Cô và trò Trường mầm non Thủy Dương (Hương Thủy) |
Đề án hướng đến mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới trường, lớp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu đến trường của trẻ em, theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế; đa dạng hóa các phương thức, nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng đạt chuẩn chất lượng giáo dục mầm non.
Sau 5 năm thực hiện, giáo dục cấp học mầm non đã có bước phát triển đáng kể. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, nhiều chỉ tiêu vượt so với tỷ lệ Quyết định 1677 đặt ra. Cụ thể, tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ đến trường đạt 39,4% (vượt 6,4%); tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi mẫu giáo đến trường đạt 93,2% (vượt 1,2%); số nhóm, lớp mầm non được học 2 buổi/ngày đạt 100% (vượt 10%); giáo viên đạt trình đào tạo từ cao đẳng trở lên đạt 96,16% (vượt 11,6%); 100% trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú tại trường đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm đáng kể. An toàn trường học đảm bảo, từ trước đến nay, chưa có tình trạng ngộ độc hay dấu hiệu mất an toàn trong nuôi dưỡng xảy ra tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác, các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn đã được xây mới 200 phòng học cùng với khối phòng phục vụ học tập, bếp ăn, nhà vệ sinh, cổng và tường rào, tạo nên cảnh quan môi trường khang trang, sạch đẹp. Việc mua sắm thiết bị đồ dùng, đồ chơi trong lớp, ngoài trời cơ bản đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các cháu khi đến trường. Kinh phí xây dựng phòng học và các phòng phục vụ học tập trên 279 tỷ đồng, kinh phí mua sắm thiết bị đồ dùng, đồ chơi khoảng 39 tỷ đồng.
Trong thời gian tới, ngành giáo dục sẽ tiếp tục huy động nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục mầm non; tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tự chủ gắn với cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình. Đồng thời, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và dinh dưỡng cho trẻ em mầm non. Đặc biệt là thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non mới, phát triển chương trình giáo dục nhà trường phù hợp khả năng, nhu cầu của trẻ, điều kiện của nhà trường và địa phương…