Chị Chi hối hả làm đẹp giày cho khách |
Tăng nhu cầu
Trước mặt Kim Chi là hàng chục đôi giày đã tút tát xong, chỉ chờ khách hàng đến lấy. Phía góc phải của căn tiệm nhỏ, những đơn hàng dang dở khác vẫn đang chờ đến lượt. Trên bàn, đôi giày hiệu trị giá hàng chục triệu đồng đang được tỉ mỉ vệ sinh. Chị chia sẻ: “Làm nghề như mình phải phân biệt được giày dép các loại. Sự am hiểu này không chỉ đảm bảo mình sẽ phục vụ khách hàng tốt nhất mà còn là uy tín và tay nghề của bản thân”.
Ví như đôi giày mà chị Chi đang làm sạch, những vệt ố nâu trên thân giày không phải là vết bẩn, đó là dấu ấn của nhà sản xuất khi tạo ra đôi giày với màu sắc phong trần, bụi bặm. “Bởi thế, sự am hiểu về giày dép, túi xách giúp mình làm nghề kỹ càng và tránh được cả những thiệt hại không đáng có. Vệ sinh, tút tát lại giày cũng không đồng nghĩa với việc biến đôi giày, phụ kiện bụi bặm, cũ kỹ trở nên bóng loáng mà quan trọng nhất là phục hồi lại nguyên trạng hình dáng, màu sắc của sản phẩm, làm sao để gần với trạng thái nguyên bản nhất có thể”, chị nói.
Mỗi khâu tân trang cho phụ kiện đều được làm tỉ mỉ, cẩn thận |
Cùng với giày dép, các phụ kiện thời trang khác như túi xách, ví bóp, mũ bảo hiểm cũng là mặt hàng được nhiều khách hàng mang đi làm sạch, sửa chữa, tân trang. Không chỉ những sản phẩm đồ hiệu, những phụ kiện thời trang khác dù với mức giá nào cũng được chăm sóc chu đáo, dù là hàng “chợ” hay hàng bình dân.
Nguyễn Việt Trung, thợ chuyên sửa, tân trang thắt lưng, mũ bảo hiểm, túi xách, ví cho biết: “Thời tiết Huế rất dễ làm cho giày, túi bị ẩm mốc. Khi không được vệ sinh kịp thời, nấm mốc sẽ làm giảm chất lượng của sản phẩm dù món đồ đó là đồ mới mua hay đã cũ. Bởi thế, càng về dịp cuối năm, mưa lạnh, nhu cầu làm vệ sinh cho phụ kiện càng nhiều. Nhu cầu này còn tăng lên đột biến khi những ngày giáp tết cận kề”.
Những ước mong
Năm nay, kinh tế không được khấm khá, nhất là với công nhân, người lao động. Bởi thế, nhu cầu mua sắm không cao nhưng nhu cầu sửa chữa, phục hồi giày dép, túi xách lại tăng mạnh.
Không chỉ tiệm của chị Chi, anh Trung, theo ghi nhận tại các tiệm sửa chữa giày dép, mũ nón, lượng khách đến sửa đế giày, dán keo, khâu giày, sửa chữa, phục hồi cho thân giày, phủ nano tăng cao. Đơn hàng nhiều khiến các tiệm phải giãn thời gian lấy hàng từ nửa buổi, một ngày tăng lên hai, ba ngày, thậm chí cả tuần.
Lặn lội mang chiếc túi xách và 5 đôi giày của gia đình lên TP. Huế, chị Giang, công nhân tại một khu công nghiệp tại huyện Phú Lộc cho biết: “Giày mua khá lâu nhưng ngoại hình vẫn ổn, vì thế mình mang lên đây “tút” lại để kịp mang tết và sang năm mới đi làm luôn thể. Dưới mình cũng có chỗ làm giày nhưng chỉ đa phần là sửa đế, khâu chỉ chứ không có vệ sinh hay làm mới. Mình gửi giày ở đây tầm ba ngày sau là có thể lấy giày và túi, yên tâm đón tết rồi”.
Bà Vui, một khách hàng khác cho biết: “Thông thường mọi năm giờ này tôi cũng “lội” ở các chợ để sắm giày dép, năm nay thì không như thế, tôi chỉ sắm bánh, mứt thôi chứ nhiều đồ đem đi sửa vẫn dùng tốt, vừa mới mà vừa đỡ chật nhà, mang đi chúc tết vẫn còn đẹp. Chừ mình tiết kiệm chừng nào hay chừng ấy, hy vọng sang năm mới kinh tế ổn hơn, sắm tết cũng sẽ đỡ đắn đo”.
Để phục vụ cho khách hàng, đồng thời mong muốn đồng hành cùng khách hàng trong thời khắc quan trọng của năm, không chỉ chị Chi, nhiều quầy hàng làm sạch, sửa chữa giày dép vẫn duy trì mức giá dịch vụ như được niêm yết và cam kết không tăng giá. Chị Chi chia sẻ: “Mình cũng là người lao động, có gia đình để chăm lo nên hiểu cảm giác tất bật, lo toan dịp cuối năm của nhiều người, vì thế giá dịch vụ vẫn duy trì ổn định. Mình rất vui và hạnh phúc vì có thể góp một phần nhỏ công sức để nhiều người có giày đẹp, túi đẹp xúng xính đón tết”.