Chị Trà My (bên phải) giới thiệu với khách hàng về những tính năng của sản phẩm làm từ khế chua |
Lạ mà mộc
Khi đọc tên trong danh sách những ý tưởng, dự án tham gia Cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) tỉnh năm 2023, nhiều người khá tò mò với những sản phẩm tẩy rửa vệ sinh cá nhân được chiết xuất từ quả khế chua của Myy Nature. “Sản xuất nước giặt đồ lót sinh học Myy Nature cho trẻ em từ quả khế chua - Hành trình để phát triển bền vững” là tên đầy đủ của dự án khởi nghiệp mà Công ty TNHH MTV Sản phẩm thiên nhiên Trà My trình làng tại cuộc thi năm nay.
Chị Nguyễn Thị Trà My, chủ nhân dự án khởi nghiệp đúng chất “sáng tạo”, “mới lạ” này có lẽ là một startup gây sốc vì dám liều lĩnh dùng khế chua để làm ra bộ sản phẩm tẩy rửa gia dụng sinh học mà dường như chưa từng ai nghĩ tới. Dám chắc là người đầu tiên dùng enzym khế chua để chế ra các loại nước tẩy rửa sinh học là vì trước khi lao vào thử nghiệm công trình này, chị Trà My dò tìm khắp các kênh dữ liệu, khảo sát thị trường trong Nam ngoài Bắc mà thông tin về “khế” hoàn toàn trống rỗng. Có chăng chỉ được biết đến sản phẩm rượu vang và mứt được làm từ khế.
Để có được sản phẩm từ enzym khế, chị My kế thừa từ những kết quả nghiên cứu trước đó về enzym bồ hòn, từ hướng dẫn đề tài sáng tạo khoa học kỹ thuật cho học sinh. Nhưng muốn tạo ra một sự khác biệt phục vụ thiết thực cho cuộc sống, chị Trà My nghĩ đến quả khế chua, loại quả mà người dân thôn quê vẫn thường dùng để khử mùi tanh khi làm bếp... Và cũng từ tham vấn ý kiến đồng tình của một số chuyên gia, nhà khoa học đã khích lệ, thôi thúc chị xoay sang hướng đi mới từ loại quả này.
Trước ngày đăng ký tham gia Cuộc thi KNĐMST cấp tỉnh năm 2023, chị Trà My cùng các cộng sự đã trải qua hơn 1 năm nghiên cứu, thử nghiệm và cho ra đời nước tẩy rửa từ enzym khế chua làm chị rất ưng ý. Qua test thị hiếu khách hàng, nước giặt, nước tẩy rửa Myy Nature từ khế được người tiêu dùng đánh giá tốt, thích dùng và “chiều lòng” được ngay cả khách hàng khó tính vì những ưu điểm nổi trội. Ngang ngửa gần với bồ hòn, nhưng các sản phẩm làm từ khế chua lại rất mộc, thuần thiên nhiên, thơm hơn, mùi hương dễ chịu hơn và quá trình ủ nhanh lên men hơn, cho màu nước đẹp hơn... Thực ra, khế chua đã được dùng để làm rượu vang xuất sang Pháp, sang Mỹ và làm mứt khế. Chính ưu việt nổi trội là cho mùi hương dễ chịu, nên khi đưa enzym khế vào pha chế cùng với các loại tinh dầu như tràm, sả, vỏ bưởi... với lưu lượng tương tự như phương pháp pha chế enzym bồ hòn thì sản phẩm vẫn lưu giữ nguyên đậm mùi tinh dầu mà không bị làm loãng, bị trung hòa mùi hương.
