vô Huế, hết 8 - 9 ghé ngôi chợ truyền thống lâu đời, có lịch sử hơn 100 năm, được xem là một trong những biểu tượng của đất Cố đô. Nhiều khi chẳng để mua gì, chỉ là lững thững giữa những dãy hàng đủ loại mà cảm nhận mọi cung bậc của sắc màu, hương vị sản vật xứ Huế. Vậy nhưng mấy ai trong số muôn người thăm Huế biết phía sau chợ Đông Ba, lại có một chợ hoa họp trong sương sớm. Thói quen đi bộ buổi sáng đã cho tôi dịp may cảm nhận không gian có chút mờ ảo nơi chợ hoa phía bờ bắc cầu Trường Tiền bên bờ sông Hương trong màn sương như lan lên từ mặt nước, được ngây ngất trong bầu không khí buổi sớm đẫm hương của muôn loại hoa, được thấy cái dáng tần tảo của các bà, các cô chăm chút những gánh hàng hoa làm đẹp, làm sang thêm cuộc sống của người xứ Huế, vốn đã nhiều nét bặt thiệp, sang cả. Chỉ muộn chút thôi là chợ vãn, những gánh hàng hoa sẽ theo những xe chở nặng về mọi ngả của thành phố.

Thường thì đã nặng lòng với nhau, nhất cử, nhất động đều không thể bỏ qua. Huế với tôi như một người thương, bởi tôi có những người thương ở đó. Với Huế, mỗi sự vui buồn đều như chạm tới đáy của cảm xúc. Cả tháng 10, vắt qua tháng 11, Huế cùng miền Trung ngập trong mưa lũ. Mưa nhiều đến sốt ruột, đến mức thấy áy náy vì mình đang ở Hà Nội, đang hưởng tiết thu Hà Nội đẹp một cách vô tư… Không bỏ sót một dòng tin trên tivi về mưa Huế, chợt vợi bớt nỗi lo khi thấy hình ảnh du khách thích thú lội trong nước ngập để thăm Đại Nội. Cái nét lạ ấy khiến một người dân Huế nêu ý tưởng lạc quan: Nên chăng biến cái lụt thành một sản phẩm du lịch, vì Huế năm mô mà chẳng lụt. Lại nhớ nhận xét của ai đó, rằng ở Huế, đi bộ dưới trời mưa mà vẫn để quần chùng sát đất, không hề rảo bước, là người Huế đích thực. Giờ liệu có phải thêm nét lạ đáng yêu nữa, không sợ lụt, biến nó thành một lợi thế, cũng đích là người Huế?

Còn bao chuyện có thể sẻ chia quanh chuyện Huế lạ Huế quen. Mà suy cho cùng, lạ quen cũng là do cảm nhận từ tấm tình, cảm nhận nơi mỗi người. Với một thành phố như Huế lại càng vậy. Huế luôn đẹp đẽ, mộng mơ, hấp dẫn và mới lạ trong mắt những ai đã, đang yêu thương, gắn bó nơi này.

Tạ Việt Anh