Vọng Hải Đài trên đỉnh Ngựa Trắng. Ảnh: Hoàng Hải 

Hơn 700 năm đã trôi qua, đất trời đã bao độ xuân hạ thu đông rồi lại xuân, người thiên thu đã đi về bao cõi, nhưng không hiểu sao, cắt nghĩa về cái tên này, vùng đất này, vẫn luôn một màu bãng lãng sương khói khôn nguôi. Huế là mảnh đất ở để mà thương, đi để mà nhớ. Người muốn vẫy vùng chốn ba đào chưa bao giờ chọn Huế là nơi khởi nghiệp, nhưng bôn tẩu dặm trường, lúc tóc ngả hoa niên, vẫn thường chọn một câu chuyện ngậm ngùi ở mảnh đất này để có chốn nương về làm nơi hoài niệm.

Tôi gọi Huế là thành phố cất giấu những nỗi niềm.

Có lẽ, cũng bắt đầu từ câu chuyện một bước đổi giang sơn của nàng Huyền Trân Công chúa, rồi sau đền nợ nước non, mảnh đất này lại duyên nợ cùng bà, gắn tên bà vào những nỗi niềm mưa nắng, nên khi nghĩ về Huế, người ta thường gắn một tính nữ vào mảnh đất này. Tôi đã có một đêm ngồi trên sông Hương bên những bậc cao tuổi đất đế đô, ghé chiếu trộm nghe luận bàn về một bức tượng thánh nữ. Một nhà Huế học tên tuổi đã đề xuất làm sao để có bức tượng Huyền Trân như một biểu trưng tính nữ Huế khắc lại và lưu truyền? Khi những tâm hồn Huế đang tha thiết cùng nhau một biểu tượng Huế, thì một mùi hương vang lên. Bất ngờ, dìu dịu, ngọt nhẹ nhàng nhưng đủ để lay động khứu giác của một người đa sầu đang được vỗ về trong tiếng đàn lạnh đêm Huế ngân nga. Tôi khẽ nhắm mắt và hình ảnh một mái nhà đổ nghiêng thảm lá rêu phong trên ngọn núi xa xôi mây trắng hiện về. Mùi của những trái vả chín nẫu trong đêm trường. Mùi của say mê đằm đẹ dịu dàng tính cách Huế. Mùi của chát chua cam chịu. Mùi của đắng đót nỗi niềm. Mùi của cơ hàn hôm nay trỗi lên trong buổi tiệc màn đêm hiền hòa thơ mộng. Tò mò tôi khẽ nghiêng mắt ngó qua đôi tay điệu nghệ của người rót rượu. Thì ra đó là một loại vang ủ từ trái vả trong căn hầm lạnh bốn mùa ủ mây trên núi Bạch Mã huyền thoại của chúng ta.

Chao ôi, ngọn núi đó có chi mà con người tài hoa Huế của một thời trước đây đã gọi tên lấp lánh trong trang tùy bút đánh dấu vàng son chữ nghĩa? Ngọn núi ảo ảnh phải chăng bởi trong tâm hồn con người nhiều mộng tưởng đó luôn chan chứa tinh anh nhân loại thu về khiến cái nhìn chỗ nào cũng lộng lẫy lên một bậc của tri túc? Hậu thế tôi rong ruổi từ thuở hai mươi đến nay gần ba mươi năm, từ bước chân thơ dại đặt theo lối mòn lên núi từ những ngày tháng sinh viên đến giờ, mỗi năm, có dịp, luôn tìm lên đây như một chuyến hành hương tâm tưởng, nhưng chưa bao giờ nguôi nỗi khát khao về một điều gì đó không thể gọi tên, một huyền thoại đăng sơn người xưa để lại.

Vào một ngày mưa tháng sáu, tôi nhận được lời mời từ người bạn vong niên, là một võ sư đáng kính cùng tham gia chuyến luyện quân phong huyền đai trên đỉnh non cao được tổ chức hằng năm. Một chuyến đi xác lập lại một lần nữa, võ sinh ấy, sau buổi thi lên đai, có đủ tâm, đức, trí, dũng để được chính tay Sư trưởng của mình thắt lên chiếc đai đen minh chứng cho tâm thân trưởng thành của một môn sinh đúng nghĩa hai chữ thiêng liêng Trí Dũng. Nhận lời mời cũng là lời thách thức, rằng cô giáo văn chương mơ mộng mây trời có biết bước chân chạm vào nền nhựa đường mấp mô men theo sườn núi đếm từng bước chân theo đoàn quân từ tờ mờ sáng với chiếc ba lô nặng trĩu tư trang trên lưng, có đủ sức lên non cùng mây tận để chiêm bái vầng mây ngũ sắc vắt ngang đầm phá thênh thang dưới kia hay không?

May thay cung đường gian truân, cũng là cung đường thơ tuyệt vời nhiều tàng lá cây xanh um tình sử, đã chở che đoàn quân một trăm tám mươi đôi mắt trẻ, đôi môi hồng và trái tim thắm tươi hớn hở bước lên xanh, theo từng tiếng hô nhịp nhàng lúc đi, lúc nghỉ, lúc nhanh, lúc chậm, lúc ân cần dìu dắt, lúc uy lực nghiêm cẩn… khiến hai mươi mốt cây số từ chân núi lên đỉnh non cao sau 6 tiếng hành quân đã được tề tựu đông đủ trong mảnh rừng bình an núi thẳm. Rừng uy nghiêm bỗng chốc ran ríu tiếng nói cười, dạ thưa của những con người thanh tân, đùm bọc yêu thương cho hành trình hai ngày hai đêm thử thách sinh tồn giữa đại ngàn xanh thắm. Nơi đây, tôi đã nghe tiếng KIAI vang lên dưới vách thác Đỗ Quyên hòa vào dải lụa nước trắng xóa đổ xuống tự trời xanh. Đời người, nếu có những phút giây nào huyền diệu, tôi đồ rằng, tôi đã từng được đắm mình vào một trăm tám mươi dải mây trắng tinh khôi dưới chân thác Đỗ Quyên, thở chung mùi hương thạch xương bồ đổ về từ trời xanh, ngắm chung ánh mặt trời chan chứa yêu thương xanh miền hoang liêu cô tịch của bóng đào hoa năm xưa nay còn vương lối.

Phút giây đó, tôi nhận ra Huế tự ngàn xưa hôm nay vẫn vậy. Dịu dàng mà mãnh liệt. Hiền hòa mà cương nghị như một tiếng dạ dứt khoát của con nước trong giông chiều đổ xuống thác Đỗ Quyên. Và trên con đường sương mai đẫm trên lối cỏ, một mình thơ thẩn nhàn du trên lối lên Vọng Hải Đài, đôi mắt tôi chợt sững lại giữa thinh không khi bắt gặp ẩn sâu dưới lớp vỏ cây xù xì nâu sẫm là bức tượng Ngài Phổ Hiền Bồ Tát ngồi hiền từ, lưng dựa vào núi, mắt nhìn chúng sinh, tay nạm hoa sen mỉm cười độ lượng. Đôi mắt định tuệ thấu suốt ngàn sâu không biết đã từng ngồi đó bao lâu, nhưng trong buổi chiều khi tôi đắm chìm vào từng sợi mưa xuyên tâm ấy, tôi nghe âm thanh Huế đã KIAI để trỗi lên khúc nhạc ngày mới bắt đầu từ hạt mưa rơi qua Vọng Hải Đài.

Đông Hà