Khâu pha chế và trộn đều để cho ra sản phẩm |
Với sứ mệnh “kiến tạo cuộc sống xanh”, Myy
Nature đã cho ra thị trường nguyên một hệ sinh thái sản phẩm tẩy rửa gia dụng sinh học gồm nước rửa tay, rửa chén, nước giặt làm từ enzym khế và các dòng mỹ phẩm gồm dầu gội, sữa tắm từ dược liệu thuần tự nhiên. Mỗi dòng sản phẩm như nước giặt dành cho em bé được công ty nghiên cứu thêm các tính năng mới như pha thêm tinh dầu giúp đuổi muỗi, diệt khuẩn; nước giặt đồ lót có tính kháng khuẩn, kháng nấm; nước rửa chén có dòng thường và dòng cho bé sơ sinh...
Enzym khế bắt đầu hình thành sau thời gian ủ |
“Vàng đó chứ mô”
Là người “ngoại đạo” với lĩnh vực hóa sinh, nhưng cô giáo Trà My từ một giáo viên dạy tiếng Anh lại chuyển sang theo đuổi con đường kinh doanh kiêm nhà sản xuất. “Khởi nghiệp từ “0 đồng”, 3 năm trước, mình đi vay mượn được 300 triệu đồng để đầu tư máy móc, nhà xưởng, nguyên liệu, showroom bày bán sản phẩm. Rồi có đồng nào mình đều rót vào “đứa con đẻ” một tay gầy dựng. Dần dà cơ sở có thêm nhiều công năng để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, đóng gói, công nghệ số... và nhất là cho mình trải nghiệm, sáng tạo để cho ra các dòng sản phẩm từ khế chua”, chị Trà My tâm sự.
Giờ đi đâu, hễ thấy khế chua là chị My nói đùa mà thật: “Vàng đó chứ mô!”. Chị My thừa nhận quả khế chua có nhiều ưu điểm, lợi thế hơn hẳn so với các loại nguyên liệu khác. Đó là vùng nguyên liệu nằm rải rác khắp trên đất Huế, giá rất rẻ, mỗi kg chỉ từ 5.000 - 10.000 đồng, có khi còn được cho không vì khế đã chín rụng. Trong khi quả bồ hòn nếu thu mua tại vựa ở các tỉnh phía Bắc đã là 40.000 đồng/kg chưa kể phí vận chuyển, nếu mua ngoài thị trường có lúc 70.000 đồng/kg. Qua tính toán của chị My, với 20kg khế chua cộng thêm các thành phần như đường sẽ cho ra 100 lít enzym. Từ 100 lít enzym này cộng thêm các thành phần sinh học theo công thức cho ra khoảng 160 lít sản phẩm.
So với các dòng sản phẩm mỹ phẩm, tẩy rửa sinh học trên thị trường thì giá thành của Myy Nature không cao hơn, thậm chí có thể thấp hơn so với một số sản phẩm trong, ngoài nước được làm từ enzym dứa, enzym bồ hòn, enzym cà chua, men gạo... nhưng chất lượng được người dùng đánh giá cao. “Vừa rồi các dòng sản phẩm nước tẩy rửa từ khế chua của mình thâm nhập vào một số nhà hàng, khách sạn ở Huế và họ “mê” lắm nhé!”, chị Trà My vui mừng khoe. Thành quả ban đầu này càng tiếp thêm động lực để chị theo đuổi đam mê tự “xắn tay áo”, làm CEO, làm marketing và làm startup để đưa hệ sinh thái sản phẩm tẩy rửa gia dụng sinh học Myy Nature vươn ra nước ngoài và phát triển bền vững.
Để đi xa hơn, ngoài tính đến liên kết với các hợp tác xã để chủ động vùng nguyên liệu, chiến lược thị trường của Myy Nature sẽ tập trung vào ngách cao cấp mà đối tượng là phụ nữ, mẹ và bé. Vì sứ mệnh của Myy Nature là muốn giúp phụ nữ tự tin về chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho bản thân và gia đình. Thêm một điều mà chị Trà My khao khát để biến giấc mơ “khế chua” thành “quả ngọt” là tìm được nhà đầu tư thiên thần để cùng Myy Nature lan tỏa sản phẩm, lan tỏa giá trị “mộc” đến với người dùng thông thái, ưa chuộng thiên nhiên.