Hình ảnh tư liệu vua Bảo Đại được kiệu ra từ điện Cần Chánh. Ảnh: Nhân vật cung cấp 

Điều chỉnh bản vẽ “công trình trọng điểm quốc gia”

Trong không gian êm đềm, du dương của trà ấm và nhạc trữ tình, Phong nhắc nhiều về Cần Chánh. Đây là ngôi điện có kết cấu gỗ lớn và đẹp nhất trong Tử Cấm Thành. Điện được xây dựng năm Gia Long thứ 3 (1804) và được tu sửa nhiều lần trước khi bị cháy năm 1947. Hiện nay, kế hoạch phục hồi điện Cần Chánh đang được thực hiện. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia về bảo tồn di sản văn hóa.

Điều đáng nói, từ những chi tiết chân xác và khoa học, kèm thêm kho ảnh tư liệu sau khi số hóa làm rõ, Phong và nhóm cộng sự đã phát hiện trong hồ sơ bản vẽ công trình phục hồi điện Cần Chánh với sự hỗ trợ nghiên cứu của người Nhật trong vòng 30 năm, có nhiều điểm không đúng với tư liệu ảnh lịch sử. Từ đó, nhóm nêu bật 16 điểm phản biện, từ trang trí, kiến trúc… đến cấu kiện có thể thay đổi diện mạo của Cần Chánh, thuyết phục được hội đồng duyệt bản vẽ dự án tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế gia hạn thêm thời gian để xác thực. Ngay lúc này, Phong nhắn tin vui: “Người Nhật làm một mô hình về điện Cần Chánh hiện trưng bày ở Duyệt Thị Đường có rất nhiều điểm chưa đúng. Chính những điểm chưa đúng nghiêm trọng này đã dẫn đến thay đổi kiến trúc của Cần Chánh so với nguyên bản. Em đã tiếp cận bản vẽ mới. Mọi thứ đã hoàn hảo và hoàn toàn do người Việt chúng ta hiểu được và vẽ…”

 Phong phân tích thông tin từ ảnh tư liệu.  Ảnh: Nhân vật cung cấp
 

Phong phân tích, vua ngồi trên kiệu từ bên trong Cần Chánh, được kiệu ra ngoài theo đường trung đạo để vào Thái Hòa từ hậu điện. Chính vì vậy mà cột hiên của điện Cần Chánh có chiều cao rất lớn, và chiều cao của cửa cũng cao hơn hẳn những công trình đang hiện hữu. Những thông tin ấy được Phong và nhóm cộng sự tính toán và đưa ra dựa trên 3 cơ sở quan trọng: Chiều cao của chiếc tranh gương (một trong ba cổ vật duy nhất được xác định là xuất xứ từ điện Cần Chánh, hiện đang ở Hữu Vu, Đại Nội); chiếc kiệu gánh vua Khải Định đi ra từ điện Cần Chánh (còn hiện vật gốc) và tranh gương từng được trang trí trong Cần Chánh (ảnh tư liệu cho thấy). Thêm nữa, nếu theo bản vẽ của người Nhật thì hình dáng ô cửa sổ trong mặt hông sẽ mập và lùn hơn so với tư liệu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này bắt nguồn từ chiều cao quá thấp của dãy cột hiên ở tiền điện, trong khi tư liệu chứng thực được lại cho thấy dãy cột hiên ở tiền điện Cần Chánh cao hơn nhiều. “Riêng với điện Cần Chánh, nhóm của Phong hoàn toàn có đủ cơ sở khoa học để đảm bảo cung cấp các chi tiết chân xác đến từng… con ốc vít trả về cho ngôi điện này. Với những tư liệu được làm rõ, những phân tích, kết luận, tụi em hy vọng sẽ chung tay cùng đơn vị liên quan trả lại được cho Cần Chánh một diện mạo hoàn chỉnh nhất theo nguyên bản lịch sử”, Phong nhấn mạnh.

