Ngàn Thương là một tên tuổi quen thuộc của người yêu thơ hàng chục năm qua. Anh sinh năm 1948, tên thật là Bùi Công Toa, bút danh Ngàn Thương như thể muốn ôm choàng thế gian bằng niềm yêu mến. Thi ca, khởi thủy là dòng sông cảm xúc chuyên chở một chữ tình đi qua thế gian. Với người vượt ngưỡng thất thập cổ lai hy như nhà thơ Ngàn Thương, dòng cảm xúc ấy còn chở những chiêm nghiệm. Cùng với thời gian miên di, những dòng cảm xúc của Ngàn Thương đã đọng lại trên 9 thi phẩm: Trong vườn trí tưởng, Lãng giữa chiêm bao, Nến chiều, Dấu chân phố, Thủng thẳng qua cầu, “Giấc khuya”, Buông, Thu vàng bay. Và cuối năm 2023 là “Thoáng”.
Bìa tập thơ “Thoáng” của tác giả Ngàn Thương |
Thơ Ngàn Thương bàng bạc một nỗi quan hoài. Cách đây đúng 10 năm, tập “Giấc khuya” ra đời (Nxb Thuận Hóa, 2013), đánh dấu một giai đoạn thơ Ngàn Thương. Giấc khuya, đó là những trở mình lúc nửa đêm về sáng. Trở mình trong đêm giao mùa, trở mình trước thời cuộc, trở mình trước những đổi thay nhân gian, trở mình trước chính tuổi đời mình, trở mình trong ánh mắt mình, trở mình trong sương khói mênh mang… Và trong những thức tỉnh giấc khuya ấy, nhà thơ “rủ” chúng ta cùng chứng kiến màn sương cảm xúc nhè nhẹ dâng lên trong ánh trăng giao mùa; xuyên giữa màn sương ấy, là những chiêm nghiệm chí tình của một thi nhân ngồi dựa bức tường rêu. Như thi sĩ Ngàn Thương đã thú nhận trong tập “Giấc khuya”: “Tôi - hơn nửa đời làm thơ/ có lẽ/ chỉ ưu trầm từ cội rễ hồn nhiên”…
Dòng chảy thi ca của Ngàn Thương, cho đến thi phẩm “Giấc khuya”, là dòng chảy của nhu cầu chan hòa, cảm thông, là tự sự “tôi muốn thành thật với người” mà hốt nhiên không cần biết sự thành thật ấy thành công hay thất bại. Đó cũng chính là cách sống dấn thân hết mình vì cái hồn nhiên tình của nhà thơ trước thiên nhiên và con người.
Những cảm nhận, những ký ức, những hiện tại có khi dồn dập đuổi đón nhau trong một câu thơ như thể một cú dốc ngược cho một cuộc chơi cạn ngày: “Sủi tăm cốc rượu độc hành/ Trò chơi cút bắt còn xanh ngõ về”.
Chỉ một chữ “xanh”, mà cái tươi mươi con trẻ hiện ra, cái tuổi già cô độc hiện ra, và cái cô đơn cảnh báo cho cuộc lữ hành gai góc trên đường về xa ngái cũng hiện ra. Cuộc đời với những ngày còn lại sao mà nghiệt ngã xanh roi rói thế? Có thể gặp trong “Giấc khuya” rất nhiều cảm nhận chiêm nghiệm vô thường khác: “Chiều chiều nhịp mõ qua bờ/ Cát xưa trở giấc hững hờ gọi tên” (Gọi tên).
Rồi chợt thấy mình lạc lõng và cô độc trong một chiêm nghiệm trước mưa: “Phố giờ không ra phố/ Người giờ không ra người/ Vỗ tay nhìn mưa đổ/ Bóng về với mình tôi…” (Nỗi nhớ mùa đông).
Tập “Thoáng” (Nxb Thuận Hóa, tháng 12/2023) cũng nối tiếp những chiêm nghiệm của 10 năm trước. Nhưng bây giờ là những chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh. “Thoáng” ở đây không là dễ dãi, cởi mở… mà là tri nhận hồn hậu về lẽ vô thường của đời người. “Thoáng” không phải là buông bỏ ngoài tai, buông bỏ đôi vai, mà là lựa chọn mang vác, như một niềm yêu tôn kính về tình yêu nhân thế, tình yêu xứ sở. Trước hết là tri nhận, là cảm hoài về những nỗi đời sẽ diễn ra: “Bạn bè xưa không còn mấy/ Lạc loài trên những ngón tay/ Còn đâu ngày xưa thân ái/ Giàu sang quên mất nụ cười” (Mộng chiều).
Nỗi cảm hoài trước những biển dâu của đời người không làm thơ anh mất đi sự đôn hậu. Tình người và đạo tâm luôn được hát lên. Và anh dặn dò người thân: “Đừng buồn cho số phận/Dầu người trước kẻ sau/ Tuổi già theo quy luật/ Như trái cây chín muồi/ Rụng trong vườn đầy nắng/ Hương nhân ái ngọt ngào” (Gửi).
Với Ngàn Thương, những lục bát, tứ tuyệt, hay thơ tự do đều là những cái cớ, bởi với Ngàn Thương, hình thức thơ không là cứu cánh. Cái cứu cánh như đã nói, là những chiêm nghiệm thơ, những cảm nhận thơ, những hồn nhiên thơ, những tình thơ…
Ở tuổi 75, thơ anh vẫn riết róng niềm yêu thương xứ sở, như đó là đã vĩnh hằng trong mùa xuân: “Dẫu tuổi đời chồng chất/ Vọng về tiếng chim ca/ Lời nỉ non hoài cảm/ Không đâu bằng quê nhà” (Sang xuân).
“Quê nhà”, hai tiếng thân thương đó xuất hiện khá đều trong tập thơ: “Có ai về ghé bến không/ Nao nao nhớ gót chân hồng xa xưa/ Xuân lòng tôi nở ngàn hoa/ Ngát thơm mùa cũ - quê nhà là đây” (Ngát hương mùa cũ).
Yêu xứ sở, anh có trong tim một lời thề gìn vàng, giữ ngọc: “Vàng son còn mãi ân cần/ Tích xưa nguyền giữ, vô ngần Cố đô” (Chung một dòng sông). Đó chính là thái độ công dân của nhà thơ.
Hy vọng những tập thơ kế tiếp của anh sẽ tiếp tục được đón nhận và trở thành tri âm với bạn đọc, để mối cảm hoài nội tâm của Ngàn Thương giàu thêm ý niệm trên nẻo về trong cõi sống...