Theo các chuyên gia, việc phục hồi di tích điện Cần Chánh nên thực hiện trong 2 giai đoạn |
Đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý
Mới đây (ngày 12/1), Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã tổ chức báo cáo hội đồng khoa học về dự án nghiên cứu tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh trong hoàng cung triều Nguyễn, Đại Nội. Dự án được đề xuất thực hiện trùng tu, phục dựng lại toàn bộ ngôi điện với tổng thể kiến trúc nội, ngoại thất và cảnh quan theo đúng nguyên bản dưới thời triều Nguyễn.
Trước đó, Dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo điện Cần Chánh đã được HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) phê duyệt chủ trương, đầu tư với kinh phí gần 200 tỷ đồng, thực hiện trong thời gian 4 năm. Tháng 7/2023, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam chủ trì phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế đã tiến hành khảo cổ di tích điện Cần Chánh. Qua đó, bổ sung cứ liệu khoa học quan trọng để xây dựng phương án phục hồi di tích đã có lịch sử 220 năm này.
Theo sử liệu, điện Cần Chánh được xây dựng vào năm Gia Long thứ 3 (1804), đến khi bị phá hủy hoàn toàn (chỉ còn lại phần nền móng) vào năm 1947 thì công trình từng được tu sửa 20 lần với những mức độ khác nhau. Đây là một trong những công trình nằm trên trục thần đạo của Hoàng thành Huế cùng với Ngọ Môn, điện Thái Hòa, Đại Cung môn, điện Càn Thành, cung Khôn Thái, điện Kiến Trung.
Dưới thời Nguyễn, điện Cần Chánh là nơi nhà vua tổ chức lễ Thường triều vào các ngày 5, 10, 20 và 25 âm lịch hàng tháng. Đồng thời, đây cũng là nơi tổ chức tiếp sứ bộ ngoại giao, tổ chức yến tiệc của hoàng gia và triều đình.
Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế Hoàng Việt Trung thông tin, quá trình nghiên cứu về điện Cần Chánh đã được triển khai từ hàng chục năm trước với sự tham gia của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Cũng trong suốt hàng chục năm qua, Trung tâm cũng triển khai nghiên cứu, thu thập được rất nhiều tư liệu, hình ảnh quý về công trình di tích này. “May mắn là nguồn tư liệu ảnh về di tích điện Cần Chánh khá phong phú, cùng với sử liệu, Châu bản triều Nguyễn, công trình cùng thời kỳ đồng dạng, kết quả của đợt khảo cổ trước đó đã có thêm nguồn cứ liệu khoa học chân xác cho việc triển khai phương án phục hồi di tích điện Cần Chánh”, ông Trung nói.
Ông Hồ Hữu Hành, Giám đốc Công ty CP Tu bổ Di tích Huế cho biết, đến nay công việc nghiên cứu dự án đã hoàn thành và có đủ cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để triển khai dự án phục dựng ngôi điện quan trọng này của hệ thống di tích Cố đô Huế.
Thời điểm thích hợp
Theo nhiều chuyên gia, các nhà nghiên cứu, việc triển khai dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh là rất cấp thiết, cần được thực hiện sớm.
“Việc tu bổ cần được thực hiện cẩn thận và nên phân chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 tập trung phục hồi toàn bộ kiến trúc công trình, sau đó mới phục hồi các chi tiết trang trí, nội thất và các hạng mục còn lại. Đây cũng là thời điểm thích hợp nhất để phục hồi điện Cần Chánh, bởi chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý trong tu bổ di tích những năm qua. Nếu không làm ngay thì sẽ ngày càng đẩy dự án xa hơn và gặp khó khăn lớn hơn”, Giáo sư Hoàng Đạo Kính nói.
Nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, phương pháp hình học họa được sử dụng để xác định chiều cao công trình khá chính xác, có cơ sở rõ ràng và đã được chứng minh, nhưng cần bổ sung thêm các hình thức kiểm tra ngược và đối chiếu với hiện trạng để khẳng định tính khả thi của phương pháp được áp dụng. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao lưu ý, mối quan hệ giữa điện Thái Hòa và Cần Chánh trong phục dựng cũng như kích thước, kết cấu công trình dựa trên kinh nghiệm xây dựng các công trình kiến trúc truyền thống, đồng thời đề xuất nghiên cứu phương án phát huy giá trị của công trình sau khi phục hồi. ThS. Trần Thanh Bình - nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử, góp ý cần bổ sung các nghiên cứu về các chi tiết trang trí ô hộc, bờ nóc, bờ quyết, các con giống; cân nhắc thêm hệ thống nội thất như bàn ghế làm việc, hệ thống tranh gương… để phục dựng công trình di tích có sự hoàn thiện và tính giá trị cao.
Theo ông Hồ Hữu Hành, phương án phục hồi điện Cần Chánh sẽ được thực hiện cụ thể, về nền móng: Tháo dỡ toàn bộ bó vỉa nền, tận dụng tối đa vật liệu gốc; gia cố nền tại bó vỉa bằng bê tông đá, xây phục hồi bó vỉa bằng gạch vồ vữa... Đồng thời, gia cố toàn bộ nền nhà; phục hồi nền lát gạch hoa thời Thành Thái 1899; phục hồi chân táng quả bồng xuất hiện từ năm 1923 thời vua Khải Định... Phục hồi hệ tường bao hai bên tả hữu điện Cần Chánh bằng gạch vồ, vữa tam hợp; phục hồi màu sắc theo màu sắc những công trình tương tự kết hợp với đối sánh ảnh tư liệu thời vua Khải Định. Phục hồi mái lợp ngói ống và ngói liệt hoàng lưu ly, trang trí con giống bờ mái theo kiến trúc truyền thống. Sơn son thếp vàng toàn bộ hệ khung gỗ, hệ mái và vách ván; đối với hai chái Đông - Tây thì phục hồi sơn son thếp bạc phủ hoàng kim...