Cảm ơn vì đã “mở lòng”

Nhóm của Phong gồm Phong và 6 cộng sự, ở Huế và TP. Hồ Chí Minh. Mỗi người có một công việc riêng, nhưng gặp nhau ở niềm đam mê chung - khai thác, phân tích tư liệu và “mê ảnh tư liệu hơn mê vàng”. Để có được những bức ảnh tư liệu quý giá, nhóm của Phong hầu như online 24/7 “canh” đấu giá. Thấy có tư liệu ảnh liên quan đến Huế, cả nhóm cùng phân tích mức độ quý hiếm của ảnh rồi đăng ký mua. Nếu quá khả năng mua thì tìm cách liên hệ với chủ nhân trúng đấu giá để xin xem ké, nhưng việc này vô cùng khó khăn. “Vừa qua, tụi em đã chuyển cho đơn vị quản lý di tích một bức ảnh tư liệu màu về điện Cần Chánh, thuộc hàng “quý nhất hành tinh” và một thước phim ngắn. Giá trị vô cùng ý nghĩa của các tư liệu này ở chỗ sẽ cho hậu thế biết rõ màu gạch được dùng để lát nội điện Cần Chánh, màu của các bức hoành và những chi tiết khác được trang trí ở nội điện… Từ những cơ duyên tuyệt vời để có thể tiếp cận được nguồn ảnh tư liệu quý như thế này khiến nhóm em cảm nhận như được “các ngài ưu tiên giao phó”. Bởi rứa, đã có người gọi em là “người của ôn mệ””, Phong lém lỉnh.

Rồi Phong kể về cơ duyên lần đầu tiên trở thành “người của ôn mệ” – cách nhiều người vẫn “nhìn” Phong mỗi khi anh thể hiện niềm đam mê không giới hạn với việc phân tích ảnh tư liệu và phản biện lại các luận cứ nghiên cứu chưa thuyết phục. Ấy là một buổi chiều Phong ghé Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để tặng một bức ảnh lớn chụp Nam Phương hoàng hậu được xử lý số hóa từ một tấm ảnh gốc chỉ cỡ bằng 3 ngón tay được mua về từ Pháp. Tại đây, Phong được anh Hoàng Việt Trung – Giám đốc Trung tâm, mời tham dự cuộc họp bàn phê duyệt hồ sơ bản vẽ tu bổ, phục hồi điện Cần Chánh đang diễn ra. Kết quả, bằng những thông tin từ ảnh tư liệu, Phong đã phản biện lại nhiều điểm trong bản vẽ đang được trình thảo luận, để rồi bản vẽ được gia hạn thêm thời gian để… bổ sung thông tin.

Rõ ràng, không phải ai cũng dễ dàng nghe phản biện? Đúng – Phong đáp gọn. Và Phong lặp lại điều tâm đắc: Điều quan trọng nhất là sự lắng nghe của người chịu trách nhiệm quản lý di tích. Không thì chịu. Nếu không có “cái duyên” của buổi chiều tặng ảnh ấy, khả năng rất lớn là việc trùng tu điện Cần Chánh sau khi hoàn thành sẽ được “trả về” một điện Thái Hòa thứ hai, trong khi hai ngôi điện có chức năng, kiến trúc hoàn toàn khác nhau.

Đam mê ảnh tư liệu và làm chủ được công nghệ, Phong thấy thật may mắn khi đến thời điểm này nhóm đã có những bức ảnh tư liệu về nhiều công trình đã mất, như: Đại Cung Môn, các công trình như điện Khâm Văn, lầu Thưởng Thắng, Hải Tĩnh Niên Phong Các trong khu Cơ Hạ (Đại Nội), lăng Thoại Thánh, Cửu Tư Đài… Thậm chí, nhóm còn có thể tự tin là đã có đủ tư liệu để phục vụ công tác trùng tu hầu hết những công trình thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế dự kiến được trùng tu trong giai đoạn 20-30 năm nữa. “Chỉ cần đơn vị quản lý di tích “mở lòng” cho cơ hội tiếp tục tham gia, thì tụi em sẵn sàng tương tác và chia sẻ những gì đang có”, Phong chắc chắn.

Gọi nhóm của Phong là “những người trẻ nhưng khiến người khác thấy lạ”, anh Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế rất cảm phục sự đam mê và lòng yêu quý di sản mà những người trẻ ấy thể hiện. Anh bảo, công tác trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế rất cần các nguồn ảnh tư liệu - nhất là những hình ảnh được người Pháp chụp và lưu giữ từ thời Pháp thuộc. Thật may là hiện nay Phong và nhóm cộng sự đang rất chịu khó để tìm kiếm, kết nối và hỗ trợ thông tin cho hoạt động trùng tu di tích của Trung tâm.

Ngô Lê