Du khách trải nghiệm "tắm rừng" ở Alba Wellness Resort

Chữa lành tâm hồn

Sau chuỗi những tháng ngày “gồng mình” chống dịch bệnh, những xáo trộn của công việc, sự chật chội đến ngột ngạt của chốn thị thành đô hội… nữ du khách Nguyễn Diệu Vinh, từ TP. Hồ Chí Minh quyết định “xê dịch” ra Huế để có những giây phút tìm lại bản thân mình. Nữ du khách lựa chọn một khu nghỉ dưỡng nằm dưới chân dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi tách biệt hoàn toàn với tiếng còi xe, tiếng máy xình xịch, cả tiếng rao hàng vào những đêm khuya như cắt xé những tâm hồn đang bị tổn thương…

Tại nơi lưu trú, vào mỗi sáng bình minh thức giấc, nữ du khách dậy thật sớm, đi vào rừng, thả mình giữa không gian xanh, để các giác quan cảm nhận màu xanh cây cỏ, mùi thơm từ bạch đàn chanh và cỏ dại. Nghe tiếng chim hót líu lo, cảm nhận từng cái chạm thân cây xù xì những mát lạnh. Đắm chìm trong cảnh sắc và âm thanh của thiên nhiên. Hít thở sâu và tập trung vào những gì các giác quan đang tiếp nhận. Đó là cách “tắm rừng” mà nữ du khách tham gia trải nghiệm. Những khám phá và kết nối tưởng chừng nhỏ bé với tự nhiên mà lại thật thư giãn và hạnh phúc vô cùng.

Sau 2 tuần ở Huế, ngày chia tay, nữ du khách Nguyễn Diệu Vinh bộc bạch, chị đã có khoảng thời gian quý báu để soi xét lại tất cả. Giờ nữ du khách như định tâm bản thân. Không còn suy nghĩ tiêu cực, “tâm, thân và trí” trở nên mạnh khỏe. Có lẽ là nhờ nguồn năng lượng hấp thụ được từ thiên nhiên.

Đến từ nước Đức xa xôi, khi đến Huế, du khách Ander Charlotte lựa chọn tham gia tour du lịch “tắm rừng” ở Bạch Mã do một công ty ở Huế tổ chức. Đã từng đi nhiều nơi, tham gia nhiều tour du lịch “tắm rừng”, mỗi khi đến một vùng đất mới, du khách Ander Charlotte chọn nhìn ngắm thật kỹ từ những loại cây nhỏ mọc dưới gốc như nấm, rêu, đến toàn bộ thân cây, cành cây và ghi nhớ màu sắc, hình dáng, cách cấu tạo trong tâm trí. Lắng nghe âm thanh xào xạc của lá, tiếng chim ríu rít chuyền cành, hay tiếng nước chảy tí tách từ đâu đó vọng lại, không bỏ qua một âm thanh nào dù là nhỏ nhất.

“Tôi đã đứng trên đỉnh của một con thác lớn, tháo đôi giày ra và đặt đôi chân trần xuống mặt đá, giang rộng đôi tay, hướng mặt về phía trước và hít mạnh một hơi để cảm nhận. Những luồng sức mạnh của gió, của không khí, của nước, của cây, của đất… như từ từ đi vào cơ thể. Sự cảm nhận về vùng đất này thật khác, nguồn năng lượng đó mát dịu và thật thuần khiết. Ngoài ra, trên hành trình khám phá rừng già Bạch Mã, sức mạnh của thân cây, sự mềm mại của lá, hay những viên sỏi gồ ghề đều tạo ra trải nghiệm thú vị”, du khách Ander Charlotte cảm nhận.

