Các sản phẩm sẽ chọn cho mình một phân khúc khách hàng riêng |
“Chạm đúng nỗi đau khách hàng”
Khi một sản phẩm mới ra đời, theo thời gian sẽ có hàng ngàn sản phẩm na ná nhau xuất hiện. Đó là một thực tế và cũng chính thách thức trong kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp. Vấn đề là làm sao giữa muôn vàn cái na ná ấy, sản phẩm của mình vẫn có chỗ đứng, có lối đi riêng. Nói cách khác là phải định hình được sản phẩm và tìm được ngách riêng cho sản phẩm của mình.
Lấy sản phẩm thủ công từ cỏ bàng làm đơn cử. Nếu xưa kia, người dân vùng đệm bàng Phò Trạch sống nhờ những chiếc đệm, người có tay nghề cao hơn có thể bắt tay làm nên những chiếc túi, giỏ phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày. Thì nay cũng chính từ làng nghề ấy, với sự đồng hành của doanh nghiệp, các sản phẩm đã trở nên đa dạng hơn từ túi xách, ví, mũ, nón... Không dừng lại ở sự đa dạng về thiết kế, mẫu mã mà ngay trong phân khúc khách hàng cũng đã có sự khác biệt theo định hướng riêng của doanh nghiệp.
Cũng là sản phẩm nón lá từ chất liệu cỏ bàng, cũng chính do bàn tay của những người phụ nữ vùng đệm bàng Phò Trạch làm ra, song nếu một số thương hiệu khác chỉ có giá từ 200-300 ngàn đồng/chiếc thì nón lá cỏ bàng của Maries lại có giá hơn gấp đôi. Nhiều người có lẽ sẽ đặt 2 sản phẩm nọ lên bàn cân và lẽ dĩ nhiên, “tiền nào của nấy”.
Tôi từng nghe Hồ Thị Sương Lan, CEO của Maries chia sẻ tại một buổi diễn đàn rằng, người tiêu dùng hiện nay thông minh lắm, tuỳ theo nhu cầu, cá tính mà họ chọn sản phẩm tương ứng.
Và thực tế với những khách hàng cao cấp, họ sẽ tìm kiếm những sản phẩm độc đáo, mang tính cá nhân và có chất lượng tốt. Đối với họ, giá trị của sản phẩm không chỉ nằm ở việc sở hữu một món đồ trang trí hay sử dụng hàng ngày, mà còn thể hiện của cái tôi và phong cách cá nhân. Thay vào chú ý về giá, họ đánh giá cao sự tỉ mỉ trong từng đường nét, kỹ thuật và sự độc đáo của sản phẩm. Đó là lý do, Maries có những tiêu chuẩn khắc khe trong tạo hình sản phẩm để đạt đến sự hoàn hảo về mặt kỹ thuật và nghệ thuật.
Thiết kế bao bì phù hợp cho sản phẩm làm tăng nhận diện thương hiệu |
Giá trị không chỉ nằm ở sản phẩm
Tại không ít diễn đàn về đổi mới sáng tạo, nhiều chuyên gia đã khẳng định rằng, việc liên kết xây dựng sản phẩm trên nền tảng văn hóa và truyền thống có thể tác động đến giá trị của sản phẩm. Với Maries, nền tảng văn hóa của sản phẩm gắn chặt với sứ mệnh gầy dựng sản phẩm hàng thủ công truyền thống, tạo sinh kế bền vững hơn cho làng nghề đệm bàng Phò Trạch. Và chính sự kết hợp giữa kỹ thuật, nghệ thuật và yếu tố văn hóa đó đã tạo ra những sản phẩm độc đáo, mang tính biểu tượng, góp phần tăng thêm giá trị cho sản phẩm của thương hiệu Maries.
Cũng xây dựng nền tảng văn hóa gắn chặt với làng nghề truyền thống, Maypaperflower cũng có những sáng tạo rất riêng để tạo nên thương hiệu cá nhân. Lấy cảm hứng từ làng nghề hoa giấy Thanh Tiên, song để không trùng lặp với nhóm khách hàng của làng hoa này, Phan Minh Hiếu lựa chọn thị trường mô phỏng kết hợp thủ công với nghệ thuật hiện đại trong phân khúc sản phẩm trang trí tường, phòng ở, nơi làm việc và quà tặng. Và không thể phủ nhận việc lựa chọn đúng phân khúc khách hàng, thị trường ngách cho sản phẩm hoa giấy đã giúp Maypaperflower có chỗ đứng riêng mà không phải thương hiệu nào cũng có được.
Ngoài dấu ấn riêng, chất riêng của sản phẩm truyền thống thì mẫu mã và bao bì sản phẩm, bộ nhận diện thương hiệu riêng của sản phẩm cũng cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy các sản phẩm truyền thống, nhất là các sản phẩm đặc sản làm quà tặng của Huế vẫn chưa chú tâm thực hiện vào điều này. Đó là lý do khiến cho các sản phẩm quà tặng của Huế chưa chiếm được ưu thế so với các sản phẩm cùng loại.
Ông Nguyễn Đức Tùng, chuyên gia trong lĩnh vực marketing sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử từng chia sẻ, thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm không chỉ để trình bày, mô tả cho sản phẩm hay đơn thuần là bảo quản, chứa đựng sản phẩm mà còn đảm nhận vai trò như một “công cụ” để tiếp thị cho sản phẩm. Những sản phẩm có thiết kế bao bì tinh tế sẽ được người tiêu dùng chú ý nhiều hơn. Từ đó, mang lại hiệu quả kinh doanh cao, tăng doanh số cho doanh nghiệp, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí cho các hoạt động quảng bá sản phẩm.
Nói đến đây, tôi lại nhớ đến câu nói của cô bạn khi cầm trên tay những hộp mứt, bánh, kẹo tuổi thơ của thương hiệu Mộc Truly Hue’s với tạo hình vỏ hộp là cô gái Huế khoác lên mình chiếc áo dài, nón lá: “Món quà không chỉ ngon về nội dung mà cả về hình thức, đúng nghĩa là đặc sản không phải chỉ để ăn mà là để thưởng thức”.
Điểm cộng cho thương hiệu này chính là các sản phẩm của Mộc Truly Hue’s đều rất chú tâm đến thiết kế bao bì thể hiện văn hóa Huế trong từng sản phẩm.
Nói như chị Phạm Thị Diệu Huyền, “Để nâng cao sức cạnh tranh, giá trị của sản phẩm không chỉ dừng ở “tốt gỗ” mà còn phải tốt cả “nước sơn”. Điều này góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng rằng, chất lượng sản phẩm bên trong tương đồng với hình thức đẹp đẽ bên ngoài. Để chinh phục được điều này, bao bì phải thể hiện rõ nhãn hiệu, đặc tính, tạo cảm xúc, tạo nên bản sắc riêng của các sản phẩm quà tặng để có thể “kể” nhiều hơn về văn hóa Huế với khách hàng.
Điều này được các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới rất chú trọng. Và thực tế chứng minh, đơn vị nào chú trọng đầu tư cho “lớp áo” theo phong cách riêng, phù hợp với xu thế sẽ thành công. Và lẽ dĩ nhiên, khi sản phẩm được đầu tư chỉn chu từ hình thức đến nội dung sẽ lựa chọn cho mình phân khúc khách hàng phù hợp đúng kiểu “gió tầng nào gặp mây tầng đó”.