Chanmany Seesavanh cùng cô bạn thân Keosy Xayakeo mặc áo dài chụp ảnh ở di sản Huế |
Những khám phá thú vị
Từ Lào sang Huế du học đã được 3 năm, Chanmany Seesavanh, cô sinh viên năm 3 Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế đã có đến 2 năm ăn Tết Nguyên đán ở Việt Nam. Dù dịp tết nào nhà trường cũng cho nghỉ học sớm, thời gian kéo dài, song cô sinh viên này không về nước. Phần vì tiết kiệm kinh phí, phần quan trọng hơn là để trải nghiệm tết truyền thống ở Việt Nam.
Hòa vào không khí của những ngày giáp tết, Chanmany Seesavanh cùng cô bạn thân Keosy Xayakeo, sinh viên năm 3, ngành Quản trị kinh doanh, Trường đại học Kinh tế, Đại học Huế diện lên mình bộ áo dài truyền thống Việt Nam và đi chụp ảnh ở hệ thống di sản, các điểm đến đẹp trong TP. Huế. Mặc trang phục truyền thống của Lào (có tên gọi là Sinh) đã quá quen thuộc nên khi được mặc áo dài của Việt Nam là một điều thật ấn tượng với hai cô gái trẻ. So sánh với Sinh, hai cô gái cho rằng, mỗi trang phục đều có nét đẹp riêng, thể hiện chiều sâu văn hóa của mỗi đất nước. Riêng áo dài vừa thể hiện sự thướt tha, vừa tôn vinh được vẻ đẹp hình thể của người phụ nữ.
Vào những ngày gần tết, thành phố khoác lên mình chiếc “áo hoa” mới thật rực rỡ. Chanmany Seesavanh chia sẻ, người Việt Nam vào những ngày tết, nhà nào cũng mua thật nhiều hoa về để trong nhà. Bạn trẻ này tìm hiểu và biết được ý nghĩa trang trí hoa trong nhà là thể hiện sự đơm hoa, kết trái. Đó là sự kết tinh của một chặng đường dài và hôm nay đã khoe sắc. Ngày tết phải có hoa trong nhà, mới có niềm vui, may mắn cho một năm. Biết vậy, nên cả nhóm bạn du học sinh Lào hào hứng ra chợ hoa mua một chậu hoa cúc nhỏ đặt trong phòng để có không khí tết Việt. Cả phòng ai cũng kỳ vọng có một năm mới nhiều may mắn và thành công hơn trong học tập.
Trong năm đầu tiên trải nghiệm tết Việt Nam, thấy nhiều người trao cho nhau một phong bao, có rất nhiều màu sắc; trong đó, phần lớn là màu đỏ. Trên đó có rất nhiều câu chúc mừng năm mới hanh thông. Hỏi ra thì biết đó là phong tục lì xì đầu năm của người Việt. Bất ngờ hơn với ý nghĩa, người nhỏ trao lì xì là dành lời chúc sức khỏe cho người lớn. Còn người lớn mừng tuổi con cháu là chúc các cháu nhanh lớn, đạt nhiều thành công trong công việc. “Đó là truyền thống mà với người trẻ như em cảm thấy thật ý nghĩa, chỉ mong những ngày tết có ai đó lì xì, để cũng gặp tài lộc cho cả năm”, Chanmany Seesavanh tươi cười.
Càng sống lâu tại Việt Nam, am hiểu nhiều hơn văn hóa của người Việt, những du học sinh càng yêu mến Huế nhiều hơn. Huế là vùng đất Cố đô, nơi từng kinh đô cuối cùng triều đại phong kiến của Việt Nam, vì vậy, cái tết cũng có những nét riêng biệt trong dòng chảy tết ở Việt Nam. Với những chàng trai, cô gái đến từ nước bạn Lào, ngày tết ở Việt Nam họ thường dành trọn thời gian để du xuân, hòa vào những nét đặc trưng của Tết Huế. “Chúng em đã vào Đại Nội, dừng lại rất lâu tại các trò chơi cung đình. Em thấy các trò chơi này thật độc đáo, thể hiện sự khéo léo và bác học nữa”, Keosy Xayakeo nói.
Cô giáo dạy văn tương lai Chanmany Seesavanh tâm đắc, ấn tượng nhất đối với em về tết Việt là những mâm cơm ngày cuối năm. Ai đi xa, tết cũng cố gắng để trở về nhà. Trong những giây phút cuối năm đó, tất cả mọi người tập trung lại, cùng làm mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên. Sau đó là cùng ngồi lại ăn một bữa cơm tất niên cuối năm. Đó là bữa cơm quan trọng nhất của cả một năm dài đằng đẵng.
Những sứ giả đưa văn hóa Việt Nam đi xa
“Mỗi khi trở về nước, em đều đi chợ, mua thật nhiều thực phẩm ngon, về nấu những món ăn ở Việt Nam và món ăn truyền thống của Lào rồi cùng ngồi ăn với ba mẹ. Trong bữa cơm đó, em kể cho bố mẹ nghe về những nét truyền thống ở Việt Nam. Đặc biệt là những bữa cơm cuối năm. Con cái dù đi xa muôn phương cũng về nhà và cùng ăn một bữa cơm cuối năm với ước nguyện đoàn viên, sum vầy”, Chanmany Seesavanh kể lại.
Đến Huế với thời gian đủ để những người trẻ ở nước bạn Lào hiểu về con người, văn hóa của vùng đất Cố đô. Chọn Huế làm nơi học tập để xây dựng nghề nghiệp cho tương lai, những du học sinh từng bước trở thành cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và nước Lào. “Năm nay, em quyết định ở lại Huế và sẽ đi khám phá, trải nghiệm tết truyền thống nhiều hơn. Để sau này trở về Lào sinh sống sẽ giới thiệu những nét văn hóa tốt đẹp, nhất là trong ngày tết ở Việt Nam đến với thật nhiều người Lào”, Chanmany Seesavanh đặt mục tiêu.
Đã đến Việt Nam nhiều lần, GS. Patrice Baillet, nguyên Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, Trung tâm Bệnh viện Simon Veil, Eaubonne, Cộng hòa Pháp, giảng viên thính giảng tại Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cũng có dịp trải nghiệm tết Việt. GS. Patrice Baillet chia sẻ, tết truyền thống ở Việt Nam khác nhiều ở quê hương ông. Ở Pháp, đó là dịp nghỉ lễ cuối năm, mọi người dành thời gian cho gia đình, người thân. Còn ở Việt Nam thích nhất là không khí du xuân. Có rất nhiều điểm đến được hình thành để mọi người cùng đến vui chơi, tham gia các trò chơi, chụp ảnh… Sau khi về nước ông đã kể cho rất nhiều người nghe về tết truyền thống ở Việt Nam và đã có nhiều người thân chọn Huế nói riêng và Việt Nam nói chung làm điểm du lịch thời gian qua.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Thoa, Trưởng phòng Đào tạo đại học và Công tác Sinh viên, Trường đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng, do khoảng cách về địa lý cùng kế hoạch học tập, các bạn sinh viên Lào đang học tập tại trường đã không thể về nhà trong thời khắc đặc biệt như tết. Để chung vui cùng các bạn lưu học sinh Lào, trường tổ chức các buổi gặp mặt, giao lưu với các bạn sinh viên nước ngoài đang học tập tại trường, với mong muốn giúp các em phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà, đồng thời động viên các em chuyên tâm, chăm chỉ học tập. Từ khi đón nhận du học sinh Lào sang học tập, các em đã giúp quảng bá văn hóa của Việt Nam sang Lào và Lào sang Việt Nam; là nhân tố tích cực góp phần thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết, hữu nghị, tình cảm keo sơn gắn bó của Nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.