Trao tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho TS. Amandine Dabat (Quốc tịch Pháp) - hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi |
Những trợ giúp quý giá
Dấu ấn hợp tác quốc tế ở di sản Huế trong công cuộc bảo tồn, trùng tu di tích Huế diễn ra mạnh mẽ từ những năm 80 của thế kỷ XX, khi tổ chức UNESCO phát động chiến dịch nhằm giúp Quần thể di tích Huế thoát khỏi sự xuống cấp nguy hiểm do chiến tranh, thời gian, điều kiện khí hậu và sự thiếu ý thức của con người.
Năm 1978, UNESCO đã cử KTS. Pierre Pichard đến Huế khảo sát. Sau khi về Paris, ông Pierre đệ trình lên UNESCO bản báo cáo nhan đề “Bảo tồn Di tích Huế”. Năm 1981, tại Hà Nội, ông Amadou Mahtar M’Bow, Tổng Giám đốc UNESCO lúc bấy giờ đã kêu gọi cứu vãn Huế và phát động một cuộc vận động quốc tế giúp trùng tu, tôn tạo di tích Huế trở lại quỹ đạo ban đầu.
Đến nay, đã có nhiều dự án tiêu biểu có sự đồng hành của UNESCO, như: Dự án trùng tu di tích Ngọ Môn, Dự án thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia nhằm bảo vệ Nhã nhạc Huế, Chương trình “Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế”...
Nổi bật có dự án hợp tác nghiên cứu kiến trúc truyền thống Huế và phục hồi điện Cần Chánh. Đây là dự án trọng điểm trong chương trình Phối hợp nghiên cứu đào tạo và bảo tồn khu di tích Huế giữa Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới của UNESCO và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế. Hay dự án bảo tồn, phục chế các án thờ hoàng gia của Triệu Tổ Miếu và bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu do Quỹ Bảo tồn Văn hóa của Đại sứ Hoa Kỳ tài trợ. Các dự án bảo tồn và đào tạo, chuyển giao kỹ thuật bảo tồn truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, đúng chuẩn mực bảo tồn quốc tế Đức của Hội Bảo tồn Di sản Văn hóa e.V Fulda Đức… Đặc biệt, trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, trao đổi học thuật và chia sẻ nguồn tư liệu về di sản văn hóa Huế. Trung tâm đã thiết lập quan hệ hợp tác với Trung tâm Lưu trữ Tư liệu Hải ngoại, Viện Viễn Đông Bác Cổ, một số bảo tàng quốc tế và cá nhân tại Cộng hòa Pháp.
Các chương trình, dự án hợp tác này đã góp phần thắt chặt mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và các nước trong thời gian qua, thể hiện mối quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế đối với công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di tích tại Cố đô Huế.
Lan tỏa giá trị di sản
Hơn 40 năm qua, với sự hỗ trợ và kết nối của UNESCO, đã đem lại cho di sản văn hóa Huế những hỗ trợ thiết thực và hiệu quả: có 15 chính phủ, 50 tổ chức phi chính phủ, hơn 10 tổ chức tư vấn chuyên môn quốc tế đã có quan hệ và tài trợ về kỹ thuật, tài chính với tổng kinh phí hơn 10,5 triệu USD. Trung tâm BTDTCĐ Huế cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với 21 cơ quan, tổ chức quốc tế và 9 cơ quan, tổ chức trong nước; 55 chương trình và dự án hợp tác quốc tế về nghiên cứu, trùng tu và đào tạo nguồn nhân lực có quy mô và hết sức có ý nghĩa.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nghệ sĩ này đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động bảo tồn di sản trên các lĩnh vực hoạt động, nhiều người trong số đó đã trở thành cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn chủ chốt của đơn vị và các ban ngành để đáp ứng cho nhu cầu lâu dài của công cuộc bảo tồn di tích Cố đô Huế.
Thực tế công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế trên phương diện hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại trong thời gian qua giúp Huế có nhiều bài học kinh nghiệm phong phú trong các lĩnh vực: Bảo tồn trùng tu các di sản vật thể; bảo tồn di sản phi vật thể; di sản tư liệu; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; khai thác và phát huy giá trị các di sản.
Năm 2022, trong chuyến viếng thăm cấp cao của Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, UNESCO đã đánh giá cao những kết quả vượt bậc trong bảo tồn di sản văn hóa của địa phương và cam kết tiếp tục đồng hành, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho tỉnh trong công tác bảo tồn và phát triển di sản bền vững.
Tại chương trình kỷ niệm 2 di sản thế giới được UNESCO vinh danh năm 2023, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO - Lazare Eloundou Assomo đánh giá cao “Cố đô Huế đã chuyển mình từ một kho báu di sản bị tàn phá trở thành một biểu tượng nổi bật của bảo tồn di sản và hợp tác quốc tế. Đây là bài học điển hình trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích cho các khu di sản thế giới khác tại Việt Nam và trong khu vực, nhất là trong lĩnh vực bảo tồn di sản kiến trúc gỗ. Điều này giúp lan tỏa mạnh mẽ giá trị di sản văn hóa Huế và nâng cao hơn nữa uy tín và vị thế của đơn vị quản lý di sản cũng như của tỉnh nhà trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa Huế”.