Khu vườn đậm nét Huế ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh: Trung Phan |
Xuân trong vườn ngự
Trong Hoàng thành Huế, cùng với việc xây dựng cung điện là việc xây dựng các vườn thượng uyển, hay còn gọi là vườn ngự. Vườn ngự đánh giá cây cảnh dựa vào bốn yếu tố Cổ - Kỳ - Nhã - Ý. Cổ là tuổi của cây, càng già lão càng quý. Kỳ là dáng vẻ cây, càng kỳ lạ càng hiếm quý. Nhã là phong cách của cây, càng quý phái càng quý. Ý là thần thái toát lên cái ý vị, hương hoa của cây. Cây kiểng vườn ngự thể hiện tư tưởng của con người sống hài hòa với thiên nhiên, nên không cắt sửa, uốn tỉa cầu kỳ. Đây cũng là điểm khác biệt của cây kiểng cổ Việt Nam so với thế giới, là điểm nhận diện sự khác biệt của vườn ngự Huế.
Điều thú vị là bên trong vườn ngự, các vua Nguyễn còn cho trồng nhiều loại cây ăn quả dân dã như xoài, nhãn, mít, chuối,... và có cả những cây kê, cây bắp... Đây chính là yếu tố thể hiện tinh thần trọng nông. Dịp Tết, sau lễ thượng nêu, hương hoa từ các khu vườn trong cung dậy nên một mùi hoàng phái tao nhã. Trong một bài thơ về vườn Thiệu Phương, Vua Thiệu Trị viết: “Cơ hạ hài xuyên vạn tự lang/ Hoa minh hương nhạ ái thiều quang/ Ðông quân hữu ý cung thanh thưởng/ Vạn tử thiên hồng tiếp tục phương” (Dịch nghĩa: Rảnh rang đi xuyên qua hành lang chữ Vạn/ Dưới ánh nắng xuân hoa rực rỡ tràn ngập hương thơm/ Ðông quân có ý cho ta thưởng ngoạn/ Muôn hồng ngàn tía mãi mãi truyền hương thơm).
Từ thời Minh Mạng đến Thiệu Trị, Hoàng cung đã có gần 30 vườn ngự làm nên vẻ lộng lẫy bậc nhất đế đô. Trong đó, nổi tiếng có vườn Cơ Hạ là nơi sở hữu phong cách riêng biệt cũng như ấn tượng nhất so với các khu vườn còn lại. Khởi thủy, Cơ Hạ là nơi học tập của Thái tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng sau này). Vua Thiệu Trị nâng cấp thành vườn Cơ Hạ lừng danh. Cuối triều Nguyễn, vườn tàn tạ và trôi vào quên lãng. Năm 2014, Cơ Hạ viên được tôn tạo, hiện đang sở hữu đến gần 600 loại cây cảnh quý hiếm được sưu tầm từ các nghệ nhân cây kiểng từ khắp nơi trên cả nước. Mùa xuân, hoa lan khắp xứ lại về đây khoe sắc, khoe hương cùng Cố đô, như một festival hoa lan khiến người ta ngỡ ngàng quá đỗi…
Xuân chốn vườn quê
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Người Huế lập vườn, trước hết như là nơi cư ngụ của tâm hồn mình giữa thế gian, ước mong chỉ là chút di sản tinh thần để lại cho con cháu mai sau...”. Vườn Huế là kiểu vườn tạp, cỏ cây đua chen, như một cách thức “dân chủ” của thiên nhiên sung mãn. Vườn dân dã ấy tưởng chừng quê kiểng, nhưng không ngờ lại hết sức giàu triết lý nhân sinh.
Huế xưa nổi tiếng với những đặc sản vườn như quýt Hương Cần, thanh trà Nguyệt Biều, nhãn Thành Nội, vải Phụng Tiên, chè Tuần... Các loại cây trái này, mùa xuân đồng loạt ra hoa, khiến đất trời Huế nơi đâu cũng ngọt ngào hương sắc. Trong “Ô Châu cận lục”, Dương Văn An kể cây vải vùng Huế cùng giống với 100 cây vải mà Hán Vũ Đế xưa đã cho đem từ Giao Chỉ về trồng ở vườn Thượng Lâm (Trung Quốc). Thế mới biết giống vải vùng Huế xưa quý giá đến thế nào. Mùa xuân, những chùm hoa vải nở bung trắng trời với vẻ đẹp nao lòng cùng mùi hương thơm dịu dàng lan tỏa khắp không gian. Còn cây quýt, từ xưa nổi tiếng quýt Hương Cần là thứ trái tiến vua.