Ông Hylton Lipkin, Tổng quản lý Alba Wellness Resort, chuyên gia về du lịch chăm sóc sức khỏe cho rằng, các loài cây, nhất là những cây ở trong rừng có tác dụng làm sạch không khí. Khi cây tiến hành quang hợp, có thể thu hút đầy đủ khí dioxide carbon, nhả ra khí oxy. Rất nhiều loài cây trong quá trình sinh trưởng, phiến lá của nó có thể tán phát ra xung quanh chất hữu cơ có mùi thơm giống như dầu thông. Chất này có tác dụng ức chế và giết chết vi khuẩn trong không khí, chống viêm, chống ung thư, thúc đẩy tiết ra những chất điều hòa quá trình sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Không khí trong rừng cây có chứa lượng lớn ion âm có ích cho sức khỏe. Các loài thực vật còn có tác dụng thanh lọc các loại thể khí có hại và những bụi bặm, đất cát trong không khí... Chính vì thế, sau mỗi chuyến vào rừng, ai cũng có thể cảm nhận cơ thể sảng khoái hơn.

Khai thác tour “tắm rừng”

Ông Trương Thành Minh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch cho biết, trên thế giới, phương pháp trị liệu tâm lý và sức khỏe “tắm rừng” đã được khai thác thành những tour du lịch hấp dẫn. Đặc biệt sau khi dịch bệnh xảy ra, xu hướng du lịch chăm sóc sức khỏe, rời xa những nơi đông đúc, tìm đến những nơi yên tĩnh được lựa chọn nhiều hơn. Ở Huế, một số điểm du lịch, công ty lữ hành đã khai thác sản phẩm “tắm rừng”, như ở Alba Thanh Tân, tour Bạch Mã, hay A Lưới. Đây là tour hấp dẫn, được ngành du lịch xây dựng tour, tổ chức quảng bá để thu hút khách.

Là một trong ít đơn vị khai thác tour “tắm rừng”, Công ty TNHH Kết nối Huế có những chương trình đưa khách “trekking” (đi bộ), tắm suối, cắm trại dưới những tán cây râm mát, ngồi thiền… để giúp tâm, trí của du khách yên tĩnh, giúp lắng dịu cảm xúc tiêu cực, muộn phiền. Sự kết hợp giữa chánh niệm và sự hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận âm thanh của rừng, mùi thơm của cỏ cây, thưởng thức không khí mát lành và tan vào những vạt nắng lấp ló xuyên qua những tán lá.

Ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Kết nối Huế chia sẻ, qua nhiều lần trực tiếp trải nghiệm và đưa khách đi trải nghiệm, khi vào rừng, ở đó tôi tìm được những nguồn năng lượng của núi rừng. Khi đã chạm được những bảng màu kỳ diệu của thiên nhiên, chạm mùi hương của rừng, khi đó chạm để nhìn lại chính mình, không lo lắng, không đánh giá, chỉ có thấu cảm và biết ơn của hiện tại. Những giây phút “tắm rừng” đó giúp tôi nghĩ và nghiệm được nhiều điều, đưa ra những quyết định chín chắn hơn, thậm chí táo bạo trong cách nghĩ, cách làm về du lịch.

Doanh nhân Tạ Thị Ngọc Thảo, chủ nhân Tịnh cư Cát Tường Quân đánh giá, Huế là vùng đất “thiên”. Không chỉ có về các giá trị văn hóa tâm linh, mà cả thiên nhiên, giúp con người dễ thiền định, tìm thấy bản ngã của chính mình. Hình thành những điểm nghỉ dưỡng dưới chân núi, dọc hai bên bờ sông, ở đó du khách có thể thỏa sức hòa vào thiên nhiên. Ở trong những điểm đó, có những điểm để du khách ngồi thiền, để chiêm nghiệm… thì Huế sẽ thu hút được dòng khách chuyên biệt, có mức chi tiêu cao.

Mang ý tưởng hình thành sản phẩm du lịch “tắm rừng”, TS. Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế cho rằng, đó là điều cần được triển khai sớm và mở rộng quy mô. Đó như là một “cánh cửa” mà khi mở ra sẽ giới thiệu đến bạn bè du khách mọi nơi về điểm đến có cảnh quan thiên nhiên vô cùng đa dạng, chứa đựng những huyền bí sâu xa. Du lịch Huế hãy mở từng “cánh cửa”, từ văn hóa, di sản, con người, phong tục tập quan, đến cảnh quan thiên nhiên… để thấy một xứ Huế đẹp và chất chứa những tinh túy, mà khi đã chạm được sẽ là trí tuệ, sức khỏe và con người.

Đức Quang