Dịu dàng nữ sinh Huế. Ảnh: Minh Thư |
Đi chợ, lắm khi vội nên mạ khoác chiếc áo dài màu khói hương và chỉ gài ba hột nút ở cổ áo, nách và eo, nhưng trông vẫn lịch sự. Tôi mê mẩn nhìn khi mạ tôi đứng trước gương búi tóc và mặc chiếc áo dài phin vải trắng, thầm ước lớn lên sẽ được mặc áo dài như thế.
Thời ấy, đi bất kỳ đâu tôi đều thấy phụ nữ mặc áo dài. Ở chợ, trên đường, o bán bún, bán chè xách, chè gánh, mệ bán cháo bánh canh, chị bán đậu hũ, rau hành, cả dì bán củi gánh, bán than… cũng mặc áo dài mà vẫn di chuyển, mua bán thuận tiện, không có gì vướng víu. Dì bán củi gánh, bán than… dắt bốn chéo áo vào lưng quần và quần xăn bo lên, gánh củi chạy thoăn thoắt. Đi ra ngoài với chiếc áo dài là nếp sinh hoạt bình thường của tất cả phụ nữ.
Lớn thêm một chút, tôi lên Huế và được Ban Giám hiệu Trường Đồng Khánh xét học bạ nhận vào học lớp đệ tam C2 (lớp 10). Trường Đồng Khánh, ngôi trường nữ trung học lớn nhất miền Trung - ước mơ của biết bao thế hệ nữ sinh. Mùa tựu trường, Huế rợp một trời chim câu áo trắng. Từ ngày là nữ sinh Đồng Khánh, thêu lên ngực áo mình hai chữ ĐK viền màu xanh đen, mỗi khi về làng, mọi người đều khen: Ra dáng thiếu nữ rồi, trông dịu dàng, lại là nữ sinh Đồng Khánh!
Thời chúng tôi, áo dài tay Raglan là thịnh hành, thân áo dài quá đầu gối nên di chuyển dễ dàng khi đi bộ cũng như xe đạp, xe máy. Không riêng Đồng Khánh, các trường khác, kể cả Trường Tây Jeanne d’Arc, hầu hết nữ sinh đều mặc áo dài trắng, Trường Kiểu Mẫu áo dài màu xanh da trời. Hồi đó, tôi và bạn bè chưa biết áo dài trắng đẹp đến cỡ nào trong khi các văn nhân, thi sĩ… mỗi người một cách nói, hết lòng ngợi ca áo dài.
Từ xa xưa, nhạc sĩ tài danh lãng tử Văn Cao đã đến thành phố này và không biết đã “vương víu” một “tà áo” nào mà để lại cho đời những vần thơ tuyệt đẹp: “Một đêm đàn lạnh trên sông Huế/ Ôi, nhớ nhung hoài vạt áo xanh!”. Đỗ Trung Quân có lần thổ lộ: “Mỗi khi ra phố, thấy các em nữ sinh tung tăng trong tà áo trắng, không biết tôi còn tương tư cho đến bao giờ”.
“Chiếc áo dài như dòng sông thời gian, dòng sông của cái đẹp chảy qua người đàn bà làm trái tim nàng bị mắc cạn hay chính là vì có dòng sông tuyệt vời kia làm cánh đàn ông phải chết đuối trong tà áo dài, để trái tim đa tình mình muôn năm bị mắc cạn trên đó. Xem cuộc biểu diễn “Thời trang năm 2000” của Báo Thời Trang Trẻ, tôi biết thêm rằng áo dài đang hóa thân vào tất cả thời trang hiện đại, như niềm tự hào cho cái đẹp vĩnh cửu của một đất nước mặc áo dài với hai vạt Trường Sơn và Biển Đông mà làm nên lịch sử Việt Nam. Chiếc áo dài ấy không chỉ là triết học sống, mà còn là văn hóa, là lịch sử thẩm mỹ Việt Nam trôi chảy trên thân hình con cháu bà mẹ Âu Cơ kiều diễm. Chiếc áo dài ấy làm tâm hồn tôi vừa hóa mây trời, hóa mùa xuân gió thổi lênh đênh…”. Một cái nhìn ngắm thăm thẳm sâu về người con gái và tà áo dài của nhà văn, nhà nghiên cứu - phê bình văn học Trần Mạnh Hảo.
Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan từ Sài Gòn ra dạy, ông dạt dào cảm xúc đã gọi đường Lê Lợi là Con Đường Trắng mỗi khi nữ sinh Đồng Khánh tan trường. Dòng thác trắng ấy đã làm chao lòng bao lữ khách đến Huế rồi bịn rịn ra đi.
Chiếc áo dài phụ nữ qua bao thời kỳ, kể từ khi người họa sĩ tài hoa Nguyễn Cát Tường thiết kế nên chiếc áo dài LEMUR đầu tiên - một vẻ đẹp riêng tặng các bà, các cô vào năm 1934. Vào thập niên 1960, chiếc áo dài tha thướt ấy đẹp mê hồn bởi cái “lưng ong”. Thời ấy, các nữ minh tinh màn bạc như Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh, Kim Cương…, các ca sĩ thành danh Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu… đều trong chiếc áo dài kín đáo mỗi khi họ xuất hiện trước công chúng ở các sân khấu, các tụ điểm ca nhạc trong và ngoài nước, rất Việt Nam, rất lịch sự, quyến rũ lạ thường!
Đất nước thống nhất. Trong nỗ lực làm lành vết thương chiến tranh, bên cạnh những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội…, đáng tiếc, có khi thành phố văn hóa Huế vắng bóng áo dài, không chỉ của nữ sinh, cô giáo, nữ viên chức mà cả áo dài của các mệ, các bà, các o… Những chiếc áo dài của một thời Huế đẹp ấy đã được xếp lại, cất vào rương, vào tủ. Nhưng sau hàng chục năm, áo dài dần trở lại với Huế, không chỉ Trường Hai Bà Trưng mà còn các ngành hàng không, bưu điện, ngân hàng…
Xem Lễ hội Áo dài các kỳ Festival Huế từ năm 2000 đến năm 2014, các nhà thiết kế Minh Hạnh, Sĩ Hoàng, Chu La (người Tây Ban Nha), nhiều nhà thiết kế khác và đạo diễn Quang Tú đã xem áo dài là máu thịt, là nguồn cảm hứng sáng tạo làm cho áo dài Việt Nam thăng hoa, hóa thân vào thời trang hiện đại, để nó không mất đi trước cuộc sống ngày càng tốc độ, mà vẫn bền bỉ với thời gian - chính danh là văn hóa mặc thuần Việt đã có từ ngàn xưa của phụ nữ Việt Nam và cả nam giới.
Đã nhiều năm nay, mỗi lần qua phố vào ngày thứ Hai, tôi thích đi đường Nguyễn Trường Tộ, vòng ra Lê Lợi để tôi tìm lại tôi - những ngày tháng áo trắng thơ ngây đến trường - để ngắm các em nữ sinh Hai Bà Trưng đi học và lúc các em tan trường. Ngắm áo dài và suối tóc đen bồng bềnh của tuổi xanh...
Những cựu nữ sinh Đồng Khánh mỗi khi đi café Gác Trịnh vẫn trong tà áo dài, thăm căn gác tang bồng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cái nôi của biết bao bản tình ca bất hủ anh để lại cho đời. Nơi đây, tôi và bạn bè đã “Làm ấm lại Gác Trịnh” để tạ ơn người nhạc sĩ tài danh ấy với những chương trình “Gọi tên bốn mùa” trong nhạc của anh. Không chương trình nào vắng Giáo sư - nhà văn - nhà nghiên cứu - dịch giả Bửu Ý - người bạn chí thiết của anh Sơn. Anh Bửu Ý nói rằng: “Mình đi để nghe nhạc của Sơn và để ngắm áo dài!”.
Trong mắt của mọi người, bây giờ Huế ngày càng đẹp hơn với nhiều con đường thoáng rộng, sạch sẽ, rợp bóng cây xanh… Thi thoảng vẫn còn những buổi sáng, chiều nữ sinh, phụ nữ Huế với áo dài, nón lá, xe đạp trên đường… Ước mong không chỉ cơ quan, trường học, mà cả trong cuộc sống đời thường của các mệ, các o, các dì bán hàng rong và các bà, các chị… áo dài được mặc rộng rãi hơn, nhiều ngày hơn, bởi đây mới chính là “Huế - Kinh đô Áo dài”, là cách làm cho thành phố di sản văn hóa mềm mại như sông Hương giữa dòng xe cộ ngược xuôi, hối hả trên các nẻo đường…