Nhà thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm từng làm thơ vịnh: “…Kỷ trùng phong vũ kỷ trùng sương/ Cam tâm phẫu tự tình nhân thủ/ Yêu thức nông gia triệt cốt hương” (dịch nghĩa: Trải bao mưa gió trải bao sương/ Lòng mong được tự người yêu bóc/ Để biết mình thơm ngát tận xương). Hương mà thơm đến “triệt cốt xương” thì chỉ có quýt Hương Cần mới dậy hương được đến thế. Những năm gần đây, thanh trà trở nên là biểu tượng cây trái của Huế. Những khu vườn thanh trà bạt ngàn ở Nguyệt Biều, vào mùa xuân hoa nở trắng từng chùm, đong đưa trong gió. Sắc trắng hòa trong nắng vàng tạo nên một màu yêu thương miên man, theo nắng lan ra tận bờ sông Hương thơ mộng, vẽ nên một bức tranh đầy chất thơ. Và trong nắng gió hoa vàng ấy, hương hoa bừng dậy một mùa thanh xuân thanh khiết vô ngần.
Hoa xuân chốn quê xứ Huế đâu phải chuyện đùa.
Xuân ẩn vườn thiền
Bắt nguồn từ nhiều yếu tố, nhưng chung nhất vẫn là từ triết lý “lấy thiên nhiên làm đạo tràng hành đạo giải thoát giác ngộ”. Từ những am tranh, lều cỏ hay sau này là những ngôi chùa kiên cố thì vườn chùa vẫn mang tính tạp mộc rất tự nhiên. Mùa xuân trước đây, hoa nở tầng tầng lớp lớp từ các loại rau, cải, cà, mướp, đậu, mè... nấp dưới cây ăn quả như mít, dừa, măng cụt, nhãn... Bây giờ, vườn chùa Huế mang “kiểng tính” nhiều hơn, đa số đều trồng cỏ, có hòn non bộ, có vườn hoa, có nhà thủy tạ an nhiên.
Điều đặc biệt là, hệ cây trái trong vườn chùa rất đặc trưng, nhiều ý nghĩa. Cây phải cho hoa ngọt lành như hoa mộc, hương thơm say đắm, mê mẩn lòng người. Các chùa Huế trồng rất nhiều hoa sứ, gần như chùa nào cũng có. Người phật tử kết hợp với hoa sứ như muốn nhắc về cái đẹp của tính thiện, như mùa xuân thì tỏa hương. Cây sung trồng ở chùa tượng trưng cho sự diệt trừ 108 điều phiền não của con người, như một lời nhắc nhở các kiếp tu. Cây mít có phiên âm tiếng Hán là Ba La Mật Đa, tượng trưng cho đại trí tuệ. Một số chùa gần đây trồng nhiều hoa sala là biểu trưng cho sự tinh khiết, giúp con người giác ngộ, tránh khỏi ưu phiền như chính cái tên vô ưu của nó…
Mùa xuân đi trong vườn chùa, hương hoa trong vườn như mang hương thiền đến với khách tìm sự vô ưu.
Xuân hoàng mai
Nhưng mùa xuân, bao trùm lên tất cả đất phương Nam vẫn là hoàng mai. Nói đến hoàng mai là người ta lại nghĩ ngay đến Huế. Danh xưng hoàng mai Huế mặc định cho loài hoa mai có năm cánh với sắc vàng rực rỡ và những chiếc lộc non xanh biếc trên cành. Huế đang hiện thực hóa “xứ sở mai vàng Việt Nam”. Mai vàng trước ngõ là sự nhắc nhớ về việc giữ gìn phong thái cốt cách Huế, như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng từng thi vị: “Hoa nở trong sương mù, trong nắng mới ban mai, trong gió rét mà vẫn vàng như lụa”...
Chợt nhớ những bước chân bi tráng của Chu Thần Cao Bá Quát ngày xưa làm quan ở Huế như còn hằn dấu đâu đây. Mùa xuân, thi sĩ chắp tay cúi đầu bái lạy hoa mai, chòm râu phất phơ trong gió… Ôi, người xưa bái mai hoa, uống rượu thưởng mai với khí tiết quân tử mộng làm chuyện lớn. Sao lại là mai? E phải dẫn Nguyễn Trãi: “Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi/ Ưa vì mày tiết sạch hơn người”.