Đó là các nhà báo: Jose Manuel Lopez, Antonio Pampliega và Angel Sastre đến Syria từ miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 10/7 và “mất liên lạc” kể từ ngày 12/7. Họ đang tác nghiệp trong một báo cáo điều tra chung ở phía bắc thành phố Aleppo, nơi các nhà báo khác cũng bị bắt giữ trước đây, bà Elsa Gonzalez, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí Tây Ban Nha (FAPE) cho hay.

Gia đình của 2 nhà báo Tây Ban Nha bị bắt giữ năm ngoái, cùng nhật báo El Mundo và 13 tờ báo khác đã kí tên kêu gọi tổ chức Hồi giáo Syria trả tự do cho 2 nhà báo này - Ảnh: AFP

"Hiện đang có giao tranh dữ dội xảy ra tại khu vực đó. Đối với thời điểm này, chúng ta chỉ có thể gọi đây là một vụ mất tích", bà nói thêm sau khi nhận thông tin về sự việc từ các quan chức Chính phủ Tây Ban Nha.

Một nguồn tin của Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho biết rằng: "Chúng tôi nhận thức được tình hình và đang tiếp tục làm việc để tìm kiếm thêm thông tin".

Gần đây, 3 nhà báo đã làm việc cho các phương tiện truyền thông khác nhau, trong đó có hãng thông tấn Tây Ban Nha La Razon và ABC.

Pampliega, một phóng viên chiến trường tự do sinh năm 1982, đã đóng góp không ít bài viết cho hãng thông tấn lâu đời nhất thế giới AFP trong cuộc nội chiến ở Syria năm 2013. Ông cũng từng làm việc ở các nước khác như Afghanistan, Iraq, và Pakistan.

Lopez, sinh năm 1971, là một trong các nhiếp ảnh gia cống hiến những hình ảnh chân thật nhất từ một số khu vực chiến tranh cho AFP, bao gồm các cuộc xung đột ở Syria.

Theo dữ liệu trên trang mạng của Hiệp hội Báo chí Madrid Tây Ban Nha, phóng viên Sastre, 35 tuổi, đã tác nghiệp tại các địa điểm xảy ra xung đột khác nhau trên khắp thế giới cho đài truyền hình, đài phát thanh và báo chí Tây Ban Nha.

Các tổ chức bảo vệ nhà báo trên thế giới ước tính có khoảng 30 nhà báo đang bị giam giữ tại Syria.

Lê Thảo (lược dịch từ AFP, NBCnews & The Guardian)