Một ca phẫu thuật ghép thận tại BV Trung ương Huế. Ảnh: Thượng Hiển |
Điều diệu kỳ xảy ra
Trong căn nhà nhỏ ven biển Quảng Điền, cô bé Gấu ôm mẹ đòi chơi chung trò chăm em bé. Mẹ Gấu đem mấy con búp bê, áo quần, chén bát bày trò cùng con. Gấu thỏ thẻ: “Mẹ mau có em bé để con chăm em nhé! Con thích em bé lắm”! Chị N.T.M. (SN 1994) mỉm cười xoa đầu con: “Con chờ mẹ khỏe rồi mẹ sinh em nhé”!
Tiếng gió rì rào từ rừng dương hòa tiếng con chơi tíu tít khiến chị cảm thấy vui trong lòng. Đi qua chuỗi ngày giông bão cùng gánh nặng bệnh tật, với chị, những điều nhỏ nhoi trong cuộc sống nay trở nên ý nghĩa vô cùng. Nằm mơ, chị M. không nghĩ mình được ghép thận từ một người hiến chết não. Giã từ cảnh bám bệnh viện chạy thận, giờ đây, chị có thể chăm con, chợ búa, làm việc nhà phụ giúp chồng và cha mẹ. Một công việc bình thường với bao người phụ nữ khác nhưng là niềm mong mỏi của một bệnh nhân từng suy thận như M. “Mình thật may mắn khi nhận được thận hiến tương thích. Sau ghép thận, mình thấy khỏe hơn, ăn được, ngủ được, tăng thêm 10kg. Quả là một phép màu. Sức khỏe dần ổn định, mình sẽ lên kế hoạch để Gấu có thêm em”!
Ba năm trước, chị M. phát hiện suy thận khi đang làm công nhân ở miền Nam. Chị nhớ lại: “Nhận tin từ bác sĩ, bầu trời như sụp đổ, vợ chồng mình mang con gái 4 tuổi trở về quê nhà nương tựa ông bà và chạy thận duy trì sự sống. Mỗi tuần mình chạy thận hai lần, sau đó tăng lên ba lần. Tay đầy vết kim tiêm, huyết áp thay đổi, người luôn trong trạng thái mệt mỏi. Quãng thời gian đó thật ám ảnh”!
Thế rồi điều không ngờ đến với chị M. Đầu tháng 6/2022, gia đình của nam bệnh nhân 33 tuổi điều trị tại Khoa Gây mê hồi sức của BV Trung ương Huế có nguyện vọng hiến thận. Chiều 5/6/2022, từ nguồn tạng hiến, BV Trung ương Huế thực hiện cùng lúc hai ca phẫu thuật ghép thận cho hai bệnh nhân có chỉ số phù hợp. Chị M. là một trong hai người may mắn ấy.
Anh N.P.H., đại diện gia đình người hiến tạng (hiện đang sống tại Huế) cho chị M. kể: “Em trai tôi vốn là một thợ tiện hiền lành. Khi em ấy nằm xuống, gia đình có nguyện vọng hiến thận. Các thủ tục hoàn tất ngay sau đó. Hai người nhận thận và phẫu thuật thành công. Thi thoảng lên Huế tái khám, M. ghé đến nhà thắp hương và thăm hỏi gia đình. Chúng tôi xem như mình có thêm một người em”.
Một thanh niên khác may mắn không kém chị M. là anh N.M.Th. (SN 1992) người Quảng Nam. Cuối tháng 8/2023, anh Th. đang ở nhà chăm con. 4 ngày chưa kịp chạy thận, chỉ số u rê cao, người anh thấm mệt. Nhận được cuộc gọi từ BV Trung ương Huế báo có người hiến thận chết não tương thích, anh Th. quên cả đau, lên xe tức tốc. Gần 24h đêm ra tới Huế, hôm sau anh đã sẵn sàng vào phòng phẫu thuật.
Ba năm suy thận mạn, chưa tìm ra nguồn thận ghép, như bao bệnh nhân khác, anh đăng ký nhận thận hiến tại Trung tâm Ghép tạng BV Trung ương Huế, lòng ấp ủ điều kỳ diệu sẽ xảy ra. “Tất cả chờ vào vận may. Nó cũng tựa như mình trúng số vậy”, anh Th. ví von. “Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật ghép thận, xung quanh toàn dây dợ, máy móc song cảm giác rất khác lạ, người mình nhẹ tênh, không thấy chút đau đớn nào. Đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Bất chợt mình chảy nước mắt vì thương cho ân nhân và gia đình người hiến tạng”, anh Th. hồi tưởng. Giờ đây, anh Th. sống ổn định với công việc kinh doanh xe máy, giúp vợ chăm sóc, đưa đón con.
“Thắp lên ngọn lửa hy vọng”
Trong kho tư liệu quý của BV Trung ương Huế, chúng tôi vô tình gặp tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ của ca ghép thận đầu tiên tối 31/7/2001. Trong ảnh, cố GS. Lê Thế Trung (nguyên Giám đốc Học viện Quân y), GS. Phạm Mạnh Hùng (nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế) và GS. Phạm Như Thế (nguyên Giám đốc BV Trung ương Huế) ngồi bệt dưới nền nhà phòng hậu phẫu, khuôn mặt căng thẳng dõi theo từng giọt nước tiểu đầu tiên của bệnh nhân qua ống dẫn lưu.
Nhớ lại khoảnh khắc này, GS. Phạm Mạnh Hùng kể: “Gần 10 năm trước, cố GS. Lê Thế Trung hỏi tôi rằng dưới cái nhìn của nhà khoa học trẻ, muốn phát triển Học viện cần phải làm gì? Tôi không ngần ngại đáp nên ghép thận, bởi đó là kỹ thuật khó và là đỉnh cao trong phẫu thuật y khoa. Vì vậy, khi BV Trung ương Huế triển khai ca ghép thận sống mẹ hiến cho con đã mở ra một bước ngoặt lớn. Đây là đơn vị thứ ba “ghi danh” vào bản đồ ghép tạng Việt Nam”.
Kể từ ca ghép thận đầu tiên, 22 năm qua, lĩnh vực ghép tạng của BV Trung ương Huế có nhiều phát triển vượt bậc. Số ca ghép thận đã chạm mốc 1.500, riêng năm 2023 thực hiện gần 200 ca, cao nhất từ trước đến nay. Kỹ thuật ghép thận đã tiến đến ghép thận 2, 3, 4 động mạch hoặc tĩnh mạch, ghép thận tự thân. BS. Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng, BV Trung ương Huế thông tin: “Điều đặc biệt trong Hội đồng y khoa ghép thận của bệnh viện có sự hỗ trợ của cơ quan chức năng. Bệnh nhân ghép thận đến từ khắp nơi trong cả nước. Danh sách chờ ghép còn nhiều, trong khi số lượng thận hiến có hạn, đó cũng là trăn trở hiện nay của trung tâm”.
Ghép thận là lĩnh vực mũi nhọn của BV Trung ương Huế, như đầu tàu kéo theo nhiều chuyên ngành y học cùng phát triển, hỗ trợ lẫn nhau: Thận học, miễn dịch học, mô phôi học, phẫu thuật thực nghiệm, gây mê, hồi sức, sinh hóa... Tỷ lệ sống sau ghép thận đạt gần 100%. Ngoài tích cực đẩy mạnh lĩnh vực ghép thận tại BV Trung ương Huế, Bệnh viện đã chuyển giao, hỗ trợ kỹ thuật ghép thận cho BV Đà Nẵng, BV Nguyễn Tri Phương (TP. Hồ Chí Minh), BV tỉnh Nghệ An…
Để đánh giá năng lực, vị thế của một trung tâm ghép tạng, giới chuyên môn thường dựa vào bộ ba ghép tim - gan - thận. BV Trung ương Huế là một trong ba trung tâm ghép tạng lớn nhất của cả nước, triển khai ghép tạng thường quy, chuyên nghiệp, số ca ghép thận nằm trong tốp đầu cả nước. GS.TS.BS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc BV Trung ương Huế khẳng định: “Hướng đến xây dựng BV Trung ương Huế trở thành Trung tâm Y học cao cấp, Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực y tế chất lượng cao, tiến tới đạt chuẩn các bệnh viện khu vực Đông Nam Á và Quốc tế, đơn vị tiếp tục đào tạo đội ngũ cán bộ y tế phục vụ cho công tác ghép tạng chuyên nghiệp, chính quy, bài bản, đẳng cấp. Bên cạnh đó, bệnh viện đã, đang nỗ lực truyền thông trong cộng đồng về hiến tạng cũng như góp ý điều chỉnh Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. Khi nhận thức của người dân được nâng lên, hành lang pháp lý tiệm cận thực tế, nguồn tạng hiến tăng sẽ thắp lên hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân suy tạng”.