Lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh xác định, đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lôi kéo nhiều người cùng tham gia góp hụi |
Vấn nạn góp hụi dẫn đến vỡ, chủ hụi “bỏ của chạy lấy người” làm không ít con hụi lao đao đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh. Nhiều gia đình chồng bỏ vợ, vợ bỏ chồng; anh chị em không nhìn mặt nhau; họ hàng, hàng xóm xa cách, bằng mặt không bằng lòng, mâu thuẫn… cũng đều xuất phát từ hụi.
Để có tiền góp hụi, nhiều người đã huy động nguồn vốn trong gia đình, bạn bè, bà con, hàng xóm. Buổi đầu, việc chia lời từ việc góp hụi diễn ra thuận lợi, suôn sẻ, ai cũng hoan hỉ, phấn khởi. Thế nhưng, đùng một cái, chủ hụi vỡ nợ, bỏ trốn, xáo trộn tất cả mọi thứ.
Nhiều người dân vẫn không thể quên vụ vỡ hụi tại phường Xuân Phú (TP. Huế) với số tiền hàng tỷ đồng. Nạn nhân của vụ vỡ hụi này đa phần là những tiểu thương đang kinh doanh, buôn bán tại chợ Cống. Vì tin tưởng, nên đã có không ít tiểu thương đã góp hụi để kiếm chút tiền lời, nhưng sau đó, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.
Một vụ vỡ hụi cũng đã từng xảy ra tại chợ Đông Ba (TP. Huế) làm không ít người lao đao, với số tiền 15 đến 20 tỷ đồng. Người thiệt hại ít thì vài chục triệu đồng, người nhiều gần 3 tỷ đồng…
Bài học từ các vụ vỡ hụi, chạy làng đã được đúc rút. Ngành chức năng cũng đã cảnh báo người dân. Tuy nhiên, vẫn có người dính bẫy góp hụi, lãi suất cao để rồi trở nên điêu đứng vì hụi.
Theo phân tích của lực lượng chức năng, vẫn biết rủi ro cao, nhưng do quá tin tưởng chủ hụi, lại nhận được lãi suất cao, nên nhiều người vẫn lao vào chơi hụi, bỏ ngoài tai những lời cảnh báo.
Cũng có trường hợp, chủ hụi nhỏ huy động tiền gửi trong người thân, họ hàng, bạn bè để gửi cho các chủ hụi lớn hơn, nhằm hưởng lãi suất chênh lệch cao. Phần nhiều, người dân cũng ham với số tiền được nhận quá lớn, nên bất chấp.
Thời gian đầu, các chủ hụi chi trả tiền lãi suất rất sòng phẳng, đúng hẹn, nhưng lâu dần số tiền góp hụi tăng lên, chủ hụi ôm hụi bỏ trốn khỏi địa phương.
Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phát hiện, bắt giữ đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn (SN 1987), trú tại 11 Đặng Chiêm, phường Hương Sơ (TP. Huế) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Qua công tác nắm tình hình, lực lượng công an nhận thấy, từ tháng 1/2022 đến tháng 12/2023, đối tượng Nguyễn Sĩ Toàn có những bất minh về kinh tế.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh xác định, trong thời gian này, Toàn có biểu hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức đưa ra thông tin gian dối về tài sản của bản thân và lôi kéo nhiều người cùng tham gia góp hụi với những dây hụi góp với số tiền lớn từ 2 triệu đến 5 triệu đồng mỗi ngày.
Người góp hụi đến hạn bốc hụi thì Toàn hứa hẹn nhiều lần và không trả. Ngoài ra, Toàn còn tham gia góp hụi tại các chủ hụi khác, sau đó xin bốc hụi trước với số tiền lớn từ 300 triệu đồng đến 500 triệu đồng. Sau khi bốc hụi xong, Toàn không đóng hụi tiếp mà chiếm đoạt số tiền trên.
Với thủ đoạn gian dối trong chơi hụi, tổng số tiền Toàn đã chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân hơn 5 tỷ đồng. Số tiền mỗi người bị chiếm đoạt từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng.
Từ thực tế các vụ việc vỡ hụi thời gian qua cho thấy, việc tham gia hụi dựa trên niềm tin và các mối quan hệ. Do vậy, người tham gia thường không đề cao cảnh giác.
Để tránh bị mất tài sản, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh khuyến cáo, người dân cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật liên quan đến chơi hụi, như tiền lãi không được vượt quá 20%/năm (tức khoảng 1,6%/tháng).
Nếu chủ hụi điều hành từ 2 dây hụi trở lên hoặc số tiền góp hụi từ 100 triệu trở lên thì phải báo cho UBND cấp xã biết để rà soát, quản lý, theo dõi và phòng ngừa. Người dân khi phát hiện các thông tin như nhiều dây hụi của chủ hụi bị vỡ hoặc nhiều thành viên bỏ hụi thì cần báo cho chính quyền địa phương, lực lượng công an để giải quyết kịp thời. Tóm lại, người dân cần cảnh giác khi chơi hụi để tránh rủi ro...