Phường An Cựu vận chuyển các trạm đặt ông Táo về các khu dân cư. Ảnh: P. THẮNG

Lịch sự, cung kính

Làm lễ cúng sớm, bà Phan Thị Bình, một người dân tổ 6 mang ông Táo cũ, hoa giấy đến ngã ba đường Phạm Thị Liên đặt gọn gàng vào điểm tập kết. Đây là một trong 12 “Trạm cá chép siêu tốc” trang trí thẩm mỹ đẹp mắt được chính quyền phường Kim Long (TP. Huế) “thiết kế”.

Không chỉ bà Bình, nhiều người dân khác trên tuyến đường này đều lần lượt đến “Trạm cá chép siêu tốc” đặt những món đồ tiễn đưa vị thần trông coi bếp núc. Chị Lê Thị Hồng Hạnh, một người kinh doanh gần chợ Kim Long kể: “Mình không còn cảm giác áy náy vì bỏ lăn bỏ lốc ông Táo nơi đường như trước đây. Giờ “thủ tục” đưa tiễn lịch sự, cung kính hơn nhiều. Làm như vậy vừa sạch sẽ, vừa dễ quản lý thu gom”.

Cúng tiễn ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt. Theo quan niệm dân gian, ngày này, Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời báo cáo với Ngọc Hoàng. Người Huế xem trọng căn bếp nên dù giàu hay nghèo, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, các gia đình đều làm mâm cúng tươm tất đưa ông Táo về chầu trời.

Sau lễ cúng, người dân thay mới bát nhang, quét dọn bàn thờ, đưa “ba ông đầu rau” cùng hoa giấy ra ngã ba, ngã tư, gốc cây, cột điện… gây mất mỹ quan đô thị, ô nhiễm môi trường. Việc dọn dẹp từng điểm tập trung ông Táo cũ tự phát vô tình tạo thêm gánh nặng cho lực lượng công nhân vệ sinh đô thị.

Từ 7 trạm thí điểm năm ngoái, năm nay, phường Kim Long tăng lên 13 điểm ở các tuyến đường chính, duy trì cho tới 30 Tết Âm lịch. Rút kinh nghiệm, công việc năm nay được chuẩn bị từ tháng 11 âm lịch. Thông qua các tổ trưởng, các nhóm zalo của tổ dân phố, fanpage phường, hoạt động truyền thông triển khai rộng rãi cho 4.200 hộ dân trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Thành, tổ trưởng tổ 8, Phường Kim Long nói: “Tổ tui có hơn 300 hộ dân. Thời gian trước người dân đưa ông Táo cũ bỏ lung tung nhìn phản cảm lắm. Giờ có cái trạm mới hiện đại, sạch đẹp thế này bà con ai cũng ưng bụng”.

Người dân đưa ông Táo và hoa cũ ra Trạm cá chép siêu tốc đối diện với trụ sở UBND phường Kim Long. Ảnh: LINH TUỆ

Theo ông Mai Khắc Phục, Chủ tịch UBND phường Kim Long, từ gợi ý của Bí thư thành ủy Phan Thiên Định, lãnh đạo địa phương suy nghĩ phương án nhằm khắc phục tình trạng “rác ông Táo” xuất hiện khắp nơi gây mất mỹ quan sau lễ cúng 23 tháng Chạp. Năm 2023, phường làm các trạm tiễn bằng bạt, dễ cháy, năm nay chuyển sang làm bằng tôn, trang trí thêm để tạo sự vui tươi, thu hút thị giác. Tận dụng sắt, tôn cũ, anh em dân quân tự vệ trong phường tự thiết kế và chế tạo chứ không thuê bên ngoài. Tối Giao thừa UBND phường sẽ đưa toàn bộ trạm cá chép siêu tốc này về trụ sở bảo quản.

Bà con hoan nghênh, chính quyền được khen

Năm nay, rất nhiều địa phương duy trì hoặc triển khai các điểm tiễn ông Táo về trời tập trung. UBND phường Phường Đúc bố trí 3 điểm: 214 Bùi Thị Xuân, ngã tư Tôn Thất Tùng - Lịch Đợi - Trường Đúc; cầu Lòn (cầu chui) đường Bùi Thị Xuân đồng thời nghiêm cấm bỏ lửa, than đang cháy vào thùng. UBND phường Thuận Hòa thông báo qua fanpage 5 điểm: Ngã tư Ngô Thời Nhậm - Trần Nguyên Đán, ngã ba Lê Huân - Nguyễn Thiện Thuật, cửa Nhà Đồ, cửa Hữu, cống Thủy Quan…

Xã Phú Dương có 9 thôn với hơn 2.000 hộ dân, mỗi thôn cũng đặt một trạm tiễn ông Táo. Phú Khê là thôn đông nhất xã, với 500 hộ dân. Năm 2023, thôn Phú Khê đã làm điểm và đạt hiệu quả cao.

Năm nay, ngày 21, 22 âm lịch, ông Hồ Đại Hiếu, Trưởng thôn Phú Khê đã mang loa chạy khắp thôn tuyên truyền nhắc nhở bà con đưa ông đầu rau cũ ra điểm tập trung ở cống nước mặn thôn. “Trên địa bàn xã có điểm di tích nên mấy năm trước cảnh bỏ ông Táo cũ cùng hương hoa vương vãi khắp nơi ảnh hưởng mỹ quan. Tui đi thu gom quệ luôn! Từ ngày thiết lập điểm tập trung cung nghênh Táo Quân, tui đỡ vất vả. Phong tục ở đây bà con chỉ cúng trong tối 22 và tối 23 âm lịch nên sáng 24, các đoàn thể trong thôn và tổ trưởng gom lại và xử lý theo quy định”.

 Việc đưa "ông đầu rau" ra các điểm tập trung góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng nếp sống văn minh. Ảnh: P. THẮNG

Tại phường An Cựu, đây là năm thứ hai triển khai bố trí các điểm tiễn ông Táo tập trung. Có tổng cộng 18 điểm đặt, sau lễ cúng ngày 23 âm lịch một ngày, lực lượng chức năng sẽ đi gom lại tập kết để phía công nhân vệ sinh môi trường đô thị dọn dẹp.

Ông Trần Quang Dũng, Chủ tịch UBND phường An Cựu cho biết: “Thời gian trước, bà con cứ đưa ra bỏ nhan nhản ngoài đường, phường phải hỗ trợ thêm nhân lực chứ nhìn cảnh hoa, nhang, “ông đầu rau” bừa bãi không thể chấp nhận được. Nay thì người trước nối người sau, đặt để gọn gàng, bà con hoan nghênh lắm”.

Việc đặt và thu gom các vật dụng sau lễ cúng ông Táo là cách làm hay nhận được nhiều hưởng ứng. Chính quyền phường Kim Long thông tin, năm ngoái, cộng đồng phản hồi rất tích cực, khen ngợi sự sáng tạo của phường trong lĩnh vực này. Hoạt động đảm bảo vệ sinh môi trường; tạo sự văn minh; xây dựng khu dân cư xanh, sạch, đẹp; nâng cao ý nghĩa của ngày 23 tháng Chạp.

Theo lãnh đạo TP. Huế, từ một vài phường xã làm thí điểm, nay cách làm nói trên đã lan tỏa ở nhiều địa phương, phù hợp với nét văn hoá tín ngưỡng dân gian của người Việt.

Thông qua các nhóm zalo về “Chủ nhật xanh”, “Bảo vệ môi trường”, thành phố khuyến khích nhân rộng. Qua đó, mỗi người đều chung tay xây dựng nếp sống văn minh đô thị, góp phần gìn giữ danh hiệu thành phố xanh.

GIANG HƯƠNG