Những đường đi bộ dưới tán cây xanh sẽ là điểm hẹn lý tưởng cho cư dân thành thị 

Một đô thị phát triển theo hướng nào, sẽ ảnh hưởng tác động rất nhiều đến những cư dân hằng ngày sống, làm việc trong thành phố ấy.

“Chúng ta định hình thành phố, thành phố định dạng ta”, Jan Gehl - tác giả cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” đã đúc kết như vậy.

Jan Gehl nói: Thực tế hiện nay đòi hòi phải đặt sự quan tâm đến đời sống đô thị và cư dân thành phố ở vị trí then chốt trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng. Sau khi đã lãng quên nhiều năm, giờ đây người ta nhận ra việc quan tâm đến yếu tố con người trong đô thị là chìa khóa để tiếp cận tới các thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh, tất cả những mục tiêu tối quan trọng của thế kỷ XXI.

Thành phố có một “chức năng truyền thống” đang dần suy yếu và bị đe dọa biến mất là “điểm hẹn” - tức là nơi con người có thể giao lưu với nhau ở những nơi công cộng.

Đọc đến những ý này của Jan Gehl, tôi lại liên tưởng đến các công viên, đường đi bộ hai bên bờ sông Hương của thành phố Huế. Trên thế giới, hay ngay cả ở Việt Nam, không thiếu những dòng sông chảy vào trung tâm thành phố hay công viên dọc bên sông. Nhưng với Huế thì dòng sông Hương và cảnh quan hai bên bờ là một món quà mà những cư dân đang được tận hưởng. Đó là một “điểm hẹn” lý tưởng mà những ai đã từng đến Huế hay sống ở thành phố này sẽ dễ dàng cảm nhận được.

Sông chậm rãi chảy trong lòng thành phố. Những khoảng xanh phủ kín hai bên bờ, trên các tuyến đường nội đô. Sông và công viên hai bên bờ đã tạo nên một đô thị Huế thơ mộng, bình yên. Một đô thị không vồn vã, chậm rãi tạo nên người dân Huế tính cách nhẹ nhàng, bao dung.

Jan Gehl đã đúng khi nói rằng “thành phố định dạng chúng ta”. Nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng của đô thị này đã định hình nên một tính cách cho người dân Cố đô. Người Huế cứ nhè nhẹ như cái tính cách của đô thị đã từng là Kinh đô một thuở.

Tôi nhớ một ông anh đồng nghiệp đã từng nói: “Thành công và dấu ấn lớn nhất mà anh thích là sự quy hoạch các không gian và những con đường đi bộ hai bên bờ sông Hương”.

Mọi sinh hoạt của người dân hầu như đều xoay quanh sự chuyển động của dòng sông. Những ngày trời đẹp giữa tiết đông, hay khi hè đến, thu sang, hai bên bờ sông Hương là điểm đến mà cư dân bản địa và du khách không thể bỏ qua. Gió từ sông thổi lên. Bóng mát từ những rừng cây tỏa bóng, mong gì lắm từ những đặc ân đó. Hình ảnh người tản bộ, thong dong dọc các con đường đi bộ, ngắm cảnh hay bơi lội trên dòng Hương nó nêu bật lên được khung hình một đô thị an toàn, bền vững.

Dọc hai bên bờ sông Hương giống như một “điểm hẹn” mà Jan Gehl nhắc đến. Những nơi này, mọi người có thể giao lưu bằng các trò chơi, điệu nhảy với nhau mà không phân biệt ai, đến từ đâu...

Từ thượng nguồn về hạ du sông Hương, hai bên bờ đâu đâu người dân cũng có thể ngồi xuống, tận hưởng khí lành. Những quy hoạch không xâm phạm đến cảnh quan bờ sông đã để lại cho thành phố một trong những địa điểm thú vị. Dân, du khách có thể ngồi hằng giờ bên bờ sông mà cảm nhận cái thi vị, nên thơ của một đô thị không quá cầu kỳ nhưng nó chăm chút, để ý đến từng biểu cảm của con người.

Khi nhiều đô thị bị quy hoạch dồn nén, bức bí và rồi không khí ô nhiễm thì Huế đã mở ra cho cư dân những không gian trong lành. Hai bên bờ sông đang được quy hoạch để kéo dài hơn những tuyến đi bộ. Không gian xanh đó có lẽ là niềm vui nhất mà người dân đang tận hưởng.

Quy hoạch, xây dựng một không gian phải để ý đến được từng yếu tố dù nhỏ nhất cho cư dân, du khách. Jan Gehl viết: “Một thành phố như thế phải có những điều kiện quy hoạch, thiết kế, chăm chút tính đến từng chuyển động, vóc dáng, tầm nhìn… của con người cũng như sự tương thích của con người với các công trình trong thành phố”.

Sức khỏe của một đô thị là sự khỏe mạnh của cư dân. Chủ nhân bất an thì đô thị đó đã nhận lấy một sự thất bại. Sức khỏe của đô thị là gì? Đó phải là cây xanh. Là quy hoạch tạo ra những không gian sinh khí lành. Là nơi ai cũng được tiếp cận những thứ sạch sẽ và những không gian mở. Cư dân sẽ bị đọa đày trong những bản thiết kế, quy hoạch tồi.

Khi đạt đến đỉnh cao, con người thường tìm về lại với những thứ đơn giản. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy bây giờ người dân đang có xu hướng quay lại với lối sống chậm, hòa vào thiên nhiên. Đi bộ hay di chuyển bằng xe đạp là một trong những xu thế được nhiều người lựa chọn. Khi sự dịch chuyển và xu hướng tham gia giao thông thay đổi, buộc phải có không gian những quy hoạch cho một xu thế tất yếu như vậy. Một thành phố sống động, an toàn, bền vững và lành mạnh đã trở thành nguyện vọng bức thiết không của riêng ai.

Trong một mục viết về “thành phố bền vững”, Jan Gehl nói rằng: Khái niệm thành phố bền vững nhấn mạnh việc phát triển theo hướng “giao thông xanh”, bao gồm: đi bộ, đạp xe hay sử dụng phương tiện công cộng. Sự hấp dẫn của các hệ thống giao thông công cộng cũng được củng cố nếu người dân cảm thấy an toàn và thoải mái hơn khi có thể đi bộ hay xe đạp để tiếp cận nhà ga và bến tàu xe.

Đô thị Huế một phần nào đó đã đáp ứng được ít nhiều tiêu chí không gian cho một thành phố bền vững như Jan Gehl nêu ra. Di chuyển bằng xe đạp là một trong những sự hướng đến của đô thị Huế, dù để nó phổ biến rộng hơn sẽ rất khó. Như ý kiến của chuyên gia trong một hội thảo: “Muốn hướng đến một thành phố xe đạp lúc mới bắt đầu sẽ rất khó, nhưng nếu quyết tâm sẽ làm được”.

Huế xanh rồi. Nhưng với tôi vẫn muốn Huế xanh hơn nữa. Nhiều không gian mở hơn nữa. Chăm chút trong những bản quy hoạch. Dựng lên một cái gì, quy hoạch một cái gì thì bản thân của nó cũng đi đến một mục đích duy nhất là phục vụ cư dân.

Khi người ta mở cửa sổ, cái chạm vào đầu tiên trong mắt phải là khoảng xanh của cây cối.

Nguyễn Đắc